Thứ ba, 25/9/2012, 23h09

Đến lúc bỏ trần huy động?

Những ngày qua, thị trường lãi suất ngân hàng (NH) liên tục “nóng sốt” khi lãi suất huy động kỳ hạn dài trên 1 năm nhảy vọt. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất ghi nhận được là 13%/năm, kỳ hạn 13 tháng.
Tại nhiều NH, lãi suất huy động cạnh tranh quyết liệt. Có NH  áp mức lãi suất 12,8%/năm hoặc 12,9%/năm và kèm theo các chương trình khuyến mãi, ưu đãi… nhằm kéo khách hàng về phía mình.
Ở kỳ hạn dưới 1 năm, dù trần lãi suất theo quy định là 9%/năm nhưng một số lãnh đạo NH tiết lộ khó tìm được NH nào không lách trần bằng cách này hay cách khác, như cộng thêm 0,5% đến 1%/năm lãi suất tiền gửi cho khách hàng. Nhiều NH ưu ái cho khách hàng rút trước hạn nhưng vẫn được hưởng nguyên lãi suất hoặc tận dụng lãi suất thả nổi kỳ hạn dài để lách…
Trong khi đó, từ tháng 10 năm ngoái, sau khi NH Nhà nước mạnh tay xử phạt vài NH huy động vượt trần, đến nay vẫn chưa có thêm NH nào vi phạm được phát hiện. Có lẽ vì vậy mà “thuốc” xử phạt của cơ quan quản lý đã bị lờn khi giới NH miêu tả tình trạng lách trần là “cả làng ai chả vậy”.
Ở góc độ khác, lãi suất cho vay được NH Nhà nước kêu gọi các NH thương mại điều chỉnh giảm xuống còn 15%/năm từ tháng 7-2012 dựa trên cơ sở xem xét khả năng tài chính. Tuy nhiên, đến cuối tháng 8-2012, theo thông báo của NH Nhà nước, vẫn còn 22,7% khoản vay cũ đang phải chịu lãi suất trên 15%/năm. Thậm chí, một số khoản vay của khách hàng vừa được hạ về dưới 15%/năm nay đã bị NH thông báo điều chỉnh tăng trở lại.
Kết quả của cuộc chạy đua huy động là đầu ra cho vay khó giảm sâu, không đủ kích thích doanh nghiệp vay vốn phát triển kinh tế, trong khi khách hàng gửi món tiền nhỏ lại chịu thiệt thòi vì tuân thủ đúng quy định.
Thời điểm này, theo các chuyên gia kinh tế, đã đủ điều kiện bỏ trần lãi suất và nên trả lãi suất về thị trường quyết định. Bởi, nói như một vị chuyên gia: Các NH thương mại bây giờ đều “tự xử” vì NH Nhà nước không kiểm tra và nếu có cũng rất khó phát hiện.
Theo NLĐ