Thứ ba, 23/12/2014, 21h12

Đầu vào thấp, chất lượng dạy tiếng Anh không…cao

SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chọn từ điển phục vụ việc học ngoại ngữ

Kế hoạch đặt ra khi triển khai Đề án ngoại ngữ 2020 sẽ đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ cho khoảng 60% sinh viên (SV) vào năm học 2015-2016 và 100% vào năm 2020. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai chương trình đào tạo tiếng Anh tăng cường phục vụ các đối tượng SV, hiện nhiều trường ĐH vẫn đang đứng trước rất nhiều khó khăn.
Tại hội thảo “Triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường theo lộ trình của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020” do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức ngày 23-12, vấn đề nâng cao chất lượng chương trình dạy tiếng Anh tăng cường tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều đơn vị.
Nếu được, loại tiếng Anh ra… đầu tiên
Việc dạy tiếng Anh cho SV không chuyên ngữ tại nhiều trường ĐH đến nay vẫn chưa thoát khỏi được những khó khăn vốn tồn tại từ rất “lâu đời” như: Trình độ đầu vào SV thấp lại không đồng đều, sĩ số lớp quá đông, SV chủ yếu học để thi chứ không nhằm vận dụng vào giao tiếp trong công việc, cuộc sống… Trong đó, đầu vào thấp là lý do khiến các trường liên tục than phiền bởi nó gây trở ngại cho vấn đề nâng cao chất lượng.
Ngay tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, TS. Huỳnh Công Minh Hùng đơn cử, qua khảo sát, có đến 90% SV của trường đến từ các tỉnh, trong đó rất đông các em thuộc vùng sâu, xa, không được học chương trình Anh văn hoàn chỉnh ở bậc THPT không đủ kiến thức tham gia chương trình học ở bậc ĐH. Trình độ đầu vào của SV không chỉ thấp mà còn không đồng đều, sĩ số lớp thường đông hơn nhiều so với quy định.
TS. Trần Cao Bội Ngọc (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) dẫn chứng thêm, một phần SV chưa thấy tầm quan trọng của việc học tiếng Anh, chủ yếu học để thi mà ít quan tâm đến mục đích sử dụng… TS. Ngọc nhận định, giáo viên vẫn còn là trung tâm cả quá trình giảng dạy và SV vẫn thụ động tiếp nhận thông tin.
Những trường tập trung đông SV dân tộc thiểu số càng khó khăn gấp bội. ThS. Bùi Thị Diệu Quyên (Khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Tây Bắc) thống kê có tới 65% SV của trường là dân tộc thiểu số. Đa số SV các lớp không chuyên có động cơ học tập thấp. Hầu hết cho rằng tiếng Anh là môn học khó và không cần thiết vì ít khi sử dụng đến. Nếu phải bỏ bớt tín chỉ trong kỳ do không đủ điều kiện để học, tiếng Anh là môn đầu tiên SV… loại ra.
Lớp thí điểm tiếng Anh tăng cường là phương án nhà trường từng lựa chọn với mong muốn “cứu vãn” chất lượng đào tạo. Mỗi lớp gồm 30 SV, được “tuyển chọn” qua phần thi đầu vào đạt trình độ tương đương cấp độ A1 (theo khung tham chiếu châu Âu). Theo kế hoạch, SV sau 4 đến 5 tháng học sẽ được trang bị cả 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết. Tuy nhiên, chương trình cũng bị dừng lại giữa chừng do SV liên tục “rơi rụng”.
Tăng cường nhân lực giảng dạy
ThS. Bùi Thị Diệu Quyên đặt vấn đề chế tài quản lý SV rõ ràng khi tham gia lớp tiếng Anh tăng cường để đạt mục đích đào tạo cuối cùng, thay vì để các em học tập theo kiểu “tùy hứng” như thời gian qua. ThS. Quyên còn đề nghị, tăng cường nhân lực để đảm bảo đủ giảng dạy tiếng Anh tăng cường do SV không chuyên ở các trường ĐH-CĐ rất đông. Đây cũng là hướng đề xuất chung của rất nhiều trường ĐH-CĐ tại hội thảo.
Để chương trình đào tạo tiếng Anh tăng cường được triển khai thuận lợi, tăng tính hiệu quả, đại diện nhiều trường kiến nghị Bộ GD-ĐT, Đề án ngoại ngữ 2020 cần ban hành chương trình tiếng Anh tăng cường để các trường triển khai hoặc tham khảo khi xây dựng chương trình đặc thù riêng. Đồng thời, cần hỗ trợ các trường kinh phí, giáo trình tài liệu và giảng viên bản ngữ để tham gia giảng dạy.
TS. Trần Cao Bội Ngọc nhấn mạnh thêm, hướng nâng cao chất lượng cần khuyến khích mạnh mẽ và tạo cơ chế thuận lợi để các trường tuyển dụng người Việt Nam ở nước ngoài lẫn người nước ngoài tham gia giảng dạy tiếng Anh cho SV.
“Phải tổ chức kiểm tra đầu vào của SV hằng năm không chỉ nhằm mục đích xếp lớp mà dùng kết quả này để thực hiện quy chế giảng dạy ngoại ngữ không chuyên. Xây dựng lộ trình dài hơi cho việc kiểm tra, đánh giá…” - TS. Hùng đề xuất.
Bài, ảnh: Mê Tâm