Chủ nhật, 22/5/2011, 10h05

Ký ức ngày tổng tuyển cử đầu tiên

Cờ đỏ sao vàng tung bay khắp các nẻo đường, góc phố, người dân ăn mặc đẹp, xếp hàng chờ được bỏ phiếu... là hình ảnh về ngày tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 còn in đậm trong tâm trí ông Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị.

"Ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên tưng bừng như ngày hội toàn dân". Ảnh: Hoàng Thùy.

- Cuộc tổng tuyển cử diễn ra khi đất nước vừa giành độc lập được 4 tháng, công tác bầu cử thời điểm đó phải đối mặt với những khó khăn thế nào, thưa ông?

- Thời điểm tổng tuyển cử, nước ta gặp muôn vàn khó khăn. Đó là nạn đói khủng khiếp diễn ra từ khoảng tháng 10/1944 làm cho hàng triệu đồng bào bị chết. 90% nhân dân ta vẫn còn mù chữ. Mặt khác, các thế lực thù địch chống phá tổng tuyển cử.

Ở miền Bắc, 18 vạn quân Tưởng lấy danh nghĩa đồng minh tràn vào tước vũ khí quân đội Nhật kéo theo các thế lực phản động như Việt cách, Việt quốc vào trong nước hòng chiếm chính quyền. Chúng hoành hành chống phá, nói xấu Chính phủ lâm thời, chặn các ngả đường không cho người dân đi bầu cử, dọa nạt cử tri. Mặt khác, chúng còn lên kế hoạch ám sát các ứng viên do Việt Minh giới thiệu.

Trong khi đó, ở miền Nam, quân Pháp quay trở lại đánh chiếm các tỉnh Nam bộ và Trung bộ, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Chúng dùng các biện pháp mạnh như cướp của, đốt nhà hòng làm người dân nhụt chí, không dám đi bầu cử.

Tuy nhiên, nhân dân ta đã vượt qua sự chống phá của địch để tham gia bỏ phiếu. Đồng bào vẫn tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, vào Bác Hồ. Riêng ở miền Nam, giặc Pháp cho máy bay thả bom chống phá, đưa quân đi càn quét, phá hoại bầu cử. Có 40 đồng chí trong ban tuyên truyền bầu cử đã hy sinh, những lá phiếu của người dân miền Nam được ví như những lá phiếu máu.

- Trực tiếp tham gia bỏ phiếu trong ngày tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, ấn tượng của ông như thế nào?

- Sau cách mạng tôi được cử về làm Bí thư tỉnh Hà Đông, một tỉnh quan trọng giáp ranh với Hà Nội, có nhiều ngành nghề truyền thống. Tôi được giao nhiệm vụ tổ chức tổng tuyển cử thành công ở đây.

Ngày 6/1/1946 thực sự là ngày hội của toàn dân. Trước đó mấy hôm, mặc dù vẫn nghèo, vẫn đói và bị o ép bởi các thế lực thù địch, không khí ở các nơi vẫn vui tươi, hớn hở. Trên các nẻo đường, trong từng gia đình, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng tổng tuyển cử được treo rợp trời, người người đều ăn mặc sạch sẽ, bàn tán sôi nổi về quyền công dân.

Sáng sớm ngày tổng tuyển cử, tôi đến điểm bầu cử sớm, nhưng người dân đã đứng chật kín ở đó, ai cũng hớn hở, hào hứng chờ đến lượt mình. Những nơi cử tri không thể tự đi bỏ phiếu thì ban tổ chức đem hòm phiếu đến tận nơi, như ở nhà thương, bệnh viện.

Không khí tự do, dân chủ không chỉ ở cử tri mà còn được thể hiện ở các ứng viên ứng cử đại biểu Quốc hội, không bó hẹp là người trong Đảng mà ngay cả người ngoài Đảng cũng được tín nhiệm, đề cử. Tổng tuyển cử đã diễn ra đúng như mong đợi và tư tưởng của Bác Hồ, rất dân chủ, tiêu biểu cho đại đoàn kết toàn dân, coi trọng những người có đức độ, có tín nhiệm trong dân.

- Trong thời điểm đất nước khó khăn, là người đứng đầu điểm bầu cử tại Hà Đông, ông đã phải chuẩn bị như thế nào để công việc này được diễn ra suôn sẻ?

- Ngoài việc tập hợp tư liệu ứng viên, công khai lý lịch của họ ở nơi công cộng, thông báo đến tận địa bàn dân cư, chúng tôi còn phải tổ chức những buổi tiếp xúc cử tri để người dân hiểu hơn về người mà họ sẽ lựa chọn bỏ phiếu.

Những thứ đặc biệt quan trọng của ngày bầu cử như hòm phiếu, niêm phong, địa điểm tổ chức cũng được chuẩn bị, kiểm tra nhiều lần. Lực lượng an ninh, hỗ trợ tại các điểm bỏ phiếu được cắt cử chu đáo.

Trong điều kiện kinh tế khó khăn, chúng tôi phải vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo công tác chuẩn bị chu đáo nhất, không có sai sót. Tất cả đều được Bác Hồ hướng dẫn cụ thể nên cứ thế làm theo, tùy từng điều kiện của địa phương mà có thêm sự sáng tạo.

Thời điểm bầu cử đúng là lúc chúng ta vừa giành độc lập, không khí chiến thắng còn ở khắp nơi, nhân dân tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, vào Bác Hồ nên công cuộc vận động bầu cử không có gì khó khăn. Hơn nữa, mỗi tỉnh đều có ty thông tin làm nhiệm vụ tuyên truyền sâu rộng để mọi người dân đều hiểu quyền và nghĩa vụ của mình trong lần bầu cử đầu tiên.

Ngày 6/1/1946, người dân ăn mặc gọn gàng đi bầu cử. Ảnh chụp tư liệu: Hoàng Thùy.

- Đã trải qua 12 kỳ bầu cử Quốc hội, ông nhìn nhận thế nào về sự khác nhau giữa tổng tuyển cử năm xưa và các kỳ bầu cử ngày nay?

- Thời của chúng tôi, những người ra ứng cử nhân dân đều biết. Họ là những chỉ huy, cán bộ cách mạng có uy tín được dân tín nhiệm. Niềm tin với Đảng, với Bác Hồ của họ là tuyệt đối nên không có nhiều đòi hỏi về tiêu chuẩn ứng viên như bây giờ.

Hiện nay, trình độ dân trí của đồng bào ta đã cao hơn, nên những yêu cầu đặt ra đối với các ứng viên cũng cao hơn. Nếu trước đây những người được bầu vào đại biểu Quốc hội không cần phải hứa hẹn nhiều thì nay phải có chương trình hành động cụ thể nếu thắng cử. Tôi cho rằng đây là những bước tiến mới.

- Ông kỳ vọng gì ở đại biểu Quốc hội hiện nay?

- Tôi mong muốn việc bầu cử được thành công, thực chất, đưa được những người thực sự có tài, có đức ra làm lãnh đạo đất nước. Đã làm lãnh đạo thì phải thực sự gương mẫu, nói ít làm nhiều và nói phải đi đôi với làm.

Sự nghiệp xây dựng đất nước ta còn trải qua nhiều khó khăn, phức tạp, thế nên vai trò của Quốc hội là rất lớn và không hề dễ dàng. Hơn nữa, thời đại đang đổi mới, chúng ta cần mở rộng quan hệ đối ngoại, giao lưu hợp tác với các nước trên thế giới, làm sao vừa hòa nhập mà không hòa tan.

Ông Vũ Oanh tên thật là Vũ Duy Trương (sinh năm 1924), từng là Ủy viên Bộ Chính trị khóa 7, Bí thư Trung ương Đảng khóa 6, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam. Ông từng là Trưởng đoàn đại biểu cách mạng Hà Nội đi dự Quốc dân đại hội tại Tân Trào.

Hoàng Thùy (Theo VNE)