Thứ hai, 29/9/2014, 08h09

Chống “ảo” cho kỳ thi chung

Các trường ĐH lo lắng có thể đối mặt với lượng thí sinh “ảo” lớn khi áp dụng một kỳ thi quốc gia
Một kỳ thi quốc gia tiếp tục gây lo lắng bởi các trường ĐH có thể phải đối mặt với lượng thí sinh “ảo” rất lớn, chưa kể những áp lực trong việc tổ chức thi cụm với số lượt dự thi “khổng lồ”…
Nhiều tranh luận xung quanh việc tổ chức một kỳ thi quốc gia đã được trên 300 đại biểu tiếp tục đề cập khi tham dự hội nghị bàn về công tác tổ chức kỳ thi quốc gia năm 2015 tại TP.HCM ngày 26-9 do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận chủ trì.
Khó khống chế lượng “ảo”
Một học sinh thi 5 môn (toán, lý, hóa, văn, Anh) chẳng hạn, tương đương với 3 khối thi, liệu các trường có khống chế nổi số lượng nguyện vọng của em này không? Câu hỏi được ông Dương Thế Phương (Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Dương) đặt ra đồng thời cũng chính là lo lắng chất chứa của rất nhiều trường ĐH cho đến thời điểm này. 
TS. Nguyễn Quốc Chính (Trưởng ban ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM) dự báo, nếu cho phép thí sinh thoải mái đăng ký xét tuyển, khả năng “ảo” là rất lớn. Vì có em sẽ đăng ký đến 5-6 nguyện vọng. Vì vậy, ông Chính đề nghị, nếu bộ đã có phần mềm, giải pháp tránh “ảo” thì nên sớm cho các trường biết. Đặc biệt, giải pháp càng tin học hóa càng tốt.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cho rằng, việc cấp nhiều giấy báo điểm cho thí sinh tham gia xét tuyển sẽ khiến các trường vất vả, khó lường được số lượng. Ông Dũng đề xuất, thay đổi trong tuyển sinh cần theo nguyên tắc “lọt sàng xuống nia”. Để giảm ảo, cần phân tầng các trường ĐH. Cụ thể, đợt 1, cho những trường tốp trên tuyển trước, học sinh giỏi sẽ vào các trường này. Khoảng sau 1 tuần chẳng hạn, khi đủ chỉ tiêu, các trường này “chốt sổ”. Phần xét tuyển còn lại sẽ tiếp tục dành lần lượt cho các trường tốp giữa và dưới.
Đại diện Trường ĐH Đồng Tháp đề nghị giữ nguyên việc cấp 3 phiếu điểm cho thí sinh và xét tuyển 3 đợt. Tuy nhiên, mỗi đợt xét ngắn hơn, giảm từ 20 ngày xuống còn 10 ngày. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng nhìn nhận, chuyện “ảo” trong đăng ký xét tuyển có thể tăng lên, vì chúng ta chấp nhận cho thí sinh có nhiều khả năng lựa chọn hơn, giúp các trường ĐH chọn được những thí sinh giỏi.
TS. Nguyễn Quốc Chính đề nghị thêm việc cấp cho mỗi thí sinh một mã số đăng ký dự thi (tương tự “chứng minh nhân dân”), dùng xuyên suốt quá trình tổ chức thi và xét tuyển. Với mã số này, thí sinh khi đăng ký vào trường nào, trường đó sẽ nắm được thông tin cụ thể của thí sinh thống nhất trong toàn quốc.
Mở rộng thay vì thu hẹp cụm thi
Tổ chức các cụm thi sao cho hạn chế việc thí sinh vất vả di chuyển là yếu tố được nhiều đại biểu tập trung nhấn mạnh. Đại diện Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng nên tăng số cụm thi để giảm bớt khoảng cách đi lại của học sinh. Đồng thời, có thể điều giáo viên đi xa thay vì để học sinh di chuyển vất vả.
Tán thành việc mở rộng thay cho thu hẹp địa điểm thi, TS. Phan Ngọc Sơn (Hiệu trưởng  Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai) còn nêu hướng giao các trường ĐH chủ trì khâu tổ chức thi, có sự tham gia chung của các sở. Trong khi đó, ông Đỗ Văn Dũng lại tỏ ra thiếu tin tưởng khi giao việc tổ chức kỳ thi về phía những trường ĐH “non” kinh nghiệm. Theo ông Dũng, chỉ nên giao trách nhiệm này cho những trường có năng lực.
Khẳng định việc tổ chức các cụm thi nhằm hướng đến hỗ trợ cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT) cho biết, với những địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, để tạo thuận lợi cho thí sinh, bộ sẽ phối hợp mở thêm một số cụm thi do các sở GD-ĐT chủ trì. Riêng những thí sinh thực sự khó khăn không đi thi được, sẽ dùng đến các biện pháp hỗ trợ để tiếp sức các em.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT) nhận định, độ tin cậy của các kỳ thi năm 2014 đã được khẳng định, tuy nhiên xã hội hiện vẫn tin cậy kỳ thi “3 chung” hơn tốt nghiệp THPT. Chúng ta cố gắng làm tốt để xã hội ngày càng yên tâm. Từ các cụm thi do trường ĐH-CĐ hay Sở GD-ĐT chủ trì, tùy tình hình thực tiễn, chúng ta sẽ tăng cường các giải pháp quản lý, kỹ thuật như thanh tra giám sát, xử lý nghiêm minh hơn các sai phạm, đặc biệt tăng cường vai trò giám sát của xã hội...