Thứ bảy, 17/1/2015, 22h01

Liên tỉnh cùng ra quân phòng chống tội phạm

Nhân dân ấp Tây Lân, xã Bà Điểm (H.Hóc Môn, TP.HCM) diễn tập bắt trộm cướp, tội phạm. Ảnh: I.T
Ngày 17-1, tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị liên tỉnh về công tác phòng chống tội phạm giữa TP.HCM và các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Thuận. Tại đây, lãnh đạo công an các tỉnh đều khẳng định, tình hình an ninh trật tự tại các địa bàn giáp ranh vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể phát sinh phức tạp.
Vùng giáp ranh - nơi tụ tập của dân “anh chị”
Thiếu tá Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TP.HCM - cho biết: “Tại các địa bàn giáp ranh với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh và Long An có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua (quốc lộ 1A, 13, 1K, xa lộ Hà Nội), các điểm du lịch, nhiều trường ĐH, CĐ, đặc biệt là tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lớn với hàng trăm ngàn công nhân làm việc. Theo đó đã hình thành nhiều khu dân cư, nhà trọ tự phát với đa phần là dân nhập cư đến cư trú, làm ăn sinh sống. Trong đó có không ít đối tượng là tội phạm hình sự, người nghiện ma túy, đối tượng tệ nạn xã hội từ địa phương khác đến trà trộn, ẩn náu. Những đối tượng này cấu kết, hình thành nhanh băng nhóm với các đối tượng ở địa phương và lợi dụng địa bàn giáp ranh để hoạt động phạm tội qua lại tại địa phương khác. Đáng chú ý nhất là tình hình phức tạp tại địa bàn Q.Thủ Đức (TP.HCM) - khu vực có địa bàn giáp ranh tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Trong năm 2014, số vụ phạm pháp hình sự tăng 31,45%. Các địa bàn giáp ranh khác như Q.9, H.Bình Chánh, H.Hóc Môn, H.Củ Chi (TP.HCM) thì nổi lên các án cướp giật, trộm cắp tài sản, đặc biệt các băng nhóm tội phạm lưu động gia tăng hoạt động”.
Đại diện Công an tỉnh Long An cho biết, tình hình buôn lậu thuốc lá và rượu do nước ngoài sản xuất diễn biến phức tạp. Điển hình là buôn lậu thuốc lá ở khu vực biên giới xã Phước Chỉ (Trảng Bàng, Tây Ninh) giáp ranh xã Mỹ Quý Đông (Đức Huệ, Long An) chuyển qua sông Vàm Cỏ Đông (Long An), tập kết tại khu vực bến đò Lộc Giang (Đức Hòa, Long An). Sau đó chuyển tiếp theo kênh Thầy Cai, kênh Rau Răm đưa về TP.HCM tiêu thụ.
Tại các khu vực giáp ranh cũng đang “nóng” với tình trạng giao dịch xe “gian” (chủ yếu là xe gắn máy). Các giao dịch này diễn ra tại các Q.Thủ Đức, Q.Bình Tân, Q.12, H.Hóc Môn. Sau đó xe “gian” được các đầu nậu ở khu vực biên giới cửa khẩu (Long An, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang...) thu mua rồi bán qua biên giới.
Hợp sức tạo thành một thế trận tấn công
Ngày 24-12-2014, Bộ Công an đã có điện mật số 3355/HT1 chỉ đạo triển khai đợt cao điểm tấn công tội phạm, đảm bảo an toàn trật tự Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Theo đó, công an các địa phương đều đã triển khai kế hoạch huy động lực lượng, tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm trong đợt cao điểm tấn công trấn áp. Tuy nhiên, “Đợt cao điểm tấn công trấn áp này trên phương diện chỉ một địa phương tiến hành sẽ không tạo thành một thế trận tấn công trấn áp mạnh mẽ để gây thối động hoạt động của các loại tội phạm. Do vậy, các địa phương cần phối hợp với TP.HCM để trao đổi thông tin đối tượng, cập nhật và cung cấp kịp thời tình hình hoạt động băng nhóm hoạt động lưu động. Trong đó chú ý các băng nhóm, đối tượng hình sự nổi cộm phạm tội có tổ chức, hoạt động bảo kê, đòi nợ thuê, hoạt động gây án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; các đối tượng gây án bỏ trốn đang bị truy nã…”, ông Minh đề nghị.
Đề nghị này đã được các tỉnh đồng ý. Đại diện Công an tỉnh Bình Dương khẳng định sẽ tăng cường công tác phối hợp, cung cấp thông tin với TP.HCM để quản lý và triệt phá các băng nhóm, đối tượng phạm tội.
Trung tướng Triệu Văn Đạt - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống tội phạm, Bộ Công an - nhấn mạnh: TP.HCM và các địa phương cần thường xuyên chủ động ngăn chặn, phát hiện kịp thời các vụ vi phạm an ninh trật tự; ngăn chặn các vụ trọng án gây hoang mang trong nhân dân; tập trung xử lý quyết liệt các băng nhóm xã hội đen, đâm thuê, chém mướn, siết nợ, đòi nợ thuê, trộm cắp, cướp giật. Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức người dân trong công tác cùng phòng chống tội phạm. “Riêng với TP.HCM, công an cần tập trung triệt phá tội phạm công nghệ cao, sàn vàng bất hợp pháp; tập trung cho công tác phòng chống ma túy. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra công tác cư trú, nhân khẩu, hộ khẩu tại các vùng giáp ranh để kiểm soát được các đối tượng phạm tội ẩn náu. Đặc biệt, cần kiểm tra các loại hình kinh doanh karaoke, cà phê, tín dụng đen cho vay nặng lãi, cầm đồ”, ông Đạt đề nghị.
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “TP.HCM và các địa phương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt từ khâu nắm tình hình tội phạm, chủ động lấy phòng ngừa là chính. Ngành công an phải xử lý nghiêm các băng nhóm tội phạm, đặc biệt là băng nhóm tội phạm hình sự. Các địa phương cần chia sẻ thông tin để tạo sức mạnh chung trong phòng ngừa, trấn áp tội phạm. Đặc biệt, tại các vùng giáp ranh phải tăng cường công tác phối hợp, tuần tra, kiểm tra, không để tội phạm nơi này chạy qua nơi khác, không để trống địa bàn. Đồng thời, phát động toàn dân phòng chống tội phạm, mở đường dây nóng để người dân tố giác tội phạm… Nơi nào để tội phạm gia tăng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm”.
Hòa Triều
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân yêu cầu UBND 24 quận, huyện của TP cần tăng cường kiểm tra địa bàn mình phụ trách, phải đảm bảo an ninh, an toàn trật tự xã hội tuyệt đối trên địa bàn và xem đây là trách nhiệm của mình. Đối với ngành công an phải bám sát tình hình để có giải pháp trong phòng chống tội phạm; đồng thời tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tội phạm không để xảy ra tình huống bất ngờ, lúng túng, phức tạp...