Thứ tư, 1/10/2014, 09h10

Học mọi lúc, mọi nơi

Ông Nguyễn Văn Lưu - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè trao tặng giấy khen cho các “Gia đình học tập” tại lễ phát động “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” 2014
Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định: “Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời”. Theo đó, hàng năm các địa phương đều long trọng tổ chức “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”. Năm 2014, tuần lễ có chủ đề: “Học để làm cho mình và cộng đồng hạnh phúc hơn”.
Trong 2 ngày 28 và 29-9, cùng với cả nước, các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đã tổ chức lễ phát động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời. Tuần lễ được kéo dài đến ngày 5-10.
Người dân cần học gì thì học nấy
Theo bà Trương Thị Ánh - Phó chủ tịch HĐND TP - thì: “Xã hội học tập là nơi mà mọi người ở đó đều có nhu cầu và xây dựng cho mình một kế hoạch học tập trong suốt cuộc đời. Là nơi có thể đáp ứng một cách tốt nhất, phù hợp nhất nhu cầu học tập của người dân ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, mọi trình độ nhằm rèn luyện kỹ năng, nâng tay nghề và chất lượng cuộc sống. Như vậy, khái niệm “học tập” phải được hiểu theo hướng “mở”. Nghĩa là việc học không chỉ diễn ra trong lớp chính khóa, trong các trường phổ thông, ĐH chính quy mà còn được tổ chức ở bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu và với bất kỳ đối tượng nào”.
Do vậy, trong phạm vi cả nước nói chung và trên địa bàn TP.HCM nói riêng, ngoài hệ thống trường công lập, còn có các trung tâm (TT) bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ, các TT học tập cộng đồng, TTGDTX… hoạt động cả ngày lẫn đêm. Chính những TT này đã đáp ứng được nhu cầu cần gì học nấy của người dân, giúp họ có cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Ông Lê Bảo Lộc - Giám đốc TT Học tập cộng đồng thị trấn Nhà Bè (H.Nhà Bè) - cho biết: “Ngoài việc duy trì và tổ chức các lớp xóa mù chữ, phổ cập trung học, xóa mù tin học, TT còn phối hợp với Hội Nông dân tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, cách tổ chức sản xuất mới, phòng tránh bệnh cho gia súc, gia cầm cho người dân. Mở các lớp trang điểm, may mặc… cho rất nhiều phụ nữ trên địa bàn. Qua đó nhiều người đã có việc làm ổn định, có cuộc sống khá hơn”.
Hay như tại TT Dạy nghề H.Nhà Bè, biết học viên của TT “ngán” với việc học chữ nên đội ngũ giáo viên ở đây thường truyền đạt kiến thức một cách cô đọng nhất. Chủ yếu giúp học viên luyện tập tay nghề bằng những công việc cụ thể như may quần, áo cho bản thân; sửa chữa hệ thống điện của TT…
Đây cũng là cách làm của nhiều TT dạy nghề, trường nghề trên địa bàn TP. Cách dạy nhẹ lý thuyết, nặng thực hành này đã giúp cho những người vốn không có hứng thú với con chữ, con số có được một cái nghề để mưu sinh. Từ đó giúp cho xã hội ngày càng phát triển, người dân ngày càng có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cái chữ là tài sản quý

Hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời, TP.HCM xây dựng chương trình “Thành phố học tập”. Trong ảnh: Học viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhận bằng thạc sĩ về kinh tế trong chương trình hợp tác giữa nhà trường và một trường ĐH của Hà Lan. Ảnh: Anh Khôi
Nhờ có các hoạt động diễn ra “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” mà quan niệm “Đói ăn mới chết, chứ đói chữ chẳng sao” của nhiều hộ gia đình nghèo đã thay đổi. Chẳng hạn như gia đình ông Nguyễn Văn Dậu và bà Dương Thị Kim Vân (ấp 5, xã Phú Xuân, H.Nhà Bè). Gia đình ông bà thuộc diện “nghèo rớt mồng tơi”, ăn bữa sáng phải lo bữa chiều nhưng họ thà đói bụng chứ nhất quyết không để con đói chữ. Ông Dậu nói: “Vợ chồng tôi nghèo, chẳng có tài sản gì để lại cho các con nên phải cho chúng nó học chữ. Thứ tài sản tri thức đó sẽ giúp các con tôi có cuộc sống tốt hơn, không phải vất vả như cha mẹ chúng”.
Và để có tiền cho 3 đứa con được đến trường, ngày ngày ông Dậu phải chạy xe ôm từ sáng sớm tới khuya để kiếm cho được 100 ngàn đồng. Còn vợ của ông thì chạy khắp làng trên, xóm dưới để bán vé số. Ngày nào may mắn thì kiếm được 70-80 ngàn đồng, ngày ế ẩm thì chỉ có vài ba chục ngàn. “Nhà 5 miệng ăn nhưng mỗi ngày chúng tôi chỉ chi 70-80 ngàn đồng để mua gạo, rau, mắm muối, còn lại dành dụm đóng tiền học cho sắp trẻ. Mười mấy năm vợ chồng tôi cực khổ, đến bây giờ coi như đã được đền đáp phần nào. Đứa lớn đã tốt nghiệp Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng và đi làm cho một công ty của Nhật, còn đứa thứ hai thì sang năm sẽ tốt nghiệp ĐH Sài Gòn và ra làm cô giáo, đứa út vừa đậu vào Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại”, ông Dậu phấn khởi cho biết.
Hiểu được giá trị của tài sản tri thức nên mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, phải lăn lộn kiếm tiền (phụ bán quán cơm, quán cà phê…) nhưng Nguyễn Minh Thuận (ấp 2, xã Long Thới, H.Nhà Bè) vẫn quyết tâm học hành đến nơi đến chốn. Không có điều kiện để sáng sáng cắp cặp tới trường phổ thông công lập như nhiều bạn cùng trang lứa, Thuận đến với TTGDTX của huyện để học. Sau 3 năm (từ 2011 đến 2014) vừa học vừa kiếm tiền phụ giúp gia đình, Thuận cũng tốt nghiệp. Không bằng lòng với tấm bằng tốt nghiệp THPT, Thuận đã đăng ký thi ĐH và em đã trúng tuyển vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ hồi tháng 7 vừa qua.
Có thể những tháng ngày tiếp theo, để trang trải cho việc học, Thuận sẽ vẫn phụ bán quán cơm, quán cà phê. Nhưng, tương lai tươi sáng đang chờ em ở phía trước.
Và những người biết quý trọng cái chữ như vợ chồng ông Dậu, em Thuận chắc chắn sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bài, ảnh: Hòa Triều
“Với chủ đề “Học để làm cho mình và cộng đồng hạnh phúc”, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm nay gửi đến toàn thể chúng ta một thông điệp: Thời đại toàn cầu hóa hiện nay không cho phép chúng ta ngừng học tập. Bởi lẽ, nếu ngừng học tập, chúng ta sẽ tụt hậu với thế giới, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mỗi con người chúng ta và của cộng đồng. Vì lẽ đó, chủ thể - những con người hạnh phúc hiện nay là có thói quen tốt luôn tự học tập nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của họ và của cộng đồng; khách thể - là các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp, các cơ sở giáo dục chính quy và không chính quy có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp mỗi cá nhân trong cộng đồng được học tập mọi lúc, mọi nơi…”, bà Trương Thị Ánh nhấn mạnh.