Thứ ba, 12/8/2014, 21h08

Làng ĐH Đà Nẵng: Lối mở cho dự án treo 17 năm

Đất nằm trong dự án treo, do không được xây dựng kiên cố nên người dân tận dụng xây dựng những dãy nhà lụp xụp cho sinh viên thuê
Xung quanh việc quy hoạch treo của Dự án làng Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN), ngày 9-8, đại diện Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và ĐHĐN. Theo đó, các bên đã đi đến thống nhất: Giữ nguyên quy hoạch; tìm nguồn vốn triển khai xây dựng…
17 năm triển khai chưa xong
Làng ĐHĐN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định (QĐ) số 1057, ngày 9-12-1997 với tổng diện tích đất sử dụng là 300ha. Trong đó, Đà Nẵng có 110ha, Quảng Nam có 190ha. Theo tính toán, sẽ đào tạo đến năm 2010 là 30.000  SV hệ chính quy. Qua 17 năm với nhiều QĐ phê duyệt, QĐ phê duyệt điều chỉnh dự án, gia hạn thời gian thực hiện…, và qua 2 giai đoạn triển khai, đến nay, dự án mới thực hiện được 25,4ha/ 286,5ha đất trong tổng quy hoạch (diện tích đất ở Đà Nẵng được điều chỉ còn 96,5ha/110ha so với QĐ ban đầu). Hiện tại, ngoài Trường CĐ Công nghệ thông tin Việt - Hàn được UBND thành phố Đà Nẵng đưa vào xây dựng tại làng, phía ĐHĐN mới chỉ xây dựng được Trường CĐ Công nghệ thông tin, Khoa Y - Dược và khu KTX dành cho SV.
Tất cả các phần đã được tiến hành xây dựng đều là đất nằm trong quy hoạch của quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Số còn lại 190ha thuộc tỉnh Quảng Nam, trong giai đoạn năm 2003-2005, do chưa được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, ĐHĐN đã sử dụng kinh phí tự bổ sung để tiến hành xây dựng một khu tái định cư với diện tích 1,02ha trên đất Quảng Nam. Kinh phí đầu tư là 1,66 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 2 hộ dân được bố trí ở dưới dạng định cư tại chỗ, còn lại hơn 100 hộ dân có nhà và đất trên đường bao đã được thực hiện xong việc kiểm kê, áp giá đền bù nhưng không có kinh phí để chi trả. PGS.TS Trần Văn Nam (Giám đốc ĐHĐN) thừa nhận: “Công tác thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng trên phần diện tích 190ha đất thuộc tỉnh Quảng Nam đến nay vẫn chưa được triển khai. Điều này đã ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, gây khó khăn trong kế hoạch xây dựng của địa phương, ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 2.000 hộ dân đang cư trú trong khu vực dự án, nảy sinh tình trạng xây dựng nhà trái phép và nhiều vấn đề liên quan khác…”. Không phải đến bây giờ, vấn đề về quy hoạch này mới “nóng” lên mà đã từ rất lâu, tại các kỳ họp HĐND, tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, bà con nhân dân sống trong vùng quy hoạch đã rất bức xúc về chuyện “đi thì dở, ở cũng không xong” vì dính trong quy hoạch dự án.
Giữ “làng” nhưng cần đẩy nhanh tiến độ

Dãy nhà của Khoa Y dược (ĐH Đà Nẵng) - một trong 2 công trình xây dựng tại làng ĐH Đà Nẵng sau 17 năm dự án ra đời 

Ai cũng biết rằng, việc đầu tư quỹ đất cho giáo dục là đầu tư lâu dài cho tương lai. Không thể một sớm một chiều có thể làm nên hệ thống làng ĐH đầy đủ tiện nghi hoặc đòi lại quỹ đất để sử dụng vào mục đích khác. Giáo dục bao giờ cũng là ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển bền vững của xã hội. Quan điểm này cũng là quan điểm của ĐHĐN - đơn vị thụ hưởng trong dự án. PGS.TS Trần Văn Nam cho rằng, quỹ đất còn lại của làng ĐHĐN hiện tại là 261ha. Chừng ấy chỉ đủ để xây dựng Trường ĐH Bách khoa và ĐH Kinh tế. Bên cạnh đó, việc di chuyển các cơ sở hiện tại của các trường trên đến làng ĐHĐN cần có nguồn vốn đầu tư, cũng không dễ thực hiện. “Cần thiết phải điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp với diện tích đất còn lại và thực tế hiện nay cũng như định hướng phát triển trong tương lai của ĐHĐN”, PGS.TS Trần Văn Nam bày tỏ quan điểm. Ông Nam cũng cho biết thêm, ĐHĐN sẽ tiếp tục đầu tư phát triển, mở rộng, nếu điều kiện cho phép; điều chỉnh quy hoạch làng ĐHĐN để xây dựng Trường ĐH Việt - Anh, Trường ĐH Y dược, Bệnh viện ĐH Y - Dược, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông, Viện Công nghệ cao, Trung tâm Giáo dục quốc phòng, khu ký túc xá SV và một số khu phụ trợ khác… Thế nhưng để thực hiện trọn vẹn được dự án này, đòi hỏi phải có 300 triệu USD để đầu tư vào. Như vậy, cần phải có cơ chế để huy động nhiều nguồn vốn khác nhau, như kêu gọi nguồn vốn đầu tư của các tổ chức và các trường ĐH nước ngoài, nguồn xã hội hóa để hỗ trợ cùng với nguồn vốn Nhà nước.
Đồng tình với quan điểm giữ nguyên quy hoạch để đầu tư lâu dài cho giáo dục, ông Huỳnh Đức Thơ (Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng) cho biết, phía Đà Nẵng, trong số gần 100ha nằm trong quy hoạch, Đà Nẵng sẽ cố gắng giải quyết để ưu tiên thực hiện. Trước mắt là cần tập trung vốn để giải tỏa đền bù ổn định cuộc sống cho nhân dân. Sau đó khi đã có mặt bằng đất ổn định rồi thì sẽ tiếp tục tiến hành đầu tư xây dựng, hoàn thành các hạng mục kết cấu của làng ĐHĐN. Tuy nhiên theo ông Thơ, sự đầu tư xây dựng này cần có các bước đi chặt chẽ, nhanh, hợp lý.
Phía tỉnh Quảng Nam, ông Đinh Văn Thu (Phó chủ tịch UBND tỉnh) cũng bày tỏ quan điểm: Sẽ cùng Đà Nẵng kiên trì mục tiêu xây dựng làng ĐHĐN. Nên giữ nguyên quy hoạch quỹ đất như phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng cũng cần tiến hành công tác giải phóng mặt bằng, để kêu gọi đầu tư. Ông Thu kiến nghị, dù với phương án nào thì cần sớm có kết luận, để đảm bảo sớm ổn định đời sống cho nhân dân trong vùng quy hoạch.
Về vấn đề này, ông Trần Duy Tạo (Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em, Bộ GD-ĐT) cũng nêu lên ví dụ minh chứng, hiện nay ở Hà Nội, nhất là khu vực trung tâm, không có đất để xây dựng trường học. Nếu Đà Nẵng không làm tốt bài toán quỹ đất dành cho giáo dục thì trong tương lai cũng sẽ lặp lại tình trạng như Hà Nội. Ông Tạo thống nhất quan điểm giữ nguyên quy hoạch.
Về phía Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cho rằng, việc chậm giải phóng mặt bằng làng ĐHĐN cũng đã gây bức xúc trong dân chúng. Lãnh đạo các bên liên quan vùng quy hoạch theo đó phải chịu nhiều áp lực. “Sau buổi làm việc về vấn đề này, bộ sẽ sớm có báo cáo để trình Thủ tướng”, ông Hùng nói.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên