Thứ ba, 8/7/2014, 20h07

Bán hàng rong “tấn công” sĩ tử

Người phụ nữ đeo bám để dở chiêu “chỉ giùm xe” sau đó bắt ép sĩ tử mua nước với giá cắt cổ

Tranh thủ lúc hàng chục ngàn lượt sĩ tử cùng phụ huynh đón xe ra vào TP.HCM mỗi đợt thi ĐH-CĐ, những người bán hàng rong tại Bến xe Miền Đông bắt đầu giở các chiêu trò “chỉ xe giùm” rồi ép hành khách mua nước với giá… trên trời.
“1.001 chiêu” moi tiền
Từ cửa 2A, khu vực dành cho hành khách các chuyến xe từ TP.HCM đi các tỉnh phía Bắc của Bến xe Miền Đông, nhìn xung quanh sẽ thấy một nhóm người mặc áo màu xanh công nhân, mắt láo liên tìm “con mồi”. Trong số họ, có người đeo bảng tên hoặc không đeo và tự xưng là người của đội vé xe A, xe B nào đó. Bạn Nguyễn Tùng Anh (quê Hà Tây) một tay giữ ba lô và một tay giữ vé, mắt dáo dác xung quanh tìm số xe. Lập tức, một phụ nữ đeo túi đen chạy lại, hỏi: “Em về đâu, đưa vé chị chỉ cho”, Tùng Anh đáp: “Vâng, em tìm được xe rồi chị ạ!”. Nhanh như chớp, phụ nữ đó liền giật tấm vé trong tay Tùng Anh và xé một cái rẹt, rồi níu tay bạn ấy đi vòng vòng trước khi đưa lên chiếc xe mang biển số 51B-09862 trong nỗi... bàng hoàng.
Liến thoắng, một phụ nữ khác ở một ô bán nước ngang chỗ xe đậu chạy thật nhanh mang lon nước yến chưa kịp bỏ vào bịch nilon lên xe. Phụ nữ này liền dúi lon nước yến cho Tùng Anh và bảo: “Cầm đi em, uống cho mát, trời nóng quá!”. Tùng Anh tưởng đâu loại nước được phát miễn phí như nước ngọt mà sinh viên tiếp sức mùa thi hay phát trước cổng hội đồng thi nên cầm lấy. Người phụ nữ ấy chìa tay trước mặt Tùng Anh và yêu cầu: “20 ngàn đồng em nhé, đưa nhanh, chị còn phải đi bán chỗ khác”. Bạn ấy trả lại và bảo không có nhu cầu vì có sẵn chai nước lọc rồi, người phụ nữ liền xổ giọng… chợ búa: “Của chùa hả mạy? Công sức dẫn mày đi tìm vé lả cả người, mày muốn khỏi về xứ à?”, vừa nói đôi mắt người phụ nữ này liếc một cái bén như dao lam, khiến người đối diện nổi gai ốc vì sợ. Gương mặt tái mét, Tùng Anh móc tiền ra trả cho khỏi phiền toái.
Không cần sự “phối hợp” để móc túi sĩ tử như trên, một phụ nữ không đeo bảng tên đứng canh một tốp sĩ tử khác để… tư vấn! Nhóm bạn này theo chân người phụ nữ đi đến cửa 1A để tìm xe về TP.Buôn Mê Thuột. Đứng cạnh bên hông xe có 4 phụ nữ, người bán nước, người bán trứng cút, 2 người còn lại bán chewing gum cùng chen lên xe và mời mọc. Nhận phải những cái lắc tay tỏ ý không mua của những em chân ướt chân ráo vào TP.HCM thi ĐH, một phụ nữ cay cú: “Tiên sư chúng nó, bề ngoài ăn mặc nhìn cũng khá giả mà chẳng mua được bịch trà đá, đốt “phong long” cho xui đi bớt!”.
Khi sử dụng những lời “đường mật” không thấy hiệu quả, những người bán hàng rong liền trở mặt thành “hổ báo” để dọa hành khách mua cho bằng được món hàng mà họ đưa. Có lúc thì ép khách mua bánh mì, bánh đậu xanh rồi có lúc lại ép hành khách đi xe không đúng hành trình. Cô Lê Thị Tuyến, quê Bình Định phải “bấm bụng” lên xe về Nha Trang trong khi vé cô mua ghi rõ ràng là TP.HCM -  Quy Nhơn. Cô cho biết khi đưa con gái vào TP.HCM để tìm chỗ trọ kỳ thi ĐH-CĐ đợt 1 rồi quay về đợi gần ngày thi vào lại thì gặp phải trường hợp trên. Khi tới Nha Trang, cô bị nhồi ép vào một chiếc xe nhỏ, cũ kỹ, bị vỡ kính để về Quy Nhơn, trong khi vé xe cô mua là xe khách chất lượng cao. “Độc chiêu” hơn, khi đi ngang một chiếc xe có tên H.M chạy từ TP.HCM ra Quảng Ngãi bắt buộc hành khách phải lấy dép bỏ vào bao nilon vì sợ… dơ sàn xe. Không dừng lại ở đó, lơ xe còn thu mỗi bọc nilon 2 ngàn đồng và gọi là phí bảo dưỡng xe (?).
Có bảo vệ cũng như không
Một chủ hàng quán thuê mặt bằng ký hiệu C13 cho biết, từ hàng quán cho tới người bán hàng rong muốn bán gì tại Bến xe Miền Đông đều phải đăng ký cho chủ bến, cấp thẻ đeo có dán hình đàng hoàng. Mỗi tháng phải đóng 350.000 đồng tiền quản lý và phải bán đúng mặt hàng, nếu không sẽ bị phạt và đuổi ra khỏi bến xe, cấm vào buôn bán. Quy định là như thế, những đối tượng bán hàng rong vẫn cứ ung dung ép khách với giá “cắt cổ”. Tuy có sắp xếp các tổ hàng rong nhưng vì cạnh tranh, giành giật từng chai nước, hộp bánh bán cho khách mà hầu như trong môi trường “ngầm” này thường xuyên xảy ra cãi vã, thậm chí có ẩu đả do “lấn sân” của nhau.
Tất cả những người bán hàng rong đều trang bị cho mình cuốn “bí kíp” có tên Cẩm nang tiếp sức mùa thi 2014 do Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM phát miễn phí cho sĩ tử. Thông qua cuốn cẩm nang này, họ biết chính xác ngày giờ mà các sĩ tử từ TP.HCM trở về các tỉnh để lên kế hoạch “mồi chài”. Cô Lê Thị Tuyết (quê Thanh Hóa) rút kinh nghiệm từ lần đưa con trai đầu vào TP.HCM thi ĐH bị mua “nhầm” hết 60 ngàn đồng cho hai lon nước ngọt đã thủ sẵn hai ổ bánh mì với một bình nước lọc 1,5 lít. Với phương châm “lắc đầu” và để vé vào túi quần, khi nào bước được lên xe cô mới móc ra đưa cho nhân viên soát vé.
Theo quan sát, lực lượng bảo vệ tại bến xe cực kỳ hùng hậu, chốt nào cũng có, dù mắt thấy tai nghe nhưng vẫn bình chân như vại. Tổng giám đốc Bến xe Miền Đông - ông Nguyễn Ngọc Thừa từng treo giải thưởng cho người tố giác hành vi buôn bán “cắt cổ” của những người bán hàng rong nhưng gần một năm qua không ai dám “xưng tên lĩnh giải” vì sợ bị… liên lụy. Tuy hiện tại chỉ còn khoảng 80 người bán so với 200 người trước đây nhưng vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động diễn ra tại bến xe. Những cách mua bán kiểu “chụp giật” như thế sẽ ảnh hưởng tới những hàng quán có đăng ký kinh doanh dù họ có bán đúng giá vẫn không được lòng tin của hành khách.
Bài, ảnh: Đặng Lộc