Thứ năm, 22/1/2015, 22h01

Có thể tiếp tục sử dụng thang điểm 10

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi tọa đàm

Mặc dù thang điểm 20 được cho là có lợi cho thí sinh nhưng trước nhiều ý kiến đề xuất của các trường, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng sẽ cân nhắc việc sử dụng lại thang điểm 10.
Điều này được Bộ trưởng cho biết tại tọa đàm “Góp ý dự thảo quy chế thi THPT quốc gia 2015” do Bộ GD-ĐT tổ chức chiều ngày 22-1.
Được mang atlat vào phòng thi
Cân nhắc việc sử dụng lại thang điểm 10, cho phép thí sinh mang atlat vào phòng thi là hai điều quan trọng được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết sau khi nghe các ý kiến các trường ĐH-CĐ, sở GD-ĐT đóng góp cho dự thảo quy chế thi THPT quốc gia. Trước đó, trong buổi tọa đàm, đại diện nhiều trường ĐH-CĐ và sở GD-ĐT các tỉnh thành đều nhìn nhận, việc chấm theo thang điểm 20 có độ chính xác cao, thuận lợi hơn cho thí sinh nhưng giáo viên cũng sẽ rất mệt. Điều quan trọng, tâm lý giáo viên, học sinh từ trước đến nay vốn đã quen với thang điểm 10 nên mặc dù thang điểm 20 cũng không khác gì về mặt bản chất nhưng đa số các trường vẫn muốn sử dụng lại thang điểm 10 để tránh gây xáo trộn.
TS. Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - phân tích, chấm theo thang điểm 20, độ chính xác rất cao, thí sinh có lợi hơn nhưng giáo viên lại mệt và tốn kém chi phí hơn. Theo TS. Lý, thay đổi thang điểm chỉ tác động đến tâm lý người học, thực chất không phải là sự thay đổi lớn. Nên giữ những điều đã ổn định, đã làm tốt trong kỳ thi “3 chung” để tránh gây xáo trộn.
Ông Nguyễn Thanh Giang - Giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu - cũng chung nhận định thang điểm 10 hay 20 có cùng bản chất. Tuy nhiên, do thói quen sử dụng bấy lâu nay nên thang điểm 10 luôn được đồng thuận hơn. Ông Giang cũng đề nghị, việc được phép mang atlat địa lý vào phòng thi hay không sẽ quyết định đến cách dạy và học của giáo viên, học sinh. Vì vậy, bộ cần sớm công bố rõ quy định để học sinh bớt lo lắng, định hướng ôn luyện.
Khẳng định của Bộ trưởng trong buổi tọa đàm về việc cho phép thí sinh mang atlat địa lý vào phòng thi nhằm khuyến khích khả năng tư duy phân tích đã giải tỏa mối băn khoăn lớn của nhiều học sinh lẫn giáo viên.
Chưa yên tâm khâu kỹ thuật
Bên cạnh thang điểm, nhiều vấn đề kỹ thuật khác về kỳ thi THPT quốc gia đến nay vẫn chưa làm cho các trường yên tâm. Bà Trương Thị Kim Huệ - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai - đề xuất giãn thời hạn thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi đến hết tháng 4-2015 để thí sinh có thêm thời gian cân nhắc. Trong khi đó, ông Trần Thanh Liêm - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp - chỉ đề nghị giãn thời hạn này cho đến 15-4. Ông Liêm bày tỏ quan tâm cấu trúc đề thi sẽ được xác định theo hướng nào, giống và khác trước ra sao.
Lo lắng khâu chấm thi, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - nêu thực tế, hai năm nay có quy định chấm phúc tra. Qua chấm phúc tra, thường có 10% số bài chênh lệch từ 0,25 đến 1 điểm. Khó khăn nằm ở chỗ nhiều trường thiên về khối tự nhiên, sẽ không kham nổi chấm tự luận các môn xã hội. Có thể mời giáo viên từ tỉnh thành vào Sài Gòn chấm nhưng gây tốn kém. Do vậy, TS. Dũng đề nghị tổ chức khâu chấm riêng. Chẳng hạn, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn chấm toàn bộ môn văn, sử… sẽ thuận lợi và công bằng.
Thời điểm đầu tháng 7 được nhiều trường ĐH cho là phù hợp để tổ chức thi vì sẽ không vướng lịch thi học kỳ của sinh viên. Các trường cũng sẽ chủ động bố trí điều kiện phòng ốc, chỗ nội trú cho sinh viên, lực lượng tham gia coi thi. Về vấn đề này, Bộ trưởng nêu hướng sẽ tính toán đến nguyện vọng học sinh. Nếu thi vào tháng 6 thì học sinh sẽ bị “thiệt” mất một tháng ôn. Do vậy, để học sinh không cảm thấy hụt hơi, chuẩn bị tâm thế thoải mái thì đầu tháng 7 là hợp lý.
Ngoài ra, vấn đề “ảo” lớn cũng là điều TS. Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM - đặt ra. TS. Quỳ cho rằng, với một phiếu, thí sinh được đăng ký xét tuyển đến 4 ngành học trong một trường sẽ tạo độ “ảo” lớn, bản thân các trường rất khó khăn trong việc gọi thí sinh. Giải đáp thắc mắc của các trường, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định kỳ thi THPT quốc gia nằm trong hai lộ trình đổi mới thi và kiểm tra, nhằm thay đổi cách dạy cách học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục theo nguyên tắc lấy lợi ích lâu dài của học sinh làm mục tiêu chính. Quy chế thi này sẽ được giữ ổn định cho đến khi lớp học sinh học theo chương trình sách giáo khoa mới thi tốt nghiệp THPT. Đến năm 2016, có thể thay đổi, bổ sung nếu có những chi tiết hay hơn.
Về cấu trúc đề thi, Bộ trưởng cho biết sẽ gồm nhiều câu trong đó có câu dễ, câu khó, một số câu đại bộ phận làm được, có một số câu chỉ học sinh khá mới làm được.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết, trong 10 ngày đầu của tháng 2-2015 sẽ công bố quy chế thi chính thức. Thí sinh tự do có thể đăng ký dự thi ở bất kỳ cụm nào. Tất cả các trường đều có quyền xét tuyển đợt 1, trường nào chưa tuyển đủ mới xét các đợt tiếp theo. Đồng thời, các trường ĐH xếp phòng và chuyển dữ liệu cho các sở GD-ĐT in giấy báo dự thi. Cụm thi địa phương cần phải duy trì để giúp các em gặp khó khăn và chỉ muốn xét tốt nghiệp THPT. Cụm thi này cũng do các trường ĐH chủ trì.
Bài, ảnh: Mê Tâm