Thứ năm, 7/8/2014, 22h08

Giáo viên và học sinh được quan tâm nhiều hơn

Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi thực hành tại phòng thí nghiệm. Ảnh: H.Triều
Sáng mai (ngày 9-8), Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2013-2014 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2014-2015. Xung quanh hội nghị này, PV Báo Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn.
PV: Năm học 2013-2014 có chủ đề: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, nghiên cứu, giảng dạy - phát triển năng khiếu và phẩm chất học sinh”. Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển năng khiếu và phẩm chất của học sinh?
Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn: Việc dạy học trong các trường đã được mở rộng theo hướng dạy người thay cho dạy từ chương khoa bảng. Ngoài dạy học chính khóa, các trường đã tăng cường hoạt động ngoại khóa, hoạt động phong trào. Theo đó, học sinh không chỉ học theo chương trình của Bộ GD-ĐT mà còn được cung cấp nhiều kiến thức bổ ích khác. Các em được giáo dục ý thức tuân thủ Luật Giao thông, văn hóa ứng xử trong giao thông. Qua đó hạn chế tối đa các trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông. Đồng thời các trường cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền học sinh tránh xa ma túy, các tệ nạn xã hội. Ngành GD-ĐT tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất như xây dựng nhà thi đấu đa năng, bể bơi trong trường học để học sinh được tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, vừa là để rèn luyện thể chất vừa là để phát triển năng khiếu. Trong năm học 2013-2014 có trên 50% học sinh tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, trên 98% đạt tiêu chuẩn đánh giá xếp loại thể lực.
Ở từng bậc học đã có những hoạt động dạy và học phù hợp với lứa tuổi học sinh, qua đó giúp học sinh bộc lộ năng khiếu. Cụ thể như ở tiểu học, hoạt động Robotics được nhiều học sinh hưởng ứng nhiệt tình. Tại kỳ thi quốc gia, TP.HCM đạt 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba… Đặc biệt, trong kỳ thi quốc tế, TP đã đạt vô địch. Ở phổ thông, học sinh cũng tích cực tham gia phong trào nghiên cứu khoa học. Năm học 2013-2014, có 191 đề tài tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật. Trong đó có 12 đề tài tham dự cấp quốc gia, cả 12 đề tài đều đạt giải. Ngoài ra còn có 2 đề tài dự thi quốc tế, trong đó 1 đề tài đạt giải nhì ở Ukraina và 1 giải tư của Intel ISEF.
Bên cạnh đó, năm học vừa qua, học sinh cũng đã đem về cho TP nhiều vinh dự như các giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Và đặc biệt,  trong kỳ thi ĐH-CĐ năm 2014, TP.HCM có một học sinh học tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền là thủ khoa…
Người thầy có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Vậy đời sống của đội ngũ nhà giáo đã được quan tâm đúng mức chưa, thưa ông?

Vượt qua những khó khăn, mỗi năm TP.HCM xây dựng hàng ngàn phòng học mới để đáp ứng đủ chỗ học cho con em nhân dân. Trong ảnh: Trường TH Trần Quốc Toản (Q.9) vừa được xây mới và đưa vào sử dụng năm 2014.Ảnh: Q.Huy
Ngành GD-ĐT đã thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với nhà giáo. Cụ thể như chế độ phụ cấp ưu đãi, chế độ đối với các nhà giáo ở trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn... Ngoài những chế độ theo quy định của TW, TP.HCM còn có nhiều chế độ đặc thù như trả lương làm thêm giờ cho giáo viên mầm non (bình quân 400.000 đồng/giáo viên/tháng); trợ cấp 700.000 đồng/tháng cho tất cả giáo viên đang công tác tại 36 xã khó khăn, riêng H.Cần Giờ là 950.000 đồng; trợ cấp cho giáo viên dạy hòa nhập từ 200.000 đến 365.000 đồng/tháng; hỗ trợ giáo viên dạy giáo dục công dân, pháp luật và giáo viên kiêm nhiệm công tác phổ biến giáo dục pháp luật từ 300.000 đến 500.000 đồng/tháng (tùy theo cấp học). Đặc biệt, từ năm học 2014-2015, giáo viên mầm non được hưởng thêm 25% phụ cấp, giáo viên dạy nhóm 6-18 tháng hưởng thêm 35%, giáo sinh mới tuyển được hỗ trợ lương 3 năm đầu (trong đó: Năm đầu hỗ trợ 100% mức lương cơ sở, năm thứ hai 75%, năm thứ ba 50%).
Không những vậy, Quỹ Vì người nghèo và hỗ trợ giáo dục vùng khó khăn của Công đoàn ngành đã hỗ trợ 2,1 tỷ đồng để xây dựng nhà công vụ cho giáo viên xã đảo Thạnh An (H.Cần Giờ)...
Giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Thưa ông, trong năm học vừa qua, TP đã đầu tư xây dựng trường lớp, phân bổ ngân sách hoạt động cho ngành GD-ĐT như thế nào?
Trong năm 2013, 2014, UBND TP tiếp tục ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai xây dựng trường học theo quy hoạch của từng quận, huyện. Nhờ vậy, nhiều công trình xây dựng trường học đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Cụ thể, năm 2013, kinh phí chi gần 3.000 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2014 chi trên 1.300 tỷ đồng với số phòng học được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2013 đến nay là 2.876 phòng. Ngoài ra còn có trên 500 phòng chức năng như phòng giáo dục thể chất, phòng nghệ thuật, phòng thí nghiệm, phòng tin học, phòng ngoại ngữ. Song song đó, TP cũng đã hoàn thành các công trình sửa chữa, cải tạo nâng cấp trường học từ nguồn kinh phí chương trình nông thôn mới. Đơn cử như H.Củ Chi có tổng mức đầu tư trên 703.000 triệu đồng - 18 công trình, H.Hóc Môn: Gần 648.000 triệu đồng - 10 công trình. Đặc biệt, năm 2013 và đầu năm 2014, ngành GD-ĐT TP đã tham mưu thực hiện 22 dự án đầu tư xây dựng trường mầm non tại 12 khu chế xuất, khu công nghiệp với tổng quỹ đất gần 46.500m2, đáp ứng 5.500 chỗ học cho con công nhân.
Ngân sách chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển hàng năm đều tăng. Cụ thể, ngân sách chi thường xuyên toàn ngành năm 2011 là 4.423,581 tỷ đồng, năm 2014 tăng lên 7.658,421 tỷ đồng; chi phát triển năm 2011 là 181,25 tỷ đồng, năm 2013 là 315 tỷ đồng. Định mức đầu tư ngân sách/học sinh của năm 2014 so với 2013 tăng từ 102,75% đến 110,26% (tùy cấp học).
Xin cám ơn ông!
Kim Anh (thực hiện)
“Năm học 2013-2014 diễn ra trong bối cảnh TP và cả nước tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế và có nhiều biến động về xã hội, đã ảnh hưởng nhất định đến tiến độ phát triển của xã hội, của từng đơn vị và của toàn ngành. Nhưng với sự chỉ đạo và quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện của Bộ GD-ĐT, lãnh đạo TP, lãnh đạo các quận huyện, ban ngành đoàn thể và sự nỗ lực của cán bộ, giáo viên, nhân viên, ngành GD-ĐT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học”, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn - khẳng định.