Thứ ba, 16/12/2014, 22h12

Học tập phải trở thành nhu cầu tự thân

Đại diện các sở GD-ĐT các tỉnh thành phía Nam tham dự tại hội nghị 16-12

Xã hội học tập (XHHT) là một xã hội trong đó mọi cá nhân đều phải học tập thường xuyên, học tập suốt đời và biết tận dụng triệt để các cơ hội học tập do xã hội mang lại. Do đó, học tập phải trở thành nhu cầu tự thân, là trách nhiệm của mỗi công dân, mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư…
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh tại Hội thảo quốc tế “Xây dựng XHHT - từ tầm nhìn đến hành động” do Bộ GD-ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo TW, Hội Khuyến học Việt Nam và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 16-12.
20 triệu lượt người tham gia học tập
4 mục tiêu cơ bản trong đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 9-1-2013, theo đó: Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục; nâng cao trình độ tin học và ngoại ngữ; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề để lao động có hiệu quả hơn, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn; hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc… Từ năm 2013 đến nay, toàn quốc có hơn 20 triệu lượt người tham gia học tập các chuyên đề tại các trung tâm học tập cộng đồng với 1 triệu học viên được cấp chứng chỉ ngoại ngữ và trên 200.000 học viên được cấp chứng chỉ tin học, trên 400.000 người tham gia học nghề ngắn hạn…
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng mong muốn: “Hiện nay, chưa có định nghĩa chung nào được thống nhất về XHHT và vì khái niệm này còn có nhiều cách hiểu, trừu tượng nên Việt Nam cần phải xác định rõ đặc điểm mong muốn cụ thể đối với XHHT và công dân học tập. Cần có các cuộc đối thoại chính sách ở cả cấp Trung ương và địa phương, nhằm đảm bảo có sự hiểu biết chung về những đặc trưng cơ bản của XHHT và công dân học tập”. Tiếp lời, ông Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ GD-ĐT, Dạy nghề Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: “Đại hội lần thứ XI của Đảng năm 2011 đã tái khẳng định và tăng cường chính sách thúc đẩy XHHT, trong đó, mọi công dân đều có cơ hội được tiếp cận học tập suốt đời, gắn học tập suốt đời với sự phát triển kinh tế - xã hội và nền kinh tế tri thức mà Việt Nam mong muốn hướng tới…”.
Mọi người đều được học tập công bằng
Bà Sun Lei, Điều phối viên chương trình giáo dục của Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tin tưởng: “Ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi và thực hiện tích cực như đề án, chiến lược, nhóm công tác, chuẩn tham chiếu để đánh giá XHHT. Dựa vào chuẩn này, chúng tôi đã tham vấn cho nhiều vùng, miền tại Việt Nam thông qua hội thảo, vì hội thảo chính là cơ hội để mọi người hiểu được thế nào là xây dựng XHHT mà hạt nhân trong đó là cá nhân, gia đình, tổ dân cư, khu phố… Học tập là chìa khóa của mọi thành công. Kiến thức và sự hiểu biết là tài sản vô hình, chính vì vậy, việc học tập và nâng cao kiến thức là sự cần thiết đối với mỗi con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Người có học mới tiến bộ. Càng học càng tiến bộ”; “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”. Còn GS.TS Heribert Hinzen - Giám đốc Viện Hợp tác quốc tế thuộc Hiệp hội Giáo dục cho người lớn của Đức khu vực Nam Á và Đông Nam Á chia sẻ: “Tôi rất mừng vì ở Việt Nam đã có kế hoạch cụ thể về xây dựng XHHT nhưng tôi lưu ý: Giáo dục phải luôn có vị trí quan trọng đặc biệt nhất, phải có chương trình riêng về giáo dục và ở những lĩnh vực khác phải đặt giáo dục lên hàng đầu”. Làm sao để đưa XHHT vào cộng đồng, vì xã hội Việt Nam rất đa dạng về văn hóa, nên từ “thượng tầng” xuống “hạ tầng” và ngược lại phải luôn dự báo được những thay đổi trong giáo dục và đảm bảo chất lượng giáo dục, bên cạnh đó là tôn trọng bản sắc, văn hóa của từng cộng đồng… Làm được vậy mới có thể triển khai XHHT một cách bền vững, chủ động”.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam nêu quan điểm: “XHHT là phải làm sáng tỏ nhận thức về giáo dục suốt đời và định hướng xây dựng chính sách quốc gia, cùng hành lang pháp lý để hiện thực hóa quan điểm này. Đến nay, ở Việt Nam đã có gần 11.000 trung tâm học tập cộng đồng, có thể coi các trung tâm như những công cụ thiết yếu để xây dựng XHHT. Một trong hướng giải quyết vấn đề học tập trong cộng đồng là đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng mô hình học tập tại cơ sở thôn, bản, tổ dân phố… Đó là mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập dựa trên kinh nghiệm xây dựng các gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học, chúng ta phải xây dựng mẫu người “công dân học tập”. Chỉ khi nào những người dân tự giác được nhiệm vụ học tập, thì mô hình gia đình, dòng họ hiếu học mới có được yếu tố cốt lõi để phát triển”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy