Chủ nhật, 19/10/2014, 21h10

Hàng Việt - lựa chọn của mọi người

Học sinh TP.HCM chọn đồ dùng học tập mang thương hiệu Việt tại một nhà sách. Ảnh: Q.Huy
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, Trưởng ban Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đánh giá: Qua 5 năm thực hiện cuộc vận động đã có tác động tích cực, lan tỏa trong xã hội, nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến về hành động, thói quen mua sắm hàng Việt của đa số người tiêu dùng.
Chất lượng, mẫu mã hàng hóa sản xuất trong nước ngày càng được nâng cao, giá cả phù hợp; thị hiếu của người tiêu dùng bước đầu đã thay đổi theo hướng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam có chất lượng; hàng hóa sản xuất trong nước được bày bán tại siêu thị và các chợ truyền thống ngày càng tăng cao.
Hàng Việt - niềm tự hào của người Việt
Nếu so sánh với một số hàng hóa được sản xuất tại các nước ASEAN thì hàng nội không hề thua kém, thậm chí nhiều mặt hàng chất lượng còn vượt trội hơn. Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm tiêu dùng hàng nội luôn lấn át được hàng ngoại với các tên tuổi như: Miti, Kinh Đô, Vissan, Vinamilk, Vĩnh Tiến, Thiên Long, Viettien, Nhà Bè… Hưởng ứng cuộc vận động, các trường học trên địa bàn TP đã tham gia tích cực với nhiều hoạt động cụ thể. Điều này được thực hiện qua việc mua sắm các trang thiết bị phục vụ dạy và học của tất cả các trường từ bậc mầm non tới TCCN, CĐ. Đơn cử trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm TP.HCM đưa vào sử dụng gần 1.500 phòng học thì các trang thiết bị như văn phòng phẩm, cặp, tập, đồng phục, bút, các hóa chất phục vụ cho các phòng thí nghiệm… đều trang bị gần như 100% đồ dùng là hàng Việt.
Theo bà Phạm Thị Hóa - Trưởng phòng Kinh doanh nội địa Công ty Phát hành sách Fahasa, mỗi năm để chuẩn bị cho năm học mới, các cửa hàng, nhà sách thuộc hệ thống Fahasa tại TP đều chuẩn bị sẵn nguồn hàng với trên 5 triệu cuốn tập phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Còn ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty Túi sách Miti (Minh Tiến) cho biết: “Mùa tựu trường năm nào cũng vậy, công ty cho ra thị trường trên 30 mẫu mã, chủng loại về ba lô, cặp HS. Sản phẩm luôn đa dạng về màu sắc, đặc biệt chất liệu để may cặp được sử dụng bằng vải bọc chống trầy xước ở các hộp ngăn cặp để ngăn ngừa việc bong tróc, xước khi HS chơi đùa, va đập vào nhau. Ngoài ra, nhiều sản phẩm còn được thiết kế có quai đeo trợ lực nhằm giúp cho các em HSSV khi đeo nặng sẽ có cảm giác êm ái, nhẹ nhàng”. Chính vì hiểu được cái gì cần cho người tiêu dùng, phụ huynh HSSV nên các công ty luôn cải tiến về mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc, nhất là giá thành luôn thấp hơn từ 20-30% so với sản phẩm cùng chủng loại của nước ngoài, điều này đã giúp cho sản phẩm hàng Việt luôn là lựa chọn đầu tiên của người dân TP.
Hơn 73% dân TP ưu tiên dùng hàng Việt

Ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tặng bằng khen cho các đơn vị, cá nhân xuất sắc trong việc thực hiện Cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Ảnh: Q.Huy
Theo kết quả khảo sát trong năm 2014, có 96% người dân TP quan tâm và rất quan tâm tới cuộc vận động, 73,43% người dân khẳng định luôn ưu tiên mua sắm hàng Việt, 62,80% cho biết đã khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen nên mua hàng Việt. Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP cho biết: 5 năm qua, công tác thông tin, tuyên truyền, vận động được thực hiện thường xuyên, liên tục, hình thức tuyên truyền được đẩy mạnh, với nhiều hình thức truyền thông, đã triển khai từ TP đến cơ sở, lan tỏa vào từng khu dân cư, trường học, chợ truyền thống, các cơ quan, doanh nghiệp... Tuy nhiên, cũng còn một vài tồn tại, hạn chế khi một số cấp ủy, chính quyền, nhất là các cấp cơ sở chưa quan tâm đúng mức, nhận thức chưa đầy đủ về mục đích, yêu cầu của cuộc vận động nên trong lãnh đạo, chỉ đạo còn chưa tập trung, liên tục. Công tác quản lý thị trường, quản lý giá cả tuy có nỗ lực, cố gắng nhưng vẫn còn hạn chế. Một lượng không nhỏ hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm vẫn lưu thông bất hợp pháp trên thị trường làm giảm uy tín hàng Việt Nam có chất lượng, gây khó khăn, trở ngại cho việc đầu tư và sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.
Ông Lê Thanh Hải - Bí thư Thành ủy TP.HCM - nhấn mạnh: “TP đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng và những kinh nghiệm tốt trong thực hiện cuộc vận động. Chúng ta rất trân trọng những kết quả đạt được nhưng không được chủ quan, tự bằng lòng… Thời gian tới, TP phải tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, bằng chất lượng hàng hóa, dịch vụ tăng lên, mẫu mã phong phú, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu đa dạng, ngày càng cao của thị trường mà thuyết phục người tiêu dùng trong thực tế… Thực hiện các giải pháp, chính sách phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phân phối, nhất là hệ thống bán lẻ đến thị trường nông thôn, đến các khu lưu trú công nhân cạnh các khu công nghiệp - khu chế xuất…”. 
Đánh giá cao và biểu dương những kết quả đạt được của TP trong cuộc vận động, ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam nhấn mạnh đến những yếu tố nổi bật trong cuộc vận động của TP.HCM là luôn chỉ đạo kịp thời chặt chẽ và sáng tạo, tuyên truyền mạnh mẽ, có sức sống, nhiều sáng tạo trên các phương tiện truyền thông. Tạo được chuyển biến mang lại kết quả cụ thể giúp kiểm soát được thị trường, bình ổn giá cả. “TP.HCM phải là tấm gương cho cả nước, phải đi trước và về trước trong việc thực hiện cuộc vận động này, đồng thời yêu cầu TP cần gắn kết chặt chẽ việc thực hiện cuộc vận động với việc thực hiện Đề án 634 của Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động giai đoạn 2014-2020”, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam đề nghị.
Q.Huy  - X.Đặng
Đến nay, nhóm hàng hóa sản xuất trong nước được người tiêu dùng trên địa bàn TP ưa chuộng so với trước đây đã tăng cao, cụ thể: Đồ chơi, dụng cụ học tập dành cho trẻ em (43,40%); văn phòng phẩm (51,64%); hàng nông sản, rau quả (76,46%); sản phẩm dệt may (74,58%); thực phẩm (74,08%); sản phẩm da giày (64,35%); đồ gia dụng (58,29%); sữa uống (47,17%); rượu, bia, nước giải khát (42,30%). Ngoài ra, kết quả khảo sát tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và một số chợ truyền thống cho thấy tỷ lệ hàng Việt bày bán tại những cơ sở bán lẻ đạt bình quân gần 90%.