Thứ năm, 18/9/2014, 20h09

Cần “cây gậy” chống lạm thu đầu năm

Một buổi họp phụ huynh (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
Đầu năm học, phụ huynh lại quáng quàng với các khoản thu đầu năm. Để tránh báo chí nhòm ngó, nhiều trường trên địa bàn TP.Hà Nội đến giờ vẫn án binh bất động, chưa họp phụ huynh, trong khi bình thường sẽ họp sau khi khai giảng. Thậm chí có trường không thu gộp các khoản vào một đợt mà chia thành các đợt nhỏ, phụ huynh sẽ không... xót và thực tế không biết mình đã phải đóng bao nhiêu tiền học cho con.
Theo PGS. Trần Thị Tâm Đan, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, để tránh lạm thu cần cho các trường một cơ chế tài chính mới.
PV: Theo bà, có phải mức học phí bây giờ rất thấp đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục?
PGS. Trần Thị Tâm Đan: Chính vì học phí thấp (chỉ mấy chục ngàn đến hơn trăm ngàn đối với trường công lập từ mầm non đến THPT) nhà trường sẽ ở vào thế không có điều kiện nâng cao chất lượng. Mà không có điều kiện thì ai khổ? Trẻ em khổ, chả phải ai. Tại sao mình không đặt thẳng vấn đề tính chi phí cho giáo dục đảm bảo chi phí ấy trường hoạt động được và nâng cao được chất lượng. Sau khi tính được chi phí thì phải xác định rõ Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu còn bao nhiêu phụ huynh phải đóng góp. Thế thì trẻ em mới được chăm sóc tốt. Còn nếu không, cứ để như hiện tại, tưởng rằng học phí thấp là tốt nhưng thực tế ra trẻ em không được hưởng đầy đủ điều kiện. Tôi nghĩ ở bậc mầm non, trách nhiệm của Nhà nước đã đành nhưng còn trách nhiệm của gia đình đối với con em mình thì sao? Tại sao trường tư thục thu tới 2 triệu đồng/tháng/trẻ mà gia đình phụ huynh vẫn cân đối được?
Phụ huynh cho rằng có một số khoản thu họ có thể sẵn sàng đóng được nhưng lại không nằm trong danh mục, bà nghĩ sao?
Vì vậy tôi mới nói phải đổi mới cơ chế tài chính của nhà trường. Nhà trường phải tính toán cho rõ chi phí cho một HS là bao nhiêu, kể cả thư viện, cả trang thiết bị, lương giáo viên... phải tính cho đầy đủ ra. Nhà nước xác định phải chi bằng này còn lại bố mẹ phải đóng. Tôi tin rằng bố mẹ sẵn sàng đóng. Vì họ đóng cho con mình được học tập tốt hơn, sống tốt hơn.
Hiện nay có hiện tượng có nhiều khoản thu được  đẩy về phía phụ huynh. Theo bà, hiện tượng này có thể hiểu thế nào?
Đây chẳng qua là sự đẩy trách nhiệm. Trước đây, tôi vẫn nói, dù phụ huynh có thu chăng nữa thì trách nhiệm vẫn thuộc hiệu trưởng. Thế thì mình rõ ràng ra đi, không để phụ huynh muốn thu thế nào thì thu. Những phụ huynh có điều kiện thì thu rất cao, những người khác thấy khó, buộc họ phải đóng góp. Do đó, tôi thấy tất cả các khoản thu trong nhà trường dù phụ huynh có đứng lên hay không thì hiệu trưởng đều phải chịu trách nhiệm. Phụ huynh có thu thì chỉ thu tiền sinh hoạt phụ huynh thôi làm sao thu tiền khác được. Tôi vẫn nói tất cả những khoản thu trong trường nên thống nhất vào một mục.
Các sở GD-ĐT cần có quy chế như thế nào để hạn chế các khoản lạm thu đầu năm, thưa bà?
Nếu bây giờ cho các trường một cơ chế là tính chi phí trên đầu HS một năm hết bao nhiêu tiền và Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu còn bao nhiêu gia đình đóng góp thì tôi nghĩ sẽ ổn.
Nhưng hiện chính sách đó chưa thực hiện?  
Không, phải thực hiện, nếu không thực hiện thì làm sao nâng được chất lượng giáo dục. Khi cơ chế rõ ràng thì thực sự mình kiểm tra kiểm soát và thực sự công khai.
Không cào bằng xã hội hóa giáo dục
Về phía các sở GD-ĐT, đứng trước vấn đề này, bà Phạm Thị Hồng Nga, đại biểu Quốc hội, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay: Năm nay có một ưu điểm của Hà Nội là sở quán triệt ngay từ đầu nên các trường thực hiện tốt hơn. Cụ thể như những năm trước việc may đồng phục có vấn đề thì năm nay đã ổn.
Kế hoạch kiểm tra các khoản thu đầu năm của Sở GD-ĐT Hà Nội như thế nào, thưa bà?

Những khoản phí đầu năm học luôn là vấn đề “nóng” ở các trường. Trong ảnh: Phụ huynh tại TP.HCM làm thủ tục nhập học cho con. Ảnh: H.Triều
Bà Phạm Thị Hồng Nga: Sở sẽ thành lập 5 đoàn đi kiểm tra 30/30 huyện thị trên toàn thành phố về thu chi đầu năm, tập trung ở những trường, những vùng địa bàn mọi năm hay có vấn đề thu chi chưa thật đúng quy định. Các đoàn điều tra đã bắt đầu đi từ ngày 15-9, cho tới thời điểm này thì chúng tôi đã đi được một số quận huyện. Thực tế hiện nay có nhiều nơi chưa họp phụ huynh HS, chúng tôi sẽ tiếp cận với từng đối tượng HS để kiểm tra như giờ ra chơi có thể hỏi học trò là đầu năm các em phải đóng bao nhiêu tiền, bố mẹ có nói gì về việc phải đóng tiền đầu năm hay không? Hỏi giáo viên bình thường xem trường ta phải thu những khoản gì, hỏi giáo viên chủ nhiệm sau đó mới làm việc với ban giám hiệu nhà trường, kiểm tra có thể là đột xuất có thể là báo trước và theo tinh thần chỉ đạo chung thì chúng tôi sẽ ngăn chặn kịp thời nếu như những trường nào có hiện tượng thu không đúng, những điều mà trong quyết định 51 UBND thành phố đề ra. Việc thu tiền học của các câu lạc bộ, sở cũng yêu cầu một lúc không thể tham gia quá nhiều câu lạc bộ, các cháu sẽ bị quá tải, phân tích cho các cháu và phụ huynh rõ điều này. Tự nguyện cũng chỉ tham gia nhiều nhất 2 câu lạc bộ ngoài giờ thôi, việc này cũng được chấn chỉnh có bàn bạc với phụ huynh. Tiếp đó là việc làm quen với tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập cũng được chấn chỉnh.
Thế còn quỹ hội cha mẹ HS, vấn đề luôn gây bức xúc cho phụ huynh thì sao, thưa bà?
Quỹ hội cha mẹ HS sẽ phải chấn chỉnh thêm. Những văn bản liên quan đến vấn đề này đang còn rất chung chung cho nên Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã yêu cầu các địa phương và các cơ sở có những cuộc họp và bàn bạc riêng nhằm chấn chỉnh để thực hiện cho đúng. Chỉ có duy nhất một loại quỹ hội cha mẹ HS chứ không có kiểu chia thành nhiều loại quỹ trường, quỹ lớp. Thứ hai là số tiền thu ấy để làm gì phải có dự kiến chi tiết việc chi. Chi những khoản gì mà thu ngần đó, các khoản dự kiến chi cũng phải nhận được sự đồng ý của các bậc cha mẹ HS chứ không phải thu để làm sai mục đích. Ví dụ điều lệ đã ghi là không chi cho giáo viên các khoản của quỹ hội cha mẹ HS. Cho nên không thể thu cao được, thu cao cũng không thể chi vào đâu được. Cái này sẽ chấn chỉnh để làm tốt hơn.
Các khoản xã hội hóa thì sao?          
Trong bối cảnh hiện nay ngân sách Nhà nước không đủ, rất cần các khoản này. Tuy nhiên phải xác định rõ là xã hội hóa đúng quy trình, phải có kế hoạch xã hội hóa cái gì? Dự toán công khai và báo cáo lên cấp trên trước khi làm. Không làm quá lớn để ảnh hưởng đến phụ huynh, hoàn toàn công khai và được sự ủng hộ. Sau khi đã đủ  kinh phí để làm công việc xã hội hóa rồi thì phải dừng lại ngay, cho dù phụ huynh có muốn thu nữa cũng không cần thiết. Tuyệt đối không cào bằng, gia đình nào không có điều kiện thì không được kêu gọi xã hội hóa, mình còn phải hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện cho con em họ có thể đến trường. Không phải vì không có tiền đóng xã hội hóa mà làm họ phải “lăn tăn” khi cho con em mình đến trường. Tất cả HS kể cả đóng tiền xã hội hóa hay không thì cũng phải được hưởng điều kiện học tập tốt như nhau. Hết sức công bằng.
Nghiêm Huê (thực hiện)
“Từ lâu tôi đã nêu quan điểm tất cả các khoản thu nên dồn vào một mục là học phí thì mới kiểm tra, kiểm soát được. Chứ hiện nay mình thu học phí rất thấp, nhà trường thiếu thốn, không đảm bảo cơ sở vật chất, họ phải lạm thu, phụ huynh phải đóng góp khoản này, khoản kia, chúng ta không kiểm soát được và nhân dân thì không đồng tình. Ngày xưa khi làm Luật Giáo dục tôi đã đề nghị tất cả các khoản thu của nhà trường chỉ đưa vào một khoản là học phí”, PGS. Trần Thị Tâm Đan khẳng định.