Thứ tư, 1/4/2015, 08h04

Đổi mới kiến thức, chú trọng tay nghề

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cùng các đại biểu tham quan phòng dạy học số Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM
Ngày 31-3, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có buổi làm việc với Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM về tình hình 2 năm thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp theo nghị quyết 29 của Trung ương Đảng.
Không chỉ đổi mới kiến thức mà còn cần chú ý vấn đề kỹ năng, tay nghề là một trong những điều được Bộ trưởng nhắn gửi giảng viên, nhân viên.
Cần điều kiện để thành trường trọng điểm
Tại đây, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng nhà trường - đã báo cáo những kết quả trường đạt được sau hai năm thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo theo nghị quyết 29 đồng thời đề xuất nhiều vấn đề nhằm phát triển trường trong thời gian tới. Cụ thể, trường mong muốn được tạo điều kiện cần thiết để phát triển thành trường sư phạm kỹ thuật trọng điểm quốc gia nhằm tiếp tục giữ vai trò nòng cốt, đầu tàu cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp nước nhà. Trường cũng muốn được tạo điều kiện tham gia các dự án ODA về giáo dục ĐH và dạy nghề; cho phép mở rộng cơ sở đào tạo (các phân hiệu, cơ sở 2…) ra các vùng miền để tăng cường đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho các địa phương, nhất là khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam bộ.
Đồng thời, trường đề xuất được ưu tiên đầu tư về tài chính, nhân lực; được chủ động cao trong đào tạo, nghiên cứu, quản lý tài chính lẫn quan hệ quốc tế. Hiệu trưởng Dũng cho biết Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM dự kiến xây dựng đề án về tự chủ theo lộ trình 5 năm tiến đến tự chủ 100% nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Trong đó, để tiến tới tự chủ tài chính, trường dự kiến đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép sử dụng cơ sở vật chất sẵn có để tăng một phần nguồn thu bù vào nguồn ngân sách cấp hàng năm. Hiện nhiều đơn vị muốn hợp tác sử dụng cơ sở vật chất sẵn có của nhà trường, qua đó giúp trường tăng nguồn thu phục vụ thực hiện thành công đề án tự chủ tài chính. Nhận thấy đây là cơ hội thuận lợi nên nhà trường đề nghị bộ tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất để có thể tự chủ tài chính trong thời gian sớm nhất.
Trường còn đề xuất bộ tạo cơ chế thoáng hơn trong việc mở ngành mới, đặc biệt là các ngành nghề kỹ thuật. Hiện việc này diễn ra với thủ tục phức tạp và tiến độ rất chậm. Một trong các kiến nghị quan trọng khác được TS. Dũng đề cập chính là thay đổi chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm kỹ thuật. Theo TS. Dũng, mặc dù có cam kết phục vụ ngành đối với sinh viên sư phạm nhưng chưa có chế tài nên rất nhiều người sau khi tốt nghiệp không thực hiện điều này gây lãng phí lớn. Trong khi đó, sinh viên sư phạm kỹ thuật tốt nghiệp được cấp đến 2 bằng (sư phạm và kỹ thuật) nên dễ bị hút vào những lĩnh vực việc làm khác với mức lương hấp dẫn hơn.
Đổi mới kiến thức lẫn kỹ năng
Trước khi thảo luận những nội dung kiến nghị của trường, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đánh giá cao những đổi mới của đơn vị trong thay đổi nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học. Trường đã hướng tới nhu cầu thị trường, gắn những thay đổi của chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo với cuộc sống, doanh nghiệp. Bộ trưởng cũng nhìn nhận, chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội rất đúng đắn nhưng đáng tiếc nhiều nơi chưa thực hiện được. Đồng thời, Bộ trưởng đánh giá cao việc trường gắn dạy với học một cách chặt chẽ; gắn dạy và học với nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, hai lĩnh vực hợp tác quốc tế và kiểm định chất lượng cũng được Bộ trưởng hoan nghênh.
Bộ trưởng đề nghị trong đào tạo ĐH, không chỉ đổi mới kiến thức mà còn cần chú ý vấn đề kỹ năng, tay nghề. Thời đại làm việc cá thể đã qua, thay vào đó là làm việc nhóm. Nhóm này không chỉ trong một bộ môn, khoa hay trường mà còn trên cả phạm vi quốc tế. Vì vậy, đội ngũ thầy cô giáo cần chú trọng những kỹ năng này để thu hút sinh viên.
Bộ trưởng khẳng định đào tạo theo nhu cầu xã hội là một chủ trương, con đường mà chúng ta phải kiên trì, làm thật, bền bỉ.
Đối với đề xuất mở thêm phân hiệu của nhà trường, Bộ trưởng cho rằng trong luật đã quy định, trường có quyền mở phân hiệu. Nhưng có hai điều lưu ý là phải làm đúng quy trình, quy định, không được tùy tiện. Phải làm từng bước vững chắc, không được rụt rè cũng không được vội vàng, mạo hiểm. Vấn đề này bộ sẽ có làm việc cụ thể thêm.
Đặc biệt, về tự chủ tài chính, với khối sư phạm Bộ trưởng đề nghị trường phải cẩn trọng. Tự chủ tài chính nhưng phải nâng cao chất lượng sinh viên, không gây ảnh hưởng hay tác động xã hội. Liên quan vấn đề mở ngành, Bộ trưởng cũng cho biết sẽ quy định những điều kiện để hiệu trưởng chủ động và bộ sẽ tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý; có khen thưởng lẫn xử phạt.
Riêng kiến nghị thay đổi chính sách miễn học phí sinh viên sư phạm kỹ thuật, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định đây cũng là vấn đề chung của khối sư phạm. Bộ đã báo cáo Chính phủ và được Chính phủ đồng ý, đồng thời cũng có báo cáo trước Quốc hội đề xuất thay chính sách miễn học phí sư phạm bằng chính sách cho vay. Những sinh viên nào tốt nghiệp có làm việc ở ngành sư phạm sẽ được “xóa nợ”. Trước đề xuất này của bộ, Quốc hội thảo luận cân nhắc nhiều khía cạnh khác nhau và đã không đồng ý.
Bộ trưởng nhìn nhận thêm, chính sách miễn học phí ngành sư phạm cách đây 10 năm rất quý. Lúc bấy giờ, kinh tế đất nước khó khăn, điều kiện nhiều gia đình còn hạn chế nên việc được miễn khoản học phí có ý nghĩa với người học. Hiện nay, kinh tế đất nước thay đổi, điều kiện thu nhập gia đình sinh viên cũng thay đổi, việc miễn học phí như thế này cũng không còn tác dụng như trước nữa.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Dịp này, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng khánh thành phòng dạy học số với sức chứa 42 học viên, trong quá trình thử nghiệm đã từng dạy lớp kỹ sư toàn cầu đến sinh viên 8 trường thuộc TP.HCM. Dự án có kinh phí đầu tư 6 tỷ đồng.