Chủ nhật, 14/12/2014, 23h12

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015: Đề sẽ phân hóa rất cao

Thí sinh trao đổi về đề thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Ảnh: L.Sâm
Một kỳ thi quốc gia đang đến gần. Tuy Bộ GD-ĐT chưa đưa ra quy chế thi cuối cùng, các trường ĐH cũng chưa nhận được văn bản cụ thể ra sao, nhưng lãnh đạo các cục, vụ liên quan của Bộ GD-ĐT đã đưa ra rất nhiều thông tin mới liên quan đến một kỳ thi sắp tới.
Chứng chỉ ngoại ngữ chỉ miễn tốt nghiệp
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết về cơ bản một kỳ thi sẽ giống như năm 2014 và các năm trước. Khác biệt là thí sinh (TS) sẽ đăng ký môn thi nào, thi ở cụm thi nào, mục đích dự thi là tốt nghiệp hay vừa tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH. Vì vậy kỳ thi sẽ có 3 nhóm đối tượng học sinh: Nhóm chỉ xét tốt nghiệp đăng ký 4 môn: Toán, văn, ngoại ngữ và thêm 1 môn tự chọn trong các môn vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, lịch sử. Học sinh vùng khó khăn việc dạy và học, điều kiện học ngoại ngữ không đảm bảo có thể thay ngoại ngữ bằng một trong số các môn trên. Nhóm 2 vừa xét tốt nghiệp, vừa lấy điểm xét tuyển ĐH, CĐ.  Đầu tiên TS phải đăng ký 4 môn liên quan. Ngoài ra phải đăng ký thêm 1-4 môn tiếp theo tùy học sinh để phục vụ vào ĐH. Ông Nghĩa lấy ví dụ một TS trước đây thi khối A, năm nay cũng khối A thì đăng ký toán, văn, ngoại ngữ, lý và hóa. Việc đăng ký này còn giúp học sinh lựa chọn các khối tổng hợp khác dựa theo 5 môn này. Nhóm 3: Chỉ xét vào ĐH, CĐ (dành cho những TS đã tốt nghiệp) thì chỉ thi những môn liên quan đến xét tuyển trực tiếp theo khối: Như khối A thì toán, lý, hóa. Ngoài ra có thể thi thêm các môn để xét vào các khối thi khác.
Về chứng chỉ ngoại ngữ được Bộ GD-ĐT công nhận miễn thi tốt nghiệp, học sinh được tính điểm 10 ở môn thi ngoại ngữ khi tính điểm xét tốt nghiệp THPT. Chứng chỉ này chỉ miễn đối với xét tốt nghiệp còn TS muốn lấy điểm môn ngoại ngữ để xét tuyển vào một trường ĐH nào đấy lấy điểm kết quả kỳ thi chung của bộ thì TS phải thi môn này. Bộ GD-ĐT cho rằng việc miễn thi môn ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp nhằm tạo động lực để thay đổi cách dạy, học và thi môn ngoại ngữ theo cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Tuy nhiên đây cũng mới chỉ là dự kiến của Bộ GD-ĐT đưa ra để nhận ý kiến đóng góp của công luận.
Đề thi sẽ phân hóa cao

Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, đề thi kỳ thi THPT quốc gia 2015 sẽ phân hóa như đề thi ĐH-CĐ. Trong ảnh: Thí sinh trao đổi lại bài làm tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014.Ảnh: Đ.Lộc

Ông Trần Văn Nghĩa cho biết đề thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 cũng sẽ tương tự năm 2014 nhưng được sử dụng với hai mục đích là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ. Về cơ bản, thời gian các môn thi trắc nghiệm vẫn là 90 phút, các môn tự luận 180 phút. Đề thi có hai mục đích khác nhau nên sẽ đảm bảo độ phân hóa cao bao gồm 2 phần, chiếm tỷ trọng 50-50, phần cơ bản dành cho TS chỉ thi tốt nghiệp THPT, phần còn lại nhằm phân hóa để xét tuyển vào ĐH, CĐ. “Đề thi kỳ thi THPT quốc gia sẽ giống kỳ thi chọn môn ở kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua nhưng sẽ phân hóa như đề thi ĐH, CĐ”, ông Nghĩa khẳng định. Đề tiếp tục sẽ ra theo hướng mở, thi liên môn, không yêu cầu TS nhớ máy móc số liệu. Cụ thể, đối với đề môn sử, địa sẽ giảm học thuộc lòng và nhớ dữ liệu. Chẳng hạn đề môn sử, sẽ đưa ra sự kiện và yêu cầu phân tích sự kiện đó. Môn văn, vẫn ra đề như các năm gần đây. Các môn khoa học tự nhiên như toán, lý, hóa, sinh sẽ tăng cường đánh giá việc vận dụng kiến thức của người học.
Được lựa chọn cụm thi phù hợp
Về cụm thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết quy trình và phương thức đăng ký dự thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 về cơ bản không thay đổi nhiều so với các năm trước. Cụ thể, TS vẫn khai hồ sơ đăng ký dự thi và nộp về trường THPT để chuyển về các sở GD-ĐT. Các sở này sẽ chịu trách nhiệm nhập dữ liệu tuyển sinh để gửi về bộ. Trên cơ sở tổng hợp, bộ sẽ lọc thông tin rồi phân dữ liệu tuyển sinh về từng cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Các trường ĐH chủ trì cụm thi sẽ chịu trách nhiệm in giấy báo dự thi, giấy chứng nhận kết quả thi gửi tới các sở chuyển về cho TS qua các trường THPT như trước đây. TS sẽ sử dụng các giấy chứng nhận này để tham gia đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH và CĐ theo nguyện vọng. Cũng theo ông Ga, trước đây dự kiến cụm thi do địa phương chủ trì chỉ giao cho các sở GD-ĐT tổ chức. Nhưng để đảm bảo tính nghiêm túc và công bằng, các trường ĐH không chủ trì cụm thi cũng sẽ phối hợp hỗ trợ các sở trong việc giám sát kỳ thi.
Ở những địa bàn có nhiều trường ĐH lớn như Hà Nội và TP.HCM, yếu tố quyết định việc lựa chọn trường ĐH chủ trì cụm thi là vị trí địa lý. Chẳng hạn, 6 cụm thi dự kiến tại TP.HCM sẽ nằm ở các khu vực đông, tây, nam, bắc và trung tâm thành phố để thuận tiện cho việc di chuyển của TS. Điều này có nghĩa, về cơ bản TS ở gần các cụm thi nào dù của TP.HCM hay tỉnh lân cận cũng sẽ tập trung tại chính cụm thi đó. Tuy nhiên, ông Ga nói thêm, TS vẫn có quyền lựa chọn cụm thi theo nguyện vọng trước kỳ thi, bởi sẽ có những TS xét về địa bàn hành chính thuộc cụm thi này nhưng về vị trí địa lý ở gần cụm thi khác hơn.
Đây là những thông tin Bộ GD-ĐT đưa ra và dự kiến sẽ lấy ý kiến rộng rãi của dư luận trước khi đưa ra bản quy chế một kỳ thi cuối cùng.
Thiên Lam