Thứ năm, 10/7/2014, 22h07

Cơm cha, áo mẹ... gửi về nơi xa

Phụ huynh sốt ruột đội mưa chờ con tại HĐT Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM.
Em, một cô gái Quảng Bình vượt nắng, vượt gió để vào TP.HCM thi ĐH. Ban đầu, tôi đã rất cảm thông cho cô gái mảnh đất miền Trung, mới hết lớp 12 đã dám một mình vào thành phố này để bắt đầu tương lai. Em hiền lành, rụt rè và ít nói đến mức đáng thương. Nhà em nghèo. Để có tiền cho con luyện thầy và đi thi ĐH, gia đình đã phải bán một con bò - thứ tài sản dù chẳng phải là duy nhất, lớn nhất nhưng cũng phải nhọc công bao ngày cha mẹ em mới có được. Tôi biết, dù không thể “tháp tùng” theo con đi thi, nhưng họ đã gửi tất cả “niềm tin và hi vọng” về em nhiều lắm. Và có thể giờ này, họ vẫn đang mường tượng những ngày sắp tới, dù cơ cực nhưng con cái họ cũng được học hành, tương lai con cái họ dù chẳng giàu sang nhưng chí ít sẽ chẳng phải lam lũ, chân lấm tay bùn như cuộc sống cơ cực bây giờ.
Nhưng phận làm cha làm mẹ nào biết. Thật ra cái động lực để em bước chân vào Sài Gòn không mang theo “hành trang” và “lý tưởng” như cha mẹ em vẫn nghĩ. Em vẫn đăng ký luyện thi, vẫn học ôn thi đều đặn mỗi buổi chiều. Nhưng ngoài thời gian đó ra dường như tôi chẳng thấy em quan tâm nhiều tới bài vở. Tối, em nằm online, chat với bạn bè đến tận đêm khuya. Ngày, em “nướng” đến gần giữa trưa mới chịu tỉnh giấc. Mới đầu, tôi cứ nghĩ em giỏi, rằng khối thi của em thuộc về năng khiếu nên chẳng phải ôn tập nhiều, hay ít nhất là kiểu miệt mài ôn thi như cái thời của tôi nay đã trở nên lạc hậu. Nhưng không, học lực của em cũng chỉ bình thường như bao cô cậu học trò khác.
Ngày tôi cảnh báo cho em về tỷ lệ “chọi” ngất ngưởng giữa các thí sinh thi cùng trường với hi vọng em sẽ giật mình tỉnh giấc và thay đổi lại ôn tập… Nhưng không, em vẫn điềm nhiên như thể chưa nghe, chưa biết gì. Ngày thi ĐH đầu tiên, phải mất ba lần gọi, em mới ngồi dậy để chuẩn bị giấy tờ. Rồi em cũng tỉnh hẳn khi sực nhớ ra mình chưa có bảng vẽ, dù giờ thi chỉ còn cách chưa đầy hai tiếng đồng hồ. Tôi thực sự sốc khi em “phán” rằng: “Em thi để cho biết thôi, đằng nào cũng rớt. Để sang năm ôn tiếp rồi thi lại cho chắc chị ơi”. Tôi ngỡ ngàng. Hóa ra, mục đích của em khi vào thành phố hoa lệ này chỉ đơn giản là thế.
Mang tâm tư này tôi đi gặp nhiều bậc phụ huynh theo 2 đợt thi để những mong nhận được sự đồng cảm, sẻ chia. Nào ngờ họ không hề đứng về phía tôi mà còn khẳng định rằng: Chuyện đó bình thường lắm, trong các phòng thi những người giống như em nhiều vô kể.
Tôi không tin nổi điều đó là sự thật. Mỗi năm, vẫn có hàng ngàn sĩ tử đổ về những thành phố lớn thi ĐH mà không hề đặt ra mục tiêu đậu ĐH. Trong số đó, ngoài những “cậu ấm, cô chiêu” đi thi để tiêu tiền “hộ” cho cha mẹ thì những thành phần “trí thức nghèo” đi thi chỉ để… biết như em vẫn còn nhiều vô số. Các em ngồi vẽ hươu vẽ vượn, thong dong đón nhận cái không khí căng thẳng ở phòng thi sao mà nhẹ tênh tựa lông hồng; rồi lại tiếp tục mơ, tiếp tục mộng. Giấc mơ ấy được chắt chiu từ những giọt mồ hôi rơi trên khuôn mặt đầy nếp nhăn của mẹ, có sự nhọc nhằn trên đôi vai cháy nắng của cha. Và ở tương lai ấy, hình ảnh người thầy miệt mài từng đêm bên giáo án, cố lọc lấy những tinh hoa để truyền giảng kiến thức cho học trò sẽ cứ xa dần, xa dần…
Linh Vy