Thứ ba, 28/10/2014, 23h10

Người thầy không phải “gõ đầu trẻ” để kiếm cơm

Thông qua mô hình cây lúa, nhà trường đã giới thiệu về giáo sư Lương Định Của - vị giáo sư mà ngôi trường đang mang tên ông

Bác Hồ từng căn dặn “trách nhiệm của người thầy không phải là “gõ đầu trẻ” để kiếm cơm, mà phải chăm lo, dạy dỗ, đào tạo các em thành người công dân tốt, người lao động tốt…”. Đây được xem là kim chỉ nam cho mọi hoạt động dạy - học mà Ban giám hiệu, tập thể giáo viên (GV) Trường TH Lương Định Của (Q.3, TP.HCM) hướng đến thực hiện.
Mạnh dạn làm mặc dù khó khăn không nhỏ
Vừa bước vào sân trường, chúng tôi bị hình ảnh HS lớp 1/1 đang tự tay chăm sóc những cây mạ non thu hút ngay. Cũng thông qua hình ảnh cây mạ, HS được cô giáo chủ nhiệm Uông Thị Mỹ Anh giới thiệu đến vị giáo sư Lương Định Của, người có công nghiên cứu, lai tạo các loại giống cây nông nghiệp, trong đó có cây lúa. Và ngôi trường các em đang học đã vinh dự mang tên ông. Cô Mỹ Anh cho biết: “Hoạt động này được trường tổ chức hằng năm, nhằm mang đến những tiết học thực tế, sinh động về cây lúa cho HS. Và cũng là hoạt động kỷ niệm ngày trường mang tên giáo sư Lương Định Của, qua đó giáo dục đến HS lòng biết ơn, tạo động lực để các em học tập, rèn luyện tốt hơn”.
Từ hình ảnh tiết học thực tế, sinh động về cây lúa, tạo cảm giác thích thú cho HS khiến chúng tôi lại nhớ lại cách đây ít hôm, trường đã kết hợp với Sân khấu IDECAF trình diễn vở kịch Trần Quốc Toản ra quân, thay vì chỉ giảng dạy lý thuyết trong sách. Kết quả, vở diễn đã khắc sâu trong tâm trí của các em hình ảnh chàng thiếu niên Trần Quốc Toản anh hùng cũng như gợi lên trong các em lòng yêu nước, yêu đồng bào. Đến mức xem cảnh diễn quân Nguyên tràn vào làng bắt bớ, ức hiếp dân lành, một số em không kìm được cảm xúc, phản ứng bằng việc định cầm dép ném về phía “quân địch”...
Có thể nói, với cách thức tổ chức những tiết dạy - học như trên, Trường Lương Định Của đã mang đến cho HS những giờ học thoải mái và hiệu quả. Nói đến chuyên môn thì phương pháp giảng dạy trên đã đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Vì lẽ đó, các em HS luôn yêu thích đến trường, phụ huynh tin yêu thầy cô, lãnh đạo ngành đánh giá cao.
Thầy Từ Quốc Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự, để có được những kết quả như vậy, không thể không kể đến sự quyết tâm, nỗ lực của tập thể trong việc ứng dụng những phương pháp giảng dạy mới, mặc dù bước đầu gặp không ít khó khăn. Đơn cử hoạt động dạy - học theo mô hình VNEN được trường đưa vào từ năm 2009, ban đầu một số ý kiến phản đối, cho rằng HS sẽ bị mỏi cổ khi ngoái nhìn về phía bảng đen. Tuy nhiên, mọi GV đều thấy được mô hình VNEN sẽ xóa đi lối dạy thụ động - thầy đọc trò chép nên nhà trường vẫn bắt tay làm từng bước. Đặc biệt, thay vì cho những HS tiêu biểu làm chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng quản trị điều khiển lớp học như các trường khác thường làm thì nhà trường cho HS thực hiện luân phiên theo tuần, để mỗi em đều có cơ hội trải nghiệm vai trò lãnh đạo. “Qua thời gian thực hiện, nhiều HS rất thích thú, các em dạn dĩ hơn, phát huy tốt hơn năng lực tự học của bản thân. Theo đó, ý kiến phản đối đã không còn, thậm chí không còn tình trạng đầu năm phụ huynh xin cô chủ nhiệm cho con mình làm lớp trưởng để tập tính mạnh dạn nữa. Thấy được kết quả này, tập thể trường chúng tôi rất vui và có nhiều động lực hơn”, thầy Quốc Tuấn cho biết.
Thầy cô như mẹ hiền!
Vào năm học trước, ngôi trường này đã xảy ra hai trường hợp HS vắng mặt lâu ngày mà không thấy phụ huynh đến xin phép. Linh cảm có chuyện không hay, Ban giám hiệu và GV tức tốc dành thời gian liên hệ, tìm đến tận gia đình từng em tìm nguyên nhân. Một em sống cảnh bố mẹ ly dị, sau đó mẹ đi làm xa và quyết định dẫn em đi theo. Em còn lại có cảnh nhà nghèo khó, nợ nần chồng chất. Không còn cách nào, cha mẹ đành dẫn em đi nơi khác. Biết được lí do, nhà trường tìm mọi cách thuyết phục phụ huynh phải cho hai em trở lại lớp. Để các phụ huynh yên tâm hơn, trường miễn giảm toàn bộ học phí lẫn tiền ăn cho hai em.
Thực tế cho thấy, những việc làm trên không có gì xa lạ đối với ngôi trường này. Gần chục năm qua, phụ huynh trong Q.3 đưa đón con đều chứng kiến hình ảnh nhiều HS đến từ các mái ấm được trường nhận về học tập miễn phí. Em nào cũng vui mừng vì được học trong môi trường chính quy như bao bạn bè bình thường khác, con chữ không mất đi mà tương lai nghề nghiệp còn rộng mở. Đặc biệt phụ huynh còn thấy con em mình tỏ ra hòa đồng, vui vẻ với các em HS đến từ mái ấm...
Thầy Tuấn nhấn mạnh: “Bác Hồ từng căn dặn “trách nhiệm của người thầy không phải là “gõ đầu trẻ” để kiếm cơm, mà phải chăm lo, dạy dỗ, đào tạo các em thành người công dân tốt, người lao động tốt…”. Theo lời Bác dặn, nhà trường luôn đặt mục tiêu dành mọi sự chăm sóc giáo dục tốt nhất cho toàn thể các em và không có sự phân biệt giữa các đối tượng HS. Trẻ em không được đến trường là lỗi của người lớn, của cha mẹ. Bằng mọi khả năng, cha mẹ vẫn không thể cho con đến trường thì bây giờ nhà trường chính là cái nôi cuối cùng, dang rộng vòng tay mang cơ hội đến cho các em để học tập nên người. Ngôi trường nào cũng có những thuận lợi, khó khăn riêng nhưng một tập thể biết tiếp thu cái mới, cái tiến bộ, biết quan tâm đến HS và đồng tâm thực hiện thì khó khăn nào cũng có cách giải quyết...”.
Với những suy nghĩ thấu đáo, cách làm giáo dục linh động, sáng tạo, hiệu quả, bất kỳ ai đến tham quan ngôi trường này đều luôn bắt gặp hình ảnh HS vui tươi đến trường. Khoảng cách thầy trò không bao giờ có. Và chúng tôi cũng được biết, Trường Lương Định Của là ngôi trường tiên phong thực hiện Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em...
Bài, ảnh: Ngọc Trinh