Thứ ba, 24/3/2015, 22h03

Kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước: GD-ĐT ở nông thôn mới

Lắp đặt pin năng lượng mặt trời tại Trường THCS Tân Nhựt, Bình Chánh
Điều rất quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là làm chuyển biến nhận thức của người dân, xem việc XDNTM là của chính mình, làm cho mình và mình thụ hưởng nên tự nguyện huy động nguồn lực lớn cho sự nghiệp này. Muốn chuyển biến được nhận thức của người dân, GD-ĐT đóng vai trò cốt yếu của việc này và trường học trong những năm qua đã “đồng hành” cùng chương trình…
Thực hiện tốt các nội dung của tiêu chí về GD, Sở GD-ĐT đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo cho CBQL các bậc phổ thông, MN, trung tâm dạy nghề (TTDN), trường TC, CĐ và phụ huynh HS trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp phối hợp hiệu quả để tháo gỡ những khó khăn còn tồn tại nhằm nâng cao chất lượng GD-ĐT. Đào tạo nghề cho người lao động tại các xã XDNTM một cách bền vững, nghiên cứu đưa ra các giải pháp để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ xóa mù chữ cho người lao động trên 35 tuổi, giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn sau khi biết chữ.
Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Ngay khi thực hiện đề án, ngành GD-ĐT TP đã triển khai nhiều phương án cụ thể tới từng trường học, trong đó nổi bật nhất là việc CBQL-GV-NV của từng trường phải hiểu rõ mục đích của việc XDNTM. Bản thân mỗi thầy cô phải có trách nhiệm “cộng hưởng” tới từng em học sinh, tới phụ huynh và những thành viên trong gia đình mình. Thầy Nguyễn Thế Nhân - nguyên Hiệu trưởng Trường TH Thái Mỹ (Củ Chi) - tâm sự: Việc các trường được đầu tư mạnh về CSVC, xây mới… là điều kiện “cần” cho HS rèn luyện và học tập nhưng để “đủ” nhằm hoàn chỉnh nhân cách, tri thức cho HS thì tất cả những ai tiếp xúc với trẻ đều phải là nhà GD, đặc biệt cha mẹ là những nhà GD đầu tiên của trẻ… Mà đã là nhà GD thì phải luôn là “tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”. Do đó, để GD một đứa trẻ có hiệu quả thì cần phải kết hợp chặt chẽ giữa GD nhà trường, gia đình và xã hội, trong đó, GD nhà trường đóng vai trò nòng cốt. Ông Huỳnh Công Triết, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (Củ Chi) khẳng định: Công tác xóa mù chữ, giảm lưu ban, bỏ học cho HS bậc THCS rất quan trọng. Nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không theo kịp nội dung chương trình giảng dạy sinh ra chán, bỏ học. Giúp các em tiếp tục theo học bổ túc văn hóa hoặc học nghề là nhiệm vụ trọng tâm tại các xã NTM! Đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm một cách căn cơ cho thanh niên ở các xã NTM là điều cấp thiết. Ông Lê Thái Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường TC Kỹ thuật - Nghiệp vụ Nam Sài Gòn nhớ lại: “Trong quá trình thực hiện, Trường Nam Sài Gòn đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, kết hợp chặt chẽ với UBND huyện Cần Giờ, UBND các xã Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, Bình Khánh tổng rà soát và lên danh sách số lượng, lực lượng lao động trong độ tuổi, lực lượng lao động nhập cư để từ đó có kế hoạch đào tạo nghề cho phù hợp. Qua đó, nhà trường đã tư vấn, hướng nghiệp chọn nghề cho người dân lao động Cần Giờ đồng nghĩa với việc định hướng cuộc sống tương lai của họ. Vì vậy, để làm tốt chương trình này, nhà trường đã chỉ đạo cho chi nhánh giải quyết việc làm của nhà trường quan hệ tốt và thiết lập mối quan hệ với các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Hiệp Phước và các doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận để giải quyết việc làm cho người dân sau khi được đào tạo nghề”.
Hiến đất xây trường, mở lớp

Học sinh xã nông thôn mới huyện Cần Giờ vui mừng trong ngày đón trường mới. Box: Ông Lê Phước Hồng - Chủ tịch UBND xã Lý Nhơn - chia sẻ: “Trước khi được chọn xây dựng thí điểm xã NTM, Lý Nhơn là một xã vùng xa - vùng sâu của TP, cơ sở hạ tầng giao thông, trường lớp chưa được đầu tư. Khi thực hiện chương trình, bằng hành động cụ thể và thiết thực, các đoàn thể xã và cán bộ, đảng viên nêu cao tính tiên phong, gương mẫu trong việc hiến đất, giao đất, bàn giao mặt bằng trước và nhận kinh phí bồi thường sau để xây dựng cơ sở hạ tầng. Ban quản lý xã đã vận động trên 1.000 lượt hộ dân hiến trên 240.000m2). Qua đó, đem lại cơ hội to lớn cho địa phương thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững, những ngôi trường mới khang trang, hiện đại được xây dựng tạo điều kiện cho con em địa phương có được những ngôi trường đạt chuẩn quốc gia, góp phần nâng cao dân trí”.
“Là người dân xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) anh hùng, tôi rất tự hào và cũng mong muốn đóng góp những gì có thể để góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn xã nhà, nhất là xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, trường học. Nhằm tạo cảnh quan môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, thuận tiện việc kinh doanh mua bán và đặc biệt tạo thuận lợi cho các em học sinh tới trường”. Với suy nghĩ đó, bác Phạm Văn Cáo (ngụ số 28/5, ấp 1 xã Xuân Thới Thượng) đã hiến trên 500m2 đất cho xã làm đường giao thông và xây trường. “Trước khi XDNTM, trường học trên địa bàn xã đa số là nhà cấp 4, xuống cấp, con em nhân dân xã khi vô trường học, phụ huynh rất lo lắng vì không đảm bảo sức khỏe; trang thiết bị thì cũ kỹ… dẫn đến chất lượng GD không đồng đều. Tôi cùng những hộ gia đình khác như: Hộ bà Bùi Thị Tám (số 83/5, ấp 2); hộ bà Lê Thị Giàu (số 133/6, tổ 20, ấp 5); hộ ông Phạm Văn Cạch (118/3, ấp 5)… đều có cùng nguyện vọng hiến đất cho xã làm giao thông, xây trường mở lớp. Đến bây giờ thì chúng tôi mừng lắm, trường học trên địa bàn xã từ bậc MN-TH-THCS đều được xây mới, đạt chuẩn quốc gia về CSVC, con cháu mình đều được học trong những ngôi trường được đầu tư trang thiết bị hiện đại, đầy đủ ai cũng mừng và yên tâm”, bác Phạm Văn Cáo phấn khởi tâm sự. Cùng niềm vui, hai bác Nguyễn Thành Chánh và Phạm Văn Rành (xã Nhơn Đức, Nhà Bè) đã hiến hàng ngàn mét vuông đất để xã làm trạm y tế và trường học. Bác Chánh thổ lộ: “Lúc được mời tham dự, tập huấn, nghe kế hoạch phổ biến xã nhà được TP lựa chọn thí điểm XDNTM, chúng tôi cũng còn “mông lung” lắm. Nhưng khi mắt thấy, tay cầm và được giám sát, chúng tôi hiểu được mục đích, ý nghĩa to lớn của việc XDNTM. Vậy là bản thân về động viên, thuyết phục các thành viên trong gia đình cùng đồng thuận để hiến đất cho xã”. Bác Tạ Văn Mười Hai (B9/718, ấp 2, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh) cũng là một trong những nông dân điển hình trong phong trào hiến đất xây trường ở các xã NTM. Nhớ lại, bác Hai bộc bạch: “Trường lớp tại xã Tân Nhựt tạm bợ, con cháu đi học quá vất vả khi có chủ trương tôi không ngần ngại hiến đất cho xã xây trường. Nếu tính về giá thị trường, cũng làm gia đình thiệt hại số tiền không nhỏ nhưng bây giờ nhìn ngôi trường THCS Tân Nhựt khang trang, đẹp như tranh vẽ, nhất là hệ thống phòng học thoáng, rộng, được lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, giúp phòng học đảm bảo đạt chuẩn về ánh sáng, học sinh giảm bệnh cận thị… Việc hiến đất của tôi và các hộ gia đình khác thật sự có ý nghĩa!”. Cùng suy nghĩ, ông Nguyễn Văn Hạnh (27/5, ấp 2, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ) cho biết: “Lý Nhơn là xã có diện tích mặt nước để canh tác, nuôi trồng thủy sản lớn, thu nhập hàng năm cũng giúp gia đình ổn định cuộc sống, con cái học hành đàng hoàng. Tuy nhiên, nếu mình chỉ biết lợi cho bản thân, bỏ mặc xã “kêu gọi” thì chúng tôi áy náy không yên. Nhiều đêm suy nghĩ và trăn trở nhưng khi “đầu đã thông”, tôi không nề hà sẵn sàng hiến đất cho xã làm đường, xây trường. Rất mừng, sau đó những ngôi trường mới được mọc nên khang trang - xinh đẹp, đường giao thông được mở rộng, trải nhựa phẳng lỳ, nhân dân ai cũng vui mừng”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy