Chủ nhật, 10/8/2014, 15h08

Điểm trúng tuyển chênh lệch do nhân hệ số

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố các mức điểm xét tuyển vào ĐH, CĐ (thay thế điểm sàn), các trường đã công bố điểm chuẩn.
Năm nay, các trường ĐH thực hiện nhân hệ số môn chính đối với một số ngành nên điểm trúng tuyển nguyện vọng (NV) 1 vào các ngành rất chênh nhau.
Chênh lệch rõ rệt
Khu vực phía Bắc, Trường ĐH Thủy lợi Hà Nội cho biết điểm chuẩn vào trường khối A cơ sở 1 là 15, cơ sở 2 là 13. Hệ CĐ là 10. Sau khi đủ điểm sàn vào trường, nếu thí sinh có điểm thấp hơn ngành đăng ký sẽ được chuyển sang ngành khác. Ngành cao điểm nhất của trường này là kế toán. Tương tự, 8 trường thành viên của ĐHQG Hà Nội cũng đã công bố điểm chuẩn vào trường. Trong đó Trường ĐH KHTN điểm chuẩn thấp nhất là 20, cao nhất là 24; Trường ĐH KHXH & NV lấy điểm chuẩn cao nhất là 22, thấp nhất 18; Trường ĐH Ngoại ngữ có điểm thấp nhất là 25, cao nhất là 30,5 sau khi đã nhân đôi môn ngoại ngữ; Trường ĐH Kinh tế có điểm chuẩn cao nhất là 24, thấp nhất là 22,5…
Khu vực TP.HCM, tại Trường ĐH Sài Gòn, trong nhóm những ngành nhân hệ số thì điểm trúng tuyển ngành sư phạm âm nhạc cao nhất, với 35,5. Cùng nhân hệ số môn toán nhưng ở ngành sư phạm toán lấy 29 điểm trong khi ngành toán ứng dụng chỉ lấy 22 điểm. Ngành sư phạm hóa cũng có mức điểm trúng tuyển là 29. Ngành sư phạm tiếng Anh lấy 27,5 điểm. Điểm trúng tuyển ngành sư phạm vật lý là 27; ngành giáo dục mầm non là 26,5 điểm; ngành ngôn ngữ Anh là 25 điểm. Ở khối xã hội, ngành sư phạm ngữ văn sau khi nhân hệ số lấy mức điểm trúng tuyển 24. Cũng nhân hệ số nhưng ngành sư phạm lịch sử chỉ lấy 20 điểm. Riêng ngành sư phạm địa lý không nhân hệ số, lấy mức điểm trúng tuyển 16,5. Các ngành không nhân hệ số khác có điểm dao động từ 15 đến 20.
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng công bố điểm trúng tuyển NV1 và xét tuyển bổ sung 575 chỉ tiêu theo nguyên tắc xét từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu.
Cẩn trọng với nhân đôi điểm môn chính
Năm nay Bộ GD-ĐT có quy định mới về cách tính điểm xét tuyển đối với môn thi chính. Theo đó, đối với các trường ĐH, CĐ đăng ký môn thi chính thì điểm xét tuyển được xác định theo công thức [Điểm 2 môn thi + điểm môn thi chính x 2] + điểm ưu tiên (nếu có) x 4/3. Căn cứ vào mức điểm xét tuyển này sẽ lấy từ cao xuống thấp cho đến đủ chỉ tiêu. Theo nguyên tắc, sau khi công bố điểm xét tuyển cơ bản thì Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn các trường thực hiện. Song văn bản chưa ban hành mà các trường đã “tấp nập” công bố điểm chuẩn. Như vậy, đối với các trường không có môn thi chính đã công bố điểm chuẩn thì hoàn toàn không có sai sót. Đối với các trường có môn thi chính đã công bố điểm chuẩn sẽ phải làm lại khâu xét tuyển để đưa ra mức điểm chuẩn mới. Do đó, thí sinh cần phải hết sức lưu ý và chờ đợi thông tin mới để tránh việc “ăn mừng” quá sớm. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, có đến hơn 230 ngành học xác định môn thi chính. Bộ sẽ sớm công bố để các trường xác định được chính xác để thí sinh không trượt oan.
N.Huê - M.Tâm