Thứ sáu, 17/10/2014, 07h10

Các trường ĐH, CĐ, TCCN tại Cần Thơ: “Tự lực cánh sinh” là chính

Tiết thực hành của học sinh Trường TC Phạm Ngọc Thạch - Cần Thơ 

1024x768Ngày 16-10, lãnh đạo Thành ủy và UBND TP.Cần Thơ đã có buổi làm việc với các trường ĐH, CĐ, TCCN trên địa bàn Cần Thơ.

Normal0falsefalsefalseEN-USX-NONEX-NONE

Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị giao Cần Thơ trở thành trung tâm giáo dục và chăm sóc sức khỏe, đồng thời là TP động lực phát triển cho khu vực. Đến nay công tác GD-ĐT cơ bản đáp ứng một phần mục tiêu trên: Địa bàn TP có 5 trường ĐH và 1 phân hiệu Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM; trong số này ĐH Cần Thơ và ĐH Y dược Cần Thơ nằm trong số trường ĐH trọng điểm của cả nước, có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho ĐBSCL và cả nước. Hệ CĐ có 8 trường, và 12 trường TCCN.

Về qui mô, tổng số HS, SV đang theo học tại các trường là 108.497 (hệ chính qui là 71.390 HS, SV), trong đó 5.201 là học viên sau ĐH; 79.839 SV, còn lại là CĐ và TC.

Trường TC “khóc ròng”

Trong bức tranh tuyển sinh năm 2014, bậc ĐH đạt kết quả cao nhất: 16.316/26.854, tỷ lệ 60,8% chỉ tiêu. Tại buổi làm việc, các trường TC và CĐ có đào tạo bậc TC bày tỏ những bức xúc trong công tác tuyển sinh. Ngoài việc thực hiện phân luồng sau THCS rất hạn chế, kết hợp tâm lý sính bằng cấp của rất nhiều phụ huynh, bằng mọi giá phải “chạy” cho con tấm bằng ĐH, dù học xong không có việc làm; thì điều trăn trở nhất là nhiều trường ĐH ngoài công lập đã tuyển sinh theo kiểu “vạt tép vơ bèo”. Ông Lê Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường TC Đại Việt - Cần Thơ, bức xúc: “Bộ GD-ĐT qui định các trường ĐH chỉ được tuyển sinh những thí sinh đạt điểm sàn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ theo hình thức “3 chung”, nhưng có trường ĐH tư thục tuyển sinh đào tạo bậc ĐH bằng cách xét học bạ bậc phổ thông với điểm bình quân hơn 5,0; dù những em này thi tuyển sinh không đạt điểm sàn qui định”. Trong khi đó, do tuyển sinh không được nên nhiều trường TC đã chạy theo những ngành “hot” làm quy luật cung - cầu nhân lực bị phá vỡ. Ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, nói: “Nhiều trường TC mở các mã ngành giống nhau, trong đó nhiều nhất là ngành chăm sóc sức khỏe. Đề nghị TP chỉ đạo điều tiết để việc đào tạo không bị khủng hoảng thừa”.

Thiếu tiền, thiếu đất

Ngoài trăn trở về tuyển sinh bậc TC, vấn đề được nhiều trường kiến nghị TP là kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị, và xin cấp đất xây trường hoặc mở rộng trường. Trường CĐ Y tế Cần Thơ mất gần 3.000m2 đất để phục vụ việc mở rộng tuyến đường Nguyễn Văn Cừ và đường Võ Văn Kiệt nên phải thuê cơ sở tại Khu dân cư 586, quận Cái Răng, để dạy. Trường đề nghị TP cấp kinh phí mua khu nhà này, kết hợp cấp đất xây thêm cơ sở mới. Trường TC Y dược Mekong đề nghị cấp từ 2 đến 2,5ha tại khu vực Bình Trung, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, để xây trường. Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Cần Thơ, dù đã được TP đầu tư hàng chục tỷ đồng tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và hiện là một trong số trường có cơ ngơi đầy đủ và hiện đại nhất khu vực, cũng đề nghị TP cấp đất và tiếp tục đầu tư thêm cơ sở vật chất để “chuẩn bị chuyển thành Trường ĐH Nông nghiệp Cần Thơ”. Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ (do UBND/TP. Cần Thơ quản lý) đề nghị phân bổ kinh phí nghiên cứu khoa học hàng năm để trường làm tốt công tác nghiên cứu; hỗ trợ và tạo điều kiện cho cán bộ của trường đi học ở nước ngoài; cấp vốn tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất và cấp 18 tỷ đồng tăng cường thiết bị giảng dạy tại cơ sở 1 ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều. Đồng thời bố trí vốn giải tỏa đền bù với tổng kinh phí ước tính 107,4 tỷ đồng, để trường có mặt bằng xây dựng cơ sở 2 đặt tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy.

Các trường hãy tự thân vận động!

Trước những kiến nghị về chế độ, chính sách của các trường, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, khẳng định: “Cần Thơ sẵn sàng hỗ trợ việc thành lập các trường trên địa bàn, nhưng TP không có nhiệm vụ phải lo mặt bằng cho tất cả các trường từ nơi khác đến. Trong khi vùng xa thì các trường không nhận, còn khu vực trung tâm đã hết quỹ đất. Lúc xin mở trường, chủ đầu tư nào cũng cam đoan đã có cơ sở, còn việc mở rộng cơ sở 2 thì tính sau nhưng sau đó lại xin địa phương cấp đất. Do vậy, đối với trường công lập, đề nghị ban giám hiệu lấy thu bù chi, tranh thủ thêm các nguồn lực, đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế để đi lên, đặc biệt là công tác tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ cán bộ. Lấy điển hình Trường ĐH Cần Thơ, bằng việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trường đã được nhiều nước xây dựng các khoa, trang bị thiết bị hiện đại phục vụ việc đào tạo, cấp học bổng cho hàng chục giảng viên ra nước ngoài học sau ĐH... Còn trường ngoài công lập, tôi cho rằng nếu chất lượng đào tạo tốt, được xã hội tin cậy thì sẽ ngày càng phát triển…”.

Bài, ảnh: Đan Phượng

Buổi làm việc kết thúc nhưng vẫn chưa tìm được lời giải cho bài toán phân luồng. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, hoạt động của các trường TC thời gian tới sẽ càng khó hơn trước đề án tuyển sinh riêng của nhiều trường ĐH tư thục chỉ căn cứ theo xét học bạ để tuyển sinh bậc ĐH, không cần thí sinh đậu tốt nghiệp THPT.