Thứ ba, 17/3/2015, 21h03

Kỷ niệm 40 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước: Điển hình của sự sáng tạo và đột phá

Sau giải phóng, Nam TP.HCM là vùng đầm lầy hoang hóa, còn hôm nay nơi này là khu đô thị mới hiện đại ngang tầm khu vực. Ảnh: L.Huy
Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/ 30-4-2015), ngày 17-3, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM đã long trọng tổ chức Hội thảo khoa học: “TP.HCM - 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập”.
“Hội thảo nhằm đánh giá đúng mức những thành tựu đạt được, những khó khăn, hạn chế, yếu kém để khắc phục, rút ra những kinh nghiệm và tầm nhìn cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và hội nhập trong thời kỳ mới”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP.HCM - khẳng định.
“Chạy ăn từng bữa” cho 3,5 triệu con người
Ngày 30-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc với đại thắng mùa xuân 1975, là cột mốc chấm dứt vĩnh viễn sự thống trị của chủ nghĩa thực dân đối với TP Sài Gòn - Gia Định (tháng 7-1976 đổi tên là TP.HCM). Những năm đầu sau giải phóng, TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. “Trong đó phải kể đến “bức tường” tư tưởng, tâm lý của chế độ cũ, cùng với hàng chục vạn binh lính, sĩ quan ngụy quân Sài Gòn rã ngũ tại chỗ; các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước ráo riết thực hiện âm mưu phá hoại thành quả cách mạng nước ta. Tiếp đó, giai đoạn 1978-1981, TP.HCM cũng như cả nước lâm vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế - xã hội, giá cả thị trường liên tục tăng (năm 1978 tăng 15,3%, năm 1979 tăng 30,9%, năm 1981 tăng 42%). Thời điểm này thiên tai hết sức khắc nghiệt, tàn phá vựa lúa ĐBSCL. Khó khăn lại chồng chất khó khăn khi chiến tranh biên giới Tây Nam (1978-1979) nổ ra”, PGS.TS Vũ Văn Phúc - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản - cho biết.
“Quá khứ đã để lại cho TP rất nhiều hạn chế. Đó là sự phức tạp về tình hình an ninh chính trị, tệ nạn xã hội, thất nghiệp, kinh tế yếu kém què quặt - hơn 700ha đất bị hoang hóa... Lãnh đạo TP phải “chạy ăn từng bữa” cho khoảng 3,5 triệu dân”, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải (từng làm lãnh đạo TP.HCM trong thời gian 14 năm sau ngày giải phóng - PV) nhấn mạnh.
Trước những thách thức như vậy, TP.HCM đã xác định nhiệm vụ trọng tâm, then chốt lúc này chính là ổn định tình hình chính trị, xã hội để cùng cả nước triển khai thực hiện chiến lược mới nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Theo đó, lãnh đạo TP đã trực tiếp xuống cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, người lao động. Đặc biệt, Đảng bộ và chính quyền TP dựa vào dân để đập tan các phe, nhóm phản động và các âm mưu của chúng, giữ vững trật tự trị an, bảo vệ thành quả cách mạng; nêu cao sự tin tưởng và phát huy quyền làm chủ, sức mạnh trí tuệ, nguồn lực của nhân dân, vì lợi ích nhân dân, lợi ích dân tộc; phát huy tinh thần năng động sáng tạo, trí tuệ của đội ngũ trí thức để tìm mọi giải pháp tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, dịch vụ, chăm lo cải thiện đời sống của nhân dân.
“TP đã có nhiều đột phá trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Những năm đầu thập niên 80, TP đã xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Qua đó, sản xuất ra nhiều hàng hóa, kinh doanh phát triển, liên kết giữa các thành phần kinh tế, các khu vực kinh tế... Đặc biệt khai thác tối đa sức mạnh của nhân dân, từng bước vượt qua khó khăn do chiến tranh để lại. Qua 40 năm sau ngày giải phóng, tôi nhận thấy TP đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, TP ngày càng đàng hoàng và to đẹp hơn”, ông Khải - khẳng định.
Ngày càng khẳng định vai trò là đô thị đặc biệt

Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải thăm hỏi trao đổi cùng các đại biểu bên lề hội thảo
“Sau 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã chuyển đổi thành công từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đồng thời hình thành được hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được triển khai sâu rộng và hiệu quả. Dân chủ trong xã hội tiếp tục được mở rộng. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Trong dòng chảy lịch sử của đất nước, TP.HCM giữ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng. Chặng đường 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập của TP mang tên Bác đã khơi dậy và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước”. Với truyền thống năng động sáng tạo, bám sát thực tiễn, gắn bó máu thịt với nhân dân, vì nhân dân, dựa vào nhân dân; với bản lĩnh, trí tuệ và nhạy bén nắm bắt cơ hội, đẩy lùi khó khăn, vượt qua thách thức, TP.HCM đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; ngày càng khẳng định vai trò là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, GD-ĐT, khoa học - công nghệ của cả nước...”, GS.TS Vương Đình Huệ - Trưởng ban Kinh tế TW - khẳng định.
Theo Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân: “Chỉ chiếm 0,6% về diện tích tự nhiên và 8,8% dân số cả nước, nhưng đến năm 2014 TP đóng góp 21,7% GDP cả nước; 30,3% tổng thu ngân sách Nhà nước; mức thu nhập bình quân của người dân TP năm 2014 đạt 5.131 USD, hơn 2,5 lần so với bình quân đầu người của cả nước. TP cũng đạt nhiều kết quả tích cực trong việc kiềm chế, kiểm soát lạm phát, bình ổn thị trường, tạo sự yên tâm đối với người tiêu dùng. Chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn TP luôn thấp hơn chỉ số giá bình quân của cả nước. Hạ tầng đô thị trong những năm qua phát triển nhanh chóng, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông với nhiều tuyến đường giao thông quan trọng được xây dựng và đưa vào khai thác tạo bước đột phá trong phát triển đô thị. Điểm nổi bật và thành công của TP trong 40 năm sau ngày giải phóng là đi đầu cả nước về xóa đói giảm nghèo, chăm lo tốt cho gia đình chính sách...”.
Để có được những kết quả này, là bởi Đảng bộ và chính quyền TP “luôn bám sát thực tiễn, không ngừng đổi mới tư duy, thí điểm cách làm mới; giữ vững chính trị - xã hội trong mọi tình huống; chủ động hội nhập quốc tế. Nhưng trên hết là Đảng bộ, chính quyền TP tích cực chăm lo cho nhân dân, lắng nghe dân, tin dân, học dân, dựa vào dân và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc nên được nhân dân ủng hộ”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải  khẳng định.
Và theo ông Hải, Đảng bộ và nhân dân TP.HCM sẽ tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn để phát triển nhanh, bền vững, xây dựng TP văn minh - hiện đại - nghĩa tình, xứng đáng là TP mang tên Bác Hồ kính yêu, TP anh hùng.
Bài, ảnh: Hòa Triều