Thứ năm, 29/1/2015, 22h01

Hà Nội: Khó đạt kế hoạch xây trường chuẩn

Trường THCS Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm - một trong những trường đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội trong buổi chào cờ đầu tuần. Ảnh: I.T

Tại Hội nghị tổng kết công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng như các phòng giáo dục quận huyện cho biết xây dựng trường chuẩn quốc gia của Hà Nội gặp hai vấn đề lớn: Nội thành thiếu đất, ngoại thành thiếu kinh phí. Năm 2015 là năm cuối của kỳ kế hoạch 5 năm 2011-2015, toàn ngành GD-ĐT tiếp tục nỗ lực phấn đấu để hoàn thành chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ từ 50% đến 55%.
Chuẩn nào cũng khó
Tại Hội nghị tổng kết, ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, năm 2014, thành phố giao cho sở xây dựng 100 trường đạt chuẩn quốc gia, sở đã thực hiện được 119 trường, vượt chỉ tiêu 19 trường. Tuy nhiên, Hà Nội có 30 quận huyện, không phải quận huyện nào cũng đạt kế hoạch đề ra. Theo ông Cẩn, có 3 đơn vị không hoàn thành chỉ tiêu là Sóc Sơn, đăng ký 4 trường nhưng không được trường nào, Thạch Thất đăng ký 3 trường nhưng cũng không được trường nào, Hoàn Kiếm đăng ký 1 trường nhưng cũng không  đạt kế hoạch đề ra.
Chia sẻ về nguyên nhân không đạt chỉ tiêu được giao, ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Sóc Sơn cho biết khó khăn lớn nhất của huyện đó là vấn đề kinh phí. Năm 2014, ngành giáo dục của huyện được giao 5 tỷ đồng nhưng có tới hơn 100 trường nên chỉ mua bàn ghế đã hết. Trong khi đó, nhiều trường mầm non công lập của huyện đang quá tải sĩ số. Nhiều trường đang phải “cõng” 80 học sinh/lớp. Do đó, huyện không còn kinh phí để xây dựng trường chuẩn. Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng Giáo dục huyện Thạch Thất cũng cho biết, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, cùng với nguồn thu khó khăn nên huyện không hoàn thành được chỉ tiêu đề ra. Hiện 3 trường mà huyện đăng ký đã cơ bản hoàn thành các điều kiện và trong quý I/2015 sẽ hoàn thành.
Đối với các huyện ngoại thành, kinh phí là vấn đề khó khăn lớn nhất thì ở các quận nội thành, mặt bằng lại là trở ngại để các trường tiến tới đạt chuẩn. Hoàn Kiếm năm 2014 chỉ đăng ký 1 trường nhưng cũng không đạt được là vì lý do này. Theo bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, không riêng Hoàn Kiếm mà các quận khác của thành phố, các trường đều gặp khó khăn về đất đai. Q.Hai Bà Trưng những năm trước rất khó khăn nhưng năm 2014, Phòng GD-ĐT đã có giải pháp đưa sân chơi của các trường mầm non lên tầng cao một cách an toàn để giải quyết vấn đề mặt bằng. Chính vì vậy mà quận đã hoàn thành và vượt kế hoạch xây dựng trường chuẩn được giao.
Việc xây dựng trường chuẩn mới gặp khó khăn và công nhận lại chuẩn đối với những trường đạt chuẩn trước 2009 cũng khó khăn hơn rất nhiều. Nguyên nhân do kinh phí không có, sĩ số lớp tăng theo từng năm. Năm 2014, toàn thành phố đã có 212 trường được công nhận lại. Có 4 đơn vị đạt 100% là Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Hoàn Kiếm. Có 8 đơn vị thực hiện dưới 50%. Đặc biệt, có 3 đơn vị chưa thực hiện được trường nào là Quốc Oai (0/12 trường), Sơn Tây (0/10 trường), Ba Đình 0/8 trường.
Khó khả thi nếu dồn trong 2 năm
Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT TP.Hà Nội cho biết năm 2015, chỉ tiêu thành phố giao xây dựng 100 trường đạt chuẩn quốc gia mới và hoàn thành công nhận lại 293 trường đã đạt chuẩn quốc gia, trong đó còn 222 trường đạt chuẩn trước 2009 và 71 trường đạt chuẩn năm 2009. Đây cũng là một thách thức đối với ngành GD-ĐT. Bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội cho rằng trong kế hoạch xây dựng trường chuẩn của Hà Nội dường như mới chỉ quan tâm đến xây dựng cơ sở vật chất, còn đội ngũ cán bộ giáo viên chưa có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ. Đặc biệt, trong quá trình đi giám sát, đoàn giám sát của HĐND nhận thấy có sự chênh lệch lớn về trường chuẩn giữa các khu vực trong toàn thành phố. Một điểm nữa là các phòng GD-ĐT xây dựng kế hoạch chưa sát với điều kiện của các quận huyện. Chính vì vậy mà có tình trạng không hoàn thành kế hoạch đề ra. Hơn nữa, việc công nhận lại chuẩn dồn trong 2 năm (2014-2015) đối với các trường đã đạt chuẩn trước năm 2009 là rất khó khăn. Phòng GD-ĐT huyện Mê Linh từng đề xuất xin được giãn thời gian công nhận lại chuẩn đối với các trường đạt chuẩn của huyện trước 2009 đến năm 2016 nhưng đề xuất này không được Sở GD-ĐT Hà Nội đồng ý. Hiện Mê Linh mới chỉ có 6/21 trường được công nhận lại chuẩn.
Để hoàn thành kế hoạch được giao, ngành GD-ĐT Hà Nội đề xuất thành phố và các sở ngành liên quan hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia cho 6 huyện có tỷ lệ đạt chuẩn quốc gia thấp và nguồn kinh phí khó khăn là Ba Vì, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Quốc Oai. Kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn tìm thêm quỹ đất để xây dựng trường học cho các quận nội thành có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia thấp.
Nghiêm Huê