Thứ năm, 13/11/2014, 21h11

Báo Giáo dục TP.HCM: Lớn mạnh cùng ngành giáo dục thành phố

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận thăm và chia sẻ khó khăn với Báo Giáo dục TP.HCM nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-2011). Ảnh: Q.Huy
Chiều nay (14-11), tại Hội trường Sở GD-ĐT thành phố, Báo Giáo dục TP.HCM sẽ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm (1994-2014) ngày thành lập báo. Đây là dịp để bạn đọc, đặc biệt là các thầy, cô giáo nhìn nhận những cố gắng không ngừng của tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Giáo dục TP.HCM.
20 năm vì sự phát triển của ngành GD-ĐT
Để truyền đạt những chủ trương, chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM đến với các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố cũng như phụ huynh và dư luận xã hội, năm 1994, Tạp chí Giáo dục & Sáng tạo (tiền thân của Báo Giáo dục TP.HCM) đã ra đời.
Và chỉ trong một thời gian ngắn sau khi ra số báo đầu tiên, Tạp chí Giáo dục & Sáng tạo đã trở thành món ăn tinh thần của đông đảo đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên ngành GD-ĐT TP.HCM. Có thể nói, món ăn tinh thần này đã phần nào làm vơi đi cái “đói” về vật chất của đội ngũ nhà giáo lúc bấy giờ.
Đúng như GS.TS Cao Minh Thì (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) - người có ý tưởng “khai sinh” Tạp chí Giáo dục & Sáng tạo đã nói: “Tờ báo là nơi để anh em giáo viên nói lên tiếng nói của mình về lương bổng, chế độ, về cơ sở vật chất trường lớp...”.
Cùng với thời gian, món ăn tinh thần của đội ngũ nhà giáo - Tạp chí Giáo dục & Sáng tạo ngày càng trở nên hấp dẫn từ nội dung đến hình thức. Và đặc biệt là tăng kỳ, đổi khổ tờ báo. Theo đó, năm 1994 Tạp chí Giáo dục & Sáng tạo (khổ A4) mỗi tháng chỉ xuất bản 1 kỳ tăng lên 3 kỳ/tháng vào năm 1999. Hai năm sau (năm 2001), món ăn tinh thần này đã đến với đội ngũ nhà giáo vào mỗi tuần.
Hai năm sau đó (năm 2003), trước nhu cầu phát triển của ngành GD-ĐT TP.HCM cũng như sự lớn mạnh về số lượng đội ngũ nhà giáo, Tạp chí Giáo dục & Sáng tạo đổi thành Báo Giáo dục TP.HCM - khổ A3, 16 trang, xuất bản 2 kỳ/tuần. Đến năm 2008, Báo Giáo dục TP.HCM tăng 3 kỳ/ tuần - phát hành vào thứ hai, thứ tư, thứ sáu. Website: giaoduc.edu.vn cũng ra đời từ đây.
Không chỉ phục vụ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành GD-ĐT thành phố, ngoài tờ chính là tờ báo khổ A3, năm 2004 Báo Giáo dục TP.HCM còn có thêm Chuyên đề cuối tuần VTM - dành cho các em học sinh THCS, THPT, sinh viên ĐH-CĐ; phụ san Mẹ & con, Làm mẹ - dành cho các bậc phụ huynh có con đang học mầm non; Tuổi thơ - dành cho các em học sinh tiểu học.
Những chương trình làm nên thương hiệu của báo

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa xem triển lãm tại gian hàng Báo Giáo dục TP.HCM tại Ngày hội giáo dục phát triển TP.HCM năm 2010.
Song song với việc đầu tư phát triển về nội dung và hình thức tờ báo ngày càng hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc, Báo Giáo dục TP.HCM còn đẩy mạnh các hoạt động sau mặt báo. Nhiều chương trình đã tạo nên thương hiệu riêng của Báo Giáo dục TP.HCM.
Trước tiên phải kể đến Giải bóng đá nam học sinh THPT. Đây thực sự là một sân chơi rèn luyện thể chất cho học sinh THPT trên địa bàn TP.HCM nói riêng và các tỉnh, thành lân cận nói chung. Và đến nay, sau hơn 10 năm tổ chức, Giải bóng đá nam học sinh THPT ngày càng chuyên nghiệp hơn và thu hút đông đảo học sinh tham gia hơn. Trung bình mỗi năm có cả trăm trường THPT với cả ngàn học sinh tham gia.
Một sân chơi dành cho học sinh THPT cũng không kém phần hấp dẫn, đó là Giải Trần Đại Nghĩa. Nếu Giải bóng đá nam học sinh THPT là một sân chơi thể thao để các em rèn luyện thể lực thì Giải Trần Đại Nghĩa là một sân chơi tri thức - giúp học sinh củng cố và nâng cao những kiến thức đã học. Giải thưởng của Giải Trần Đại Nghĩa là một trong những bằng chứng chứng minh chất lượng giáo dục của các đơn vị trường học, đồng thời cũng là cơ sở để giáo viên đánh giá năng lực học tập của học sinh...
Ngoài ra, mấy năm trở lại đây, nhằm khuyến khích học sinh đến trường bằng xe đạp, Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT thành phố tổ chức cuộc thi Đi xe đạp “Vì môi trường văn hóa giao thông”.
Không chỉ tổ chức sân chơi cho học sinh, những năm gần đây Báo Giáo dục còn đồng hành với các trường THCS, THPT, TTGDTX tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Qua đó giúp các em biết lượng sức để lực chọn những trường, những ngành nghề phù hợp với khả năng, sở thích cũng như hoàn cảnh của mình.
Song song với các sân chơi dành cho học sinh, Báo Giáo dục TP.HCM cũng tổ chức nhiều chương trình phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cũng như trau dồi kiến thức, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ nhà giáo. Đó là cuộc thi Giải quyết tình huống giáo dục; Giải bóng đá mini nam giáo viên... Và đặc biệt là chương trình ca nhạc Một thời dấu yêu được tổ chức hàng năm vào tối 20-11. Chương trình như một lời tri ân của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Báo Giáo dục TP.HCM gửi đến đội ngũ nhà giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam...
Hòa Triều
“Với tuổi 20 đầy sức sống, với sự hỗ trợ và đồng hành của bạn đọc gần xa, Báo Giáo dục TP.HCM sẽ tăng tốc, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ truyền thông của mình trong thời gian tới”, ông Nguyễn Thanh Tú - Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM - khẳng định.