Thứ năm, 23/4/2015, 22h04

Linh thiêng ngọn cờ Tổ quốc bên bờ vĩ tuyến

Ông Nguyễn Đức Lãng bên chiếc xe đạp gắn bó nhiều năm từ Vĩnh Linh ra Hà Nội
Suốt 20 năm đất nước bị chia cắt hai miền, mọi tầm ngắm của đạn pháo địch đều hướng về cột cờ Hiền Lương ở bờ bắc sông Bến Hải (vĩ tuyến 17). Giữ lá cờ đỏ sao vàng luôn được tung bay là cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt giữa ta và địch. Để làm được điều đó, có những người lính và nhân dân lặng thầm với nhiệm vụ may cờ, vá cờ…

Từ chiến sĩ may cờ…
Người chiến sĩ công an làm nhiệm vụ nhận cờ, may cờ và vá cờ là Nguyễn Đức Lãng. Ở vào tuổi 80, kí ức về những năm tháng nhận nhiệm vụ đặc biệt ấy trong ông vẫn rưng rưng: “Lá cờ là biểu tượng thiêng liêng, linh hồn của Tổ quốc, là niềm tự hào của nhân dân bờ Bắc, cũng để thỏa lòng mong ngóng của đồng bào ruột thịt ở miền Nam. Những lần làm nhiệm vụ, tôi thấy tự hào lắm”.
Nguyễn Đức Lãng sinh ra, lớn lên ở Cam Lộ - bờ nam sông Bến Hải. Năm 1954, dòng sông Bến Hải trở thành giới tuyến quân sự, tạm thời chia cắt đất nước, Lãng vượt tuyến ra Bắc, làm công nhân Công ty may Nam Hồng (Vĩnh Linh). Bốn năm sau, ông được điều về công tác tại Ban Hậu cần Công an vũ trang Vĩnh Linh với nhiệm vụ nhận cờ Tổ quốc tại Quân khu 4 mang về treo lên cột cờ Hiền Lương. Liên tục từ 1959-1962, ông Lãng một mình ra Quân khu 4 nhận cờ. Đến 1963, do tình hình lúc bấy giờ nên công việc nhận cờ được chuyển thành trực tiếp nhận vải may cờ. Ông Lãng nhớ lại: “Lúc đó tui nhận nhiệm vụ về Hà Nội trình kế hoạch, sau đó vào Ty thương nghiệp Vĩnh Linh nhận vải về tự may. Lần đầu tiên may cờ thấy tự hào nhưng… run! Đây là trọng trách lớn lao, may cờ phải chi li từng đường kim mũi chỉ để cờ vừa bền vừa đảm bảo thẩm mỹ. Lúc đó một lá cờ may xong phải mất 7 ngày. Sau đó thành thạo thì mất 5 ngày. Một lá cờ may hết 122m vải đỏ và 12m vải vàng. Cờ may xong là đưa về Hiền Lương để cho đồng đội kịp thời treo lên thay lá cờ bị gió đánh rách”. Ông Lãng nói tiếp: “Ban đầu, ta may cờ theo khổ 6x4m. Sau đó cột cờ được nâng cao lên 32,5m nên ta may cờ to thành 12x8m. Bình quân một năm ta treo hết 24 lá cờ trên cột cờ Hiền Lương. Có nhiều khi may không kịp thì vá lại cờ cũ để đảm bảo nhiệm vụ thường xuyên có cờ Tổ quốc tung bay bên bờ vĩ tuyến”.

Mẹ Trần Thị Viễn (bìa trái) vá cờ dưới làn bom B52 của Mỹ
Đối mặt với muôn vàn gian nan thử thách nhưng chưa một ngày nhân dân đôi bờ vĩ tuyến thấy vắng bóng cờ Tổ quốc tung bay. Năm 1975, ông Lãng nhận nhiệm vụ vào tiếp quản Phú Yên. Chiếc xe đạp kỉ niệm một thời đồng hành với nhiệm vụ thiêng liêng của ông được giữ gìn cho đến ngày bàn giao lại cho Bảo tàng Vĩ tuyến 17.
Đến người mẹ vá cờ
Song hành với việc may cờ của người Công an vũ trang Nguyễn Đức Lãng, ngày ấy còn có những người mẹ lặng thầm bám trụ nơi chiến tuyến để vá cờ. Mẹ Trần Thị Viễn, ở thị trấn Hồ Xá (Vĩnh Linh) là một trong 2 bà mẹ vá cờ ở Hiền Lương. 101 tuổi, mẹ Viễn còn khá minh mẫn. Câu chuyện vá cờ được mẹ kể lại đầy xúc động. “Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đối với giặc Mỹ, lá cờ đỏ sao vàng bên bờ sông Bến Hải là nỗi kinh hoàng của chúng. Vì vậy, khi leo thang đánh phá miền Bắc, mục tiêu số 1 của chúng là phải phá sập cầu Hiền Lương, đánh gãy cột cờ. Chúng tuyên bố: “Phải biến mảnh đất này trở về thời kỳ đồ đá”, và mở cuộc chiến tranh hủy diệt với mục tiêu “phải kéo cho được biên giới Hoa Kỳ đến tận vĩ tuyến 17” nhưng quân dân ta quyết tâm không để địch đạt mục đích. Thức xuyên đêm, mẹ cùng mẹ Diệm (mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Diệm) vá cờ để các đồng chí kịp thời treo lên”, mẹ Viễn cho biết.
Giai đoạn 1965-1967, chiến tranh ác liệt, Chi khu Vĩnh Linh có lệnh sơ tán trẻ em, phụ nữ, người già ra các tỉnh phía Bắc, chỉ lực lượng dân quân du kích và người có sức lao động bám trụ lại chiến đấu. Làng Hiền Lương lúc bấy giờ có hai người phụ nữ tình nguyện ở lại tham gia giữ làng, đó là mẹ Viễn và mẹ Diệm. “Hồi ấy ai cũng động viên đi sơ tán, nhưng nghĩ từ đời cha ông mình đã gắn bó với mảnh đất ni rồi, chừ sống chết chi cũng đánh đuổi thằng giặc đi, giữ lấy đất làng”, mẹ Viễn nói.  

Cột cờ Hiền Lương bên sông Bến Hải hôm nay
 
Ban ngày mẹ cùng dân quân tăng gia sản xuất, vắt cơm cho bộ đội, chăm sóc thương binh, rồi đi chặt những cây to để làm cột cờ dự bị, đêm về bên ngọn đèn dầu, mẹ vá cờ. Năm 1967, bom Mỹ dội sập nhà, mẹ đào một căn hầm ngay sau vườn để sinh hoạt, làm nơi hội họp bí mật của cán bộ Đồn công an vũ trang Hiền Lương. Mẹ Viễn tự hào kể: “Có ngày chúng đánh ròng rã từ sáng đến tối. Ló mặt ra khỏi hầm là bom dội, pháo nã. Nhưng chúng phá nhà thì ta đào hầm, phá cờ thì ta khâu lại. Lá cờ là trái tim của nhân dân, của Tổ quốc, quyết giữ cho bằng được”. Chỉ trong vòng 15 năm, một mảnh đất có diện tích chưa đầy 800 cây số vuông với 7 vạn dân phải hứng chịu nửa triệu tấn bom. Nhưng lá cờ đỏ sao vàng vẫn kiêu hãnh tung bay...
Trở về sau chiến tranh cả mẹ Viễn và ông Lãng đều tiếp tục có nhiều cống hiến cho xã hội. Họ sống một cuộc sống hết sức bình dị. Ông Lãng và mẹ Viễn khiêm nhường bảo: “Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ với quê hương. Được sống, chứng kiến sự đổi thay sau ngày giải phóng là hạnh phúc lắm rồi”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Chưa hề nghĩ tới cái chết
Từ năm 1965 trở về sau, chiến tranh ác liệt, các tuyến đường giao thông bị bom Mỹ cày xới. Thời gian này, ông Lãng cùng đồng đội liên tục từ Vĩnh Linh ra Hà Nội trình kế hoạch may cờ bằng… xe đạp! “Ngày đó phải đi bằng đường giao liên (đường rừng). Mỗi năm hai đợt về thủ đô như thế. Một chuyến đi mất khoảng 7 ngày, có khi gặp máy bay dội bom phá đường thì lộ trình chậm hơn. Ngày nấu cơm một bữa, hai bữa còn lại ăn cơm nắm. Tối ở đâu thì mắc võng nghỉ ở đó. Cắt rừng, lội suối mà đi. Qua các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, cho đến rừng thông thuộc huyện Nông Cống (Thanh Hóa) mới bắt đầu được đi đường quốc lộ. Gian khổ không kể hết, có khi một ngày mấy chục lần bị máy bay quần lượn trên đầu, thả bom. Những lúc đó anh em chỉ kịp tấp xe đạp vào bụi cây nấp. Lúc đó nhiệm vụ thì cứ đi chớ không hề nghĩ tới cái chết dù ngoài đạn bom còn muôn vàn hiểm nguy khác rình rập ở chốn rừng thiêng nước độc”, ông Lãng kể.