Thứ tư, 7/7/2010, 15h07

Giáo dục có nhiều bước đột phá

Ngày 6-7-2010, kỳ họp thứ 18 khóa VII Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM đã “nóng” lên về vấn đề dân sinh khi chất vấn các Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch - Đầu tư và Giao thông - Vận tải. Trong khi đó, lĩnh vực giáo dục được các đại biểu đánh giá cao vì có những bước đột phá.
Bức bách chuyện quy hoạch
Trong buổi chất vấn, đại biểu (ĐB) Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật NN - Viện KHKT NN miền Nam bức xúc: “Có đến 310 dự án còn treo, trong đó có 140 dự án điều chỉnh quy hoạch, trong đó có dự án kéo dài đến 12, 14 năm vẫn chưa thực hiện và chưa thấy dự án nào thông báo cụ thể thời gian triển khai? Những dự án “treo” này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân”. Còn ĐB Nguyễn Thế Thanh đặt vấn đề: “Một số công trình cao tầng phá vỡ cảnh quan của thành phố. Quá nhiều nhà cao tầng “mọc” lên ở quận 1 và quận 3!”. Nhiều ĐB cũng đồng tình với việc một số con đường trung tâm thành phố xây quá nhiều nhà cao tầng làm không gian bị chật chội và đánh mất nét riêng của thành phố chưa nói đến nhiều công trình cổ có giá trị bị hủy hoại. ĐB Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Việc xây nhà cao tầng ở các quận trung tâm tạo thêm nạn kẹt xe, tắc nghẽn giao thông. Trong khi chúng ta phạt người đi bộ vi phạm giao thông nhưng biết bao con đường lấn chiếm hết lối đi?”. Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM Trần Quang Phượng đồng tình và nói: “Việc xây nhà cao tầng chắc chắn góp phần gây ách tắc giao thông, Sở Giao thông - Vận tải kiên quyết không đồng tình, nhưng sở cũng chỉ là một thành viên!”.
Giáo dục đột phá và phát triển
Đánh giá của Thường trực UBND TP.HCM về ngành GD-ĐT, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài cho biết: “Ngành GD-ĐT đã tích cực thực hiện chủ đề năm học “Năm đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục” do Bộ GD-ĐT phát động và chủ trương “Đổi mới toàn diện nhà trường” cũng thực hiện rất tốt. Cụ thể: TP.HCM là địa phương dẫn đầu trong cả nước về việc hoàn thành công tác phổ cập bậc trung học, được Bộ GD-ĐT công nhận và tặng bằng khen; tổ chức nghiêm túc các kỳ thi tuyển sinh và tốt nghiệp với kết quả tốt nghiệp THPT đạt tỉ lệ 94,6% minh chứng chất lượng đào tạo của ngành GD-ĐT”. Còn theo báo cáo của ĐB Trần Thị Ngọc Anh, Trưởng ban Văn xã HĐND TP.HCM về kết quả của đoàn giám sát HĐND “Từ năm 2006 đến năm 2009, thành phố đã xây dựng thêm 3.489 phòng học mới và khối công trình phụ với tổng kinh phí 2.945,714 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhân dân đóng góp qua học phí, cơ sở vật chất năm học 2008-2009 cho ngành giáo dục là 1.500 tỷ đồng (đã nâng cấp cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang thiết bị cho các trường công lập 386,717 tỷ đồng). Toàn thành phố có 119 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2005-2010, quận 9 đạt cao nhất với 9/15 trường nhờ công tác qui hoạch đảm bảo tính khả thi. Đối với bậc mầm non, chất lượng chăm sóc giáo dục mầm non trong nhiều năm qua được chú trọng và ngày càng nâng cao. UBND thành phố đã giải quyết chế độ phụ trội cho giáo viên mầm non 250.000 đồng/ người/ tháng. Qua khảo sát thực tế, đoàn giám sát ghi nhận tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, vượt khó và tâm huyết của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên bậc tiểu học thành phố trước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ về nội dung và phương pháp giảng dạy như tập thể sư phạm các trường tiểu học: Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), An Phú (H.Củ Chi), Lương Định Của (Q.3), Hồng Hà, Chu Văn An (Q.Bình Thạnh), Thạnh An (H.Cần Giờ)… Qua công tác giám sát và xem xét báo cáo của ngành GD-ĐT thành phố, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Phát huy thế mạnh của mô hình Trường chuyên Lê Hồng Phong, UBND TP tập trung đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại từ nguồn ngân sách và sự ủng hộ của nhân dân cho một số trường THPT, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất ở các trường THPT Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thượng Hiền, Hoàng Hoa Thám, Gia Định, Nguyễn Thị Minh Khai, Trung Phú (huyện Củ Chi)”.
T.T.Q