Chủ nhật, 21/9/2014, 22h09

Học tập và làm theo tấm gương - phong cách - đạo đức Hồ Chí Minh: Gặp sóng cả... không ngã tay chèo

Cô Hương và các học sinh tại Trường Tiểu học Lạc Long Quân

Trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm, đi tới đâu cũng để lại dấu ấn đẹp trong lòng đồng nghiệp và phụ huynh học sinh (PHHS). Đó là cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lạc Long Quân, quận 11, TP.HCM.
Xây từng “nốt nhạc”
Cô Hương tâm sự: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu - khó vạn lần dân liệu cũng xong”, đây chính là lời Bác Hồ dạy mà tôi và những người làm công tác GD-ĐT phải luôn khắc ghi, để mỗi một cán bộ phải thật sự là công bộc của dân, là nơi đồng nghiệp, PHHS tin tưởng giao phó. Vì vậy, dù về bất cứ một ngôi trường nào, dù gặp khó khăn đến mấy tôi cũng không bỏ cuộc vì tôi có chi bộ, có ban giám hiệu, có hội đồng sư phạm nhà trường nếu mình biết gắn kết họ lại thành một tập thể đoàn kết, thương yêu lẫn nhau như ruột thịt trong gia đình, thì chuyện gì cũng làm được”.
Nhớ lại những giai đoạn đã qua, từ khi là Phó hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, cô Hương bồi hồi: “Năm 2001, được lãnh đạo cấp trên tin tưởng, tôi được phân công về làm Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, đây là một ngôi trường có từ trước năm 1975, chật hẹp, CSVC xuống cấp. Nhiều PHHS ví trường như một cái “cũi” vì tất cả cửa sổ, ban công được thiết kế hàng rào sắt bao quanh, sân chơi không có, tối vì thiếu ánh sáng… Sau những nỗ lực của tập thể thầy cô giáo, sự ủng hộ hết mình của các cấp lãnh đạo, trường được trùng tu, xây mới, có không gian, CSVC tốt hơn, chất lượng dạy học được nâng lên. Tuy nhiên, để đời sống học đường tốt và có tác động trở lại trong việc học của HS, nhà trường xác định phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” là “kim chỉ nam” để hành động”…
Điểm nhấn của trường là mảng xanh, “thư viện” mới… mỗi khi ra chơi, HS toàn trường gần như vắng bóng trên sân trường vì các em đang “dạo chơi” trong thư viện mới, từng nhóm các em vẽ tranh, nhóm đọc truyện, nhóm tìm hiểu các trò chơi dân gian... Cô Hương cho biết: “Để làm được việc này nhà trường đã tham khảo nhiều mô hình thư viện tiên tiến của các trường bạn. Đặc biệt, sau khi đọc loạt bài Trên đường hội nhập của TS. Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP, chúng tôi rất tâm đắc. Tâm đắc ở chỗ: Dù điều kiện về CSVC cho giáo dục ở đất nước Phần Lan chưa được tốt nhất so với các nước thuộc châu Âu khác, vậy mà trường tiểu học được họ quan tâm và đầu tư đặc biệt cho thư viện trường học. Có như vậy mới tạo cho HS thói quen ham thích đọc sách và tới thư viện một cách tự nguyện, không gò ép”. Có thể nói đây là trường tiểu học hiếm hoi tại TP.HCM đã tạo ra một “không gian” thư viện gần gũi, thân thiện giữa thầy và trò.
Tiếp tục với những kế hoạch, dự định tốt nhất cho HS, năm 2012 cô Hương được phân công về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lạc Long Quân. Và chỉ sau một năm học, một thư viện hiện đại bậc nhất của TP lại hiện hữu ở ngôi trường này. Không những thế, mảng cây xanh, khu vui chơi cũng được đầu tư một cách đồng bộ mà dấu ấn đậm nét nhất để có được đó chính là người Hiệu trưởng tài ba Nguyễn Thị Kim Hương.
Đoàn kết là sức mạnh
Trường Tiểu học Lê Đình Chinh có những “đột phá” như trên, không phải cứ đứng hô khẩu hiệu là làm được, mà từ cán bộ quản lý đến GV-CNV đều phải lăn vào làm. Đơn giản như việc xây dựng mô hình “góc đồng quê” của trường, từ tìm cỏ, rơm khô đến con cò, cầu treo lắt lẻo… cô Hương và đồng nghiệp, nhiều hôm phải chạy xe về tận Long An để tìm kiếm hoặc góp nhặt từ những đồ phế thải, đồ chơi bị bỏ không rồi tỉ mẩn sơn, sửa, lên mạng tham khảo một số mô hình của trường bạn, cái gì phù hợp thì áp dụng, cái gì tốn kém thì động viên CB-GV-CNV góp nhặt để tạo dựng nên.
Về Trường Tiểu học Lạc Long Quân, cô Kim Hương bắt tay “chỉnh trang” lại môi trường: Trong giờ học PH muốn vào trường, tùy thích; bảo vệ có cũng như không, chuyện mất trộm vặt xảy ra như cơm bữa… Động viên, khéo léo nhắc nhở những PH này, mời PH vào phòng pha trà mời nước, rồi “tâm sự” để PH hiểu về nội quy, quy định trong trường học nhưng đâu phải dễ. Có PH không chịu hiểu, nói “luật lệ” lại với hiệu trưởng hoặc hùng hổ ra về, nản và bỏ cuộc sẽ thất bại, cô Hương khẳng định. Họp chi bộ, ban giám hiệu, hội đồng sư phạm cùng nhau phân tích, gỡ rối… Chính từ những buổi trao đổi thân tình, giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp, không lấy quyền cấp trên ép buộc xuống cấp dưới, được đồng nghiệp chia sẻ, ủng hộ… rồi chuyện nề nếp cũng đi vào ổn định. Xong chuyện PH tới chuyện bảo vệ, tài chính, thấy hiệu trưởng làm căng, một vài đồng nghiệp chưa hiểu vội vàng đơn thư gửi tới các cấp lãnh đạo, tuy mệt vì phải nay tiếp đoàn thanh tra này, mai tiếp đoàn lãnh đạo khác, cô Hương vẫn nở nụ cười tươi vì cô tâm nguyện: Làm cán bộ quản lý không phải dễ nếu gặp một chút áp lực đã vội buông tay, phó mặc hoặc nhắm mắt làm ngơ… ngôi trường đó sẽ đi về đâu, lấy ai để làm gương cho HS noi theo. Nhỏ nhẹ, khiêm tốn, minh bạch những cá nhân này cũng hiểu ra và “xắn tay, góp sức” giúp hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ quản lý, môi trường giáo dục trong lành, thành tích ngày một thêm dày. Cô Hương kết luận: “Học và làm theo lời Bác Hồ dạy không dễ nhưng nếu người cán bộ quản lý đó biết kết nối các thành viên của mình thành một khối thống nhất thì chuyện gì cũng làm được, đặc biệt không vì gặp sóng cả mà ngã tay chèo”.
Năm học 2013-2014 vừa qua, cô Nguyễn Thị Kim Hương vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cá nhân và tập thể nhà trường được Quận ủy, UBND quận 11 khen tặng vì xuất sắc trong việc “Học tập và làm theo tấm gương - đạo đức - phong cách Hồ Chí Minh”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy