Thứ tư, 4/3/2015, 07h03

Không nên thi quá nhiều môn

Chọn quá nhiều môn sẽ khiến TS vất vả ôn luyện, có khi kết quả lại không cao

Đại diện các trường cho rằng, 5 môn là vừa sức đối với thí sinh (TS) để việc ôn luyện và thi cử đạt hiệu quả.
Việc đăng ký thi quá nhiều môn tuy có giúp TS thêm cơ hội xét tuyển nhưng lại dễ khiến các em “ôn không xuể”. Và có khi vì chạy theo số lượng môn thi, chưa kịp ôn luyện kỹ càng, TS thậm chí không đậu được trường nào.
5 môn là vừa
Quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ mới được Bộ GD-ĐT ban hành cho phép TS được lựa chọn số lượng môn thi phù hợp khả năng, nguyện vọng, bên cạnh các môn bắt buộc. TS lựa chọn nhiều môn, số tổ hợp tăng lên và cơ hội xét tuyển cũng mở rộng thêm. Vì lý do đó, không ít TS dự định sẽ chọn nhiều môn để tăng độ… an toàn, phòng trường hợp không được tổ hợp này cũng còn tổ hợp khác.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, việc các em lựa chọn số lượng môn quá nhiều chưa hẳn đã là “giải pháp an toàn” vì sẽ khó đầu tư chất lượng, dẫn đến kết quả không cao. ThS. Trần Kim Phước - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định - phân tích, TS còn phải cạnh tranh điểm số để giành suất vào ĐH-CĐ nên kết quả thi hết sức quan trọng. Chọn quá nhiều môn, đầu tư dàn trải sẽ dẫn đến kết quả thi các môn “thấp đều”, có khi TS không đậu được trường nào. Theo ThS. Phước, để đảm bảo đầu tư ôn luyện tốt, TS chỉ cần chọn tối đa 5 môn. Khi đó, các em sẽ có điều kiện phân bổ thời gian, sức lực để tập trung cho bài vở.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Cường (Chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT) cũng khuyến khích TS chọn không quá 5 môn. Theo ông Cường, ngoài những khối thi truyền thống, năm nay các trường còn bổ sung thêm các tổ hợp khác. Nhưng các tổ hợp mới chủ yếu cũng chỉ xoay quanh các môn thi như cũ. Do vậy, các em không nên nôn nóng, chạy theo số lượng mà gây khó tập trung ôn luyện, chưa kể là không đủ thời gian. Theo quy định, các trường dành 75% chỉ tiêu xét tuyển cho các khối thi truyền thống.
Chất lượng mới quan trọng
Ông Nguyễn Quốc Cường lưu ý, học sinh nào có nguyện vọng chọn những ngành thiên về lĩnh vực khoa học tự nhiên có thể đăng ký thêm môn hóa. Những em chọn ngành thiên về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đăng ký thêm môn hóa, sinh và thiên về khoa học xã hội đăng ký thêm môn sử, địa…
Đây cũng là điều ThS. Mai Đức Toàn - Phó trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường CĐ Bách Việt - nhấn mạnh: “Dù có rất nhiều tổ hợp môn cũ lẫn mới nhưng quan trọng TS cần căn cứ vào thực lực, sở trường để đăng ký lựa chọn. Nếu các em vì muốn có nhiều tổ hợp để xét tuyển mà đăng ký thi cả những môn mình không thực sự vững kiến thức thì khó đạt được kết quả như ý. Trong khi đó, chọn đúng môn học sở trường, phù hợp nguyện vọng xét tuyển và đầu tư ôn luyện tốt lại giúp TS nắm chắc cơ hội hơn”.
“TS có thể chọn cả 8 môn, tuy nhiên, việc ôn luyện sẽ rất vất vả và áp lực. Đối với cuộc đua vào ĐH, hiệu quả thi cần được đặt lên hàng đầu” - ThS. Toàn nói.
“Trong quá trình xét tuyển, TS cần theo dõi thường xuyên thông tin, dữ liệu cập nhật của các trường để cân nhắc. Nếu xét thấy không đủ điều kiện trúng tuyển, các em có thể rút hồ sơ đăng ký vào chỗ khác phù hợp với mức điểm của mình hơn” - ông Nguyễn Quốc Cường hướng dẫn. Cũng theo ông Cường, có một số trường và nhiều ngành tuyển đủ chỉ tiêu ngay ở nguyện vọng đầu tiên, TS cần theo dõi kỹ các thông tin và cân nhắc khi đăng ký để nắm chắc cơ hội.
Thực tế các năm, các trường dành phần lớn chỉ tiêu xét tuyển ở nguyện vọng 1. Dù ngoài nguyện vọng 1, các em còn có đến 3 cơ hội xét tuyển bổ sung với nhiều nguyện vọng nhỏ trong đó, nhưng vì điều kiện xét tuyển như trên, các em cần biết lượng sức.
Bài, ảnh: Mê Tâm