Thứ ba, 27/1/2015, 23h01

Sớm loại bỏ thực phẩm không đảm bảo an toàn

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với UBND TP.HCM chiều 27-1

Chiều 27-1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Tại đây, Phó thủ tướng nhấn mạnh: TP.HCM là một đô thị lớn, tiêu thụ nhiều thực phẩm nên vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cần phải được chấn chỉnh từ khâu sản xuất tiêu thụ...
Thực phẩm “bẩn” vẫn còn
Tại buổi làm việc ông Lê Thanh Liêm - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - báo cáo: Nhằm đảm bảo ATVSTP, bên cạnh công tác thông tin truyền thông nâng cao kiến thức, ý thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng, TP đã xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm. Theo đó đã tổ chức xây dựng mô hình sản xuất rau theo quy trình VietGap. Đến nay đã có 114 tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGap với diện tích canh tác là 95,44ha, sản lượng hơn 11.230 tấn/năm. Trong lĩnh vực chăn nuôi, đến nay TP đã có 70 cơ sở chăn nuôi an toàn. Trong đó có 47 cơ sở chăn nuôi heo với tổng đàn chăn nuôi 89.625 con, 15 cơ sở chăn nuôi bò sữa với gần 3.556 con, 8 cơ sở chăn nuôi gia cầm 54.183 con gà và 14.458 bồ câu. Các cơ sở này đã cung ứng 55% nhu cầu rau và 30% nhu cầu thịt của người dân TP. Số còn lại chủ yếu từ các tỉnh đã có ký kết với TP. Chẳng hạn ký kết với Đồng Nai, Long An, Tiền Giang cung ứng thịt gia súc, gia cầm; ký hợp đồng với các tỉnh lân cận để cung ứng rau, các tỉnh có biển, sông để cung ứng thủy, hải sản... Hiện TP.HCM đã ký kết với các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, đến nay đã có khoảng 900 hợp đồng cung ứng thực phẩm.
Bà Lê Ngọc Đào - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cũng cho biết: TP tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Theo đó, tại 3 chợ đầu mối Bình Điền (cung cấp thủy - hải sản), Hóc Môn (cung cấp thịt), Thủ Đức (cung cấp rau, củ, quả) đều có lực lượng kiểm tra, test nhanh. Sản phẩm đạt chất lượng mới cho lưu thông. Sản phẩm tại hệ thống các siêu thị được kiểm soát nghiêm ngặt, nhất là các mặt hàng rau đều phải đạt chuẩn VietGap. Cái khó của TP.HCM hiện nay là đảm bảo ATVSTP tại các chợ tự phát, quán ăn vỉa hè, thậm chí cả ở một số chợ truyền thống... “TP.HCM đã đảm bảo ATVSTP với chương trình bình ổn thị trường. Những doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn phải đảm bảo cung cấp hàng chất lượng. TP mở rộng các điểm bán hàng bình ổn, đến nay riêng chương trình lương thực - thực phẩm là 3.602 điểm bán. Trong dịp Tết Ất Mùi, để đảm bảo nguồn hàng sạch đến tay người tiêu dùng, TP tổ chức các xe bán hàng lưu động...”, bà Đào khẳng định.
Theo báo cáo của Ban ATVSTP TP, trong năm 2014 đã lấy 3.677 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ, điểm kinh doanh, chợ. Kết quả có 807 mẫu chưa đạt các chỉ tiêu vi sinh (E.coli, Salmonella), giảm 10% so với năm 2013; đối với rau củ quả, lấy 491 mẫu của các hộ dân không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (TBVTV), lấy 46 mẫu của các cơ sở sản xuất, sơ chế và kinh doanh, phát hiện 2/46 mẫu có dư lượng TBVTV, tại 3 chợ đầu mối phát hiện 16/1.030 mẫu có dư lượng TBVTV. Với mặt hàng thủy sản tại chợ Bình Điền, phát hiện một số mẫu có hàn the, vi khuẩn E.coli...; riêng ở vùng sản xuất không phát hiện nhiễm kháng sinh...
TP.HCM sẽ có “máy chém” thực phẩm “bẩn”
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định: “Có một tỷ lệ thực phẩm không an toàn, trong đó nguy cơ cao nhất là thịt và rau. Thịt thì nhiễm vi sinh, kháng sinh và chất cấm. Qua giám sát chất cấm trong thức ăn chăn nuôi tại các nhà máy trong nước thì phát hiện rất ít, nhưng lo ngại nhất là người chăn nuôi mua chất cấm trôi nổi rồi bỏ vào thức ăn cho vật nuôi. Với kháng sinh, kiểm tra những đơn vị nhập khẩu phát hiện họ mua không phải để sản xuất thuốc mà chia nhỏ bán cho người chăn nuôi. Còn thịt nhiễm vi sinh chủ yếu qua khâu giết mổ, vận chuyển và bán lẻ. Do nơi giết mổ và phương tiện vận chuyển không sạch. Đặc biệt là nơi bán, nhiều người sử dụng bàn gỗ nên nguy cơ nhiễm vi sinh rất lớn. Tôi đề nghị, người nào muốn kinh doanh thịt ở chợ thì phải sử dụng bàn inox, như vậy sẽ giảm được nguy cơ nhiễm vi sinh. Với rau, chủ yếu nhiễm TBVTV và phần lớn là thuốc lậu. TP.HCM chỉ tự cung ứng được một phần thực phẩm, còn lại đều phải nhập ở các tỉnh khác. Do đó, để đảm bảo ATVSTP, TP cần tăng cường hệ thống giám sát. “Cắm” tại 3 chợ đầu mối 3 máy xét nghiệm (máy này xét nghiệm được 120 chỉ tiêu). Tất cả các sản phẩm đều phải “qua cửa” của 3 máy này. Cũng từ các xét nghiệm ở đây để truy ra đường dây sản xuất, cung cấp thực phẩm không an toàn...”.
Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân cũng cho rằng: Hiện nay hệ thống phân tích kiểm tra của chúng ta còn kém, có khi phải mất 3-5 ngày mới có kết quả. Lúc này thì hàng hóa đã được tiêu thụ hết rồi. Vì vậy cần phải có những máy móc hiện đại...
Trước những đề nghị của lãnh đạo các bộ, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã giao Sở Công thương TP chủ trì triển khai 3 máy xét nghiệm tại 3 chợ đầu mối, cố gắng hoàn thành trong quý 2-2015.
Xung quanh vấn đề đảm bảo ATVSTP trên địa bàn TP.HCM, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Đây không phải là vấn đề có thể giải quyết trong một sớm một chiều mà phải có lộ trình. Tuy vậy, TP.HCM và Hà Nội phải là địa phương đi đầu trong việc chỉ tiếp nhận những sản phẩm đảm bảo ATVSTP. Không phải thứ gì cũng đem vào TP được. Chúng ta làm như vậy không phải là gây khó khăn cho bà con nông dân mà là để bà con làm quen với việc cung ứng, sản xuất thực phẩm sạch nhằm nâng cao giá trị nông sản. Đây là cơ hội để bà con xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài...
Cũng theo Phó thủ tướng, TP.HCM là một thị trường lớn, nếu vấn đề ATVSTP được giải quyết thì thực phẩm “bẩn” sẽ không còn đất sống...
Bài, ảnh: Hòa Triều