Chủ nhật, 29/5/2011, 21h05

Bác Hồ trong tim các nhà thơ Trung Quốc

Bác là người có nhiều gắn bó với đất nước và con người Trung Quốc. Trong thời gian hoạt động cách mạng, có khoảng 10 năm Bác ở Trung Quốc, hoạt động ở Quảng Tây, Quảng Đông (Quảng Châu), Hồng Kông. Nhân dân Trung Quốc rất yêu mến, kính phục Bác mỗi khi nhớ đến câu thơ chứa chan tình cảm quốc tế cao đẹp của Người đối với nhân dân hai nước Trung - Việt “núi liền núi sông liền sông”: Mối tình hữu nghị Việt - Hoa; Vừa là đồng chí vừa là anh em.

1. Năm 1955 sau chiến thắng Điện Biên Phủ và hòa bình lập lại Bác dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta sang thăm hữu nghị Trung Quốc. Chuyến đi lần đầu tiên này Bác đi bằng tàu lửa từ Hà Nội sang Nam Ninh (Quảng Tây). Báo chí Trung Quốc lúc đó đã đăng nhiều bài thơ của các nhà thơ Trung Quốc kính tặng Bác. Nhà thơ Trương Vĩnh Mai sau khi được đón tiếp Bác ở Hữu Nghị Quan đã làm bài thơ nhan đề Câu chuyện Mục Nam Quan (tên gọi Hữu Nghị Quan lúc đó). Bài thơ có những câu rất giàu hình ảnh về vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta khi Người vừa đặt chân lên đất Trung Quốc nơi Bác có nhiều gắn bó trong những năm kháng chiến gian khổ:
Người vẫy núi, núi cúi đầu chào lại
Hoan nghênh Người, người đồng chí mến thân
Câu thơ “Người vẫy núi, núi cúi đầu chào lại” là câu thơ hay nói lên tình cảm của nhân dân Trung Quốc đối với Người.
Năm 1960 Nguyên soái Diệp Kiếm Anh sang thăm Việt Nam và làm thơ tặng Bác nhân Bác 70 tuổi. Năm 1961 ông lại sang thăm Việt Nam rồi đến thăm làng Kim Liên, huyện Nam Đàn - quê hương của Bác. Không diễn tả bằng lời ông ghi vào cuốn sổ vàng ở di tích lịch sử này bốn câu thơ ngợi ca Bác rất xúc động. Nguyên soái Trần Nghị, một nhà quân sự và cũng là nhà thơ đã làm thơ chúc thọ Bác. Bài thơ lời lẽ mộc mạc, chân thành nhưng ý thơ vô cùng sâu sắc, đầy tình cảm và tôn kính, yêu mến Bác: Lão thành quốc tế không còn mấy; Nhân vật phong lưu đầu Nam Á.
Trong số các nhà thơ Trung Quốc, Viên Ưng đã từng gặp Bác nhiều lần. Năm 1955 trong một lá thư gửi cho thiếu nhi toàn Trung Quốc nhà thơ Viên Ưng đã kể lại cuộc gặp Bác ở Việt Nam mà theo ông đó là giây phút không thể nào quên đối với người lãnh tụ vô cùng giản dị. Nhà thơ Viên Ưng kể: “Bác đợi các chú ngồi xuống rồi bắt đầu hỏi các chú: Các đồng chí có khỏe không? Bác nói tiếng phổ thông hơi pha giọng Quảng Đông. Nhờ thế các chú có thể trực tiếp nói chuyện với Bác mà không cần phiên dịch”.
Mỗi khi được sang Việt Nam hay được gặp Bác trong đất nước Trung Quốc, các nhà thơ Trung Quốc đều làm những bài thơ mộc mạc và chân thành nói lên tình cảm quý mến, kính trọng của mình đối với Người. Quan hệ giữa Hồ Chủ tịch với các nhà thơ Trung Quốc vô cùng gần gũi và mật thiết. Quan hệ ấy thể hiện trong các lời nói, bài viết và những vần thơ tràn đầy cảm xúc và nửa thế kỷ sau đọc lại vẫn đậm tình đậm nghĩaMỗi khi được sang Việt Nam hay được gặp Bác trên đất nước Trung Quốc các nhà thơ Trung Quốc đều làm những bài thơ mộc mạc và chân thành nói lên tình cảm quý mến, kính trọng của mình đối với Người. Quan hệ giữa Hồ Chủ tịch với các nhà thơ Trung Quốc vô cùng gần gũi và mật thiết. Quan hệ ấy thể hiện trong các lời nói, bài viết và những vần thơ tràn đầy cảm xúc và nửa thế kỷ sau đọc lên vẫn đậm tình đậm nghĩa.
Nhà bác học và là nhà thơ Quách Mạt Nhược cũng đã từng sang thăm Việt Nam. Người đầu tiên mà ông muốn gặp là Bác. Theo Quách Mạt Nhược, Bác chẳng những là lãnh tụ vĩ đại, người bạn lớn của nhân dân Trung Quốc mà còn là nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam. Bác cũng rất quý mến Quách Mạt Nhược vì ông là danh nhân văn hóa lớn và nhà thơ lớn - tác giả của tập thơ Nữ thần, kịch Khuất NguyênHồ Phù bất tử. Bác đích thân đưa Quách Mạt Nhược đi thăm vườn, thăm ao cá ở Phủ Chủ tịch rồi lên nhà sàn trải chiếu ngồi xuống sàn, uống rượu và nói chuyện văn thơ. Buổi gặp gỡ này Quách Mạt Nhược cảm thấy “thân quá không văn vẻ”. Khi hai người đi với nhau thì Bác “vai kề bên”, khi lên thềm thì “nắm tay dắt” và khi ngồi nói chuyện thì cởi mở như “bạn Mác-Lê chân thực, tình như tay với chân”. Quách Mạt Nhược gọi Bác là “tri kỷ, tri âm”, “vẫn mộc mạc, bình dân”, “trơn tru không chạm trổ” và “Đại tướng anh hùng cách mạng của nhân dân Việt Nam…”. Sau lần gặp gỡ này khi về nước mỗi lần gặp các nhà văn, nhà thơ Việt Nam Quách Mạt Nhược luôn nhắc lại ấn tượng sâu đậm của ông về Bác.
2. Sinh thời Bác Hồ rất quý hai nhà thơ lớn Trung Quốc là Quách Mạt Nhược và Tiêu Tam. Tiêu Tam đã nhiều lần gặp Bác và làm thơ ca ngợi Bác. Ông quý Bác không những vì Bác là lãnh tụ, thơ văn hay mà còn là vì thời kỳ hoạt động ở Pháp, Bác đã giới thiệu ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Tình cảm sâu nặng đó đối với Bác nhà thơ không bao giờ quên và coi Người như ân nhân trọn vẹn tình nghĩa.
Không chỉ là nhà thơ, Tiêu Tam còn là một trong những nhà hoạt động cách mạng đầu tiên của Đảng Cộng sản Trung Quốc và là người có nhiều cống hiến trong việc giao lưu giữa văn học Trung Quốc và thế giới. Sau này khi Bác trở thành lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam nhà thơ Tiêu Tam càng yêu quý Bác hơn. Năm 1960 mừng thọ Bác 70 tuổi nhà thơ đã làm thơ ca ngợi công lao và sự nghiệp to lớn của Bác. Bài thơ Tiêu Tam làm theo lối thơ Đường luật truyền thống nhưng nội dung hiện đại mạnh mẽ, nhằm ngợi ca công lao và sự nghiệp to lớn của Bác đối với cách mạng Việt Nam và thế giới trong thế kỷ 20 đầy bão táp và biến động:
Xưa nay bảy chục dễ bao người,
Đức vọng lớn thay Hồ Chủ tịch.
Lãnh đạo toàn dân quét giặc thù,
Thoát vòng nước lửa đời êm đẹp.
Giương ngọn cờ hồng vững chắc tay,
Phát quang gai góc ai bì được.
Hoàn thành cách mạng Người hướng theo,
Rồi nửa trời kia liền dải ngọc
3. Ngày 9-5-1960 hai người bạn lớn của Bác là Thủ tướng Chu Ân Lai và Phó thủ tướng Trần Nghị dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sang thăm hữu nghị Việt Nam. Tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam, Thủ tướng Chu Ân Lai mở một bữa tiệc chiêu đãi đơn giản chúc thọ Bác 70 tuổi. Trong bữa tiệc Trần Nghị đã ngâm bài thơ chúc thọ Bác bằng tiếng Hoa chậm rãi, rất nghẹn ngào, xúc động làm cho buổi tiệc thêm phần ấm cúng, vui vẻ:
Hôm trước Nghệ An thăm chỗ sinh,
Hôm nay chúc thọ ở Ba Đình.
Tiền bối quốc tế còn ai nhỉ?
Nhân vật phong lưu Hồ Chí Minh!
Công tác bí mật lắm gian truân,
Chiến tranh du kích nhiều khó khăn.
Quần chúng mến yêu như bậc thánh,
Dạ sắt lòng son phục vụ dân!
Quan hệ môi răng, tình Việt - Trung,
Hậu phương tiền tuyến giúp nhau cùng.
Trụ đá trời Nam mừng vẫn vững,
Gan dạ anh hùng, phúc thọ song!
Bài thơ của Trần Nghị đã vượt qua giới hạn của tình cảm cá nhân giữa hai lãnh tụ mà là lời “ghi công tạc dạ” của nhân dân Trung Quốc đối với Bác người mà tác giả tôn sùng là “Tiền bối quốc tế”, “nhân vật phong lưu”, “quần chúng tin yêu như bậc thánh” và “trụ đá trời Nam”. Tuy không phải là nhà thơ nhưng lời và ý bài thơ của Trần Nghị rất sâu sắc rất được các nhà thơ Việt Nam tâm đắc mỗi khi nhắc đến tình cảm của nhân dân thế giới đối với Bác.
4. Các nhà thơ Trung Quốc rất thích đọc tác phẩm Nhật ký trong tù của Bác. Khi Quách Mạt Nhược đến thăm Bác đã tặng tác phẩm của mình và yêu cầu ông cho nhận xét về nội dung và nghệ thuật của tập thơ. Về nước, sau khi đọc kỹ tập thơ bằng chữ Hán, Quách Mạt Nhược đã viết bài tiểu luận nhan đề Nay ở trong thơ nên có thép. Ông viết: “Chúng ta cảm ơn pho sử bằng thơ của Hồ Chủ tịch đã giữ lại cho chúng ta một số bộ mặt của thời đại cũ đáng cho chúng ta hồi tưởng”. Nhà thơ Viên Ưng sau khi đọc Nhật ký trong tù đã gọi Bác là “Bậc đại trí, đại dũng, đại nhân” trong cuộc sống và trong thơ ca. Nhà thơ Triệu Phác Sơ cảm nhận: “Nay ở trong thơ nên có thép” là quan niệm mà những người lao động văn học nghệ thuật cách mạng cần phải noi theo và vận dụng nó trong sáng tác. Những bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật sự vũ trang bằng thép và cũng bất diệt như trời đất”. Quách Mạt Nhược, Viên Ưng và Triệu Phác Sơ đều có những cảm tình đặc biệt và thu hoạch quý báu khi đọc tập Nhật ký trong tù của Bác sâu đậm tình cảm của Bác với cảnh vật và con người Trung Quốc mà Người đã từng chứng kiến trong thời gian bị giam cầm ở các nhà tù tỉnh Quảng Tây. Giá trị về nội dung và nghệ thuật Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch đạt mức hoàn thiện đến nỗi Quách Mạt Nhược phải thốt lên rằng “khó phân biệt đâu là thơ Đường - Tống và đâu là thơ Hồ Chủ tịch”. Nhận định này của Quách Mạt Nhược rất khách quan và chính xác khi đọc thơ chữ Hán của Bác.
PGS. Hồ Sĩ Hiệp