Thứ ba, 23/9/2014, 22h09

Một kỳ thi quốc gia: Có nên thực hiện cụm thi ở địa phương?

GS. Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội phát biểu tại hội nghị sáng 23-9
Sáng 23-9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có buổi giải trình trước Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội về một kỳ thi THPT quốc gia. Tại buổi giải trình, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã có những ý kiến xác đáng.
2 cụm thi: Liệu có ổn?
Theo ông Phùng Văn Hùng, ủy viên Ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Cao Bằng cho biết ông đánh giá cao việc giải quyết áp lực cho HS. Tuy nhiên, ông Hùng băn khoăn việc tổ chức tại một số địa phương không có trường ĐH chủ trì, giao cho sở GD-ĐT và bộ giám sát, tổ chức cho những thí sinh không thi ĐH, dẫn đến 3 hệ lụy và khó đảm bảo mặt bằng chất lượng. Do từ trước đến nay kết quả thi tốt nghiệp rất cao, nhưng thi  ĐH thì kết quả lại không như thế. Nếu tổ chức thành 2 cụm, các cụm ĐH chặt, những thí sinh chỉ cần đỗ tốt nghiệp, đi học nghề sẽ chịu thiệt thòi. Bên cạnh đó, ông Hùng cũng đặt ra câu hỏi đối với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là những thí sinh thi cụm địa phương nhưng đạt điểm đủ vào học ĐH nhưng do đã “trót” đăng ký ở cụm địa phương, như thế có tước mất quyền được học lên cao của HS? Tại sao HS không được thi trên cùng một hệ chuẩn? Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết một cơ chế cũng có thể chỗ làm nghiêm túc, chỗ không nghiêm túc như Đồi Ngô. Giải quyết chuyện đó cần có nhiều giải pháp. Hiện nay, độ tin cậy của kỳ thi tuyển sinh ĐH nhiều hơn thi tốt nghiệp. Nhưng nếu so sánh kết quả thi ĐH và thi tốt nghiệp như thế không hợp lý vì mục tiêu 2 kỳ thi trước đây khác nhau. Để giải quyết vấn đề tiêu cực tại các cụm thi địa phương, Bộ trưởng Luận cho hay bộ cử các trường ĐH tham gia tổ chức thi, cố gắng đảm bảo nghiêm túc. Đồng thời, người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho biết không ngăn cấm các trường ĐH lấy kết quả xét tuyển từ cụm địa phương. Bộ sẽ công bố công khai các trường ĐH này để thí sinh được biết.
Liên quan đến vấn đề cụm thi, ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Minh Thông đưa ra câu hỏi đối với Bộ GD-ĐT. Đó là tiêu chí nào để Bộ GD-ĐT tổ chức theo cụm cũng như tiêu chí nào để chọn các ĐH được chủ trì cụm thi? Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết tiêu chí xác định cụm thi căn cứ vào năng lực của các trường ĐH (cơ sở vật chất, đội ngũ, kinh nghiệm tổ chức thi) để xác định trường ĐH nào được chủ trì cụm thi.
Có hạn chế được tiêu cực?
Nhiều đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề hạn chế tiêu cực của một kỳ thi quốc gia. ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, bà Đàng Thị Mỹ Hương cho rằng phương án thi theo cụm, với những thí sinh chỉ thi tốt nghiệp lại phải đến cụm thi, tốn kém. Có phương án nào để các em thi tiện lợi nhất, đỡ tốn kém nhất? Cử tri đề nghị mỗi tỉnh có một cụm thi để bảo đảm thí sinh không phải đi thi xa. Làm sao ngăn ngừa được tình trạng các trường ĐH tuyển sinh kiểu vơ bèo vặt tép? Ông Lê Minh Thông cũng đặt ra vấn đề về điều kiện xét tốt nghiệp, điểm học lớp 12 chiếm 50% trong tổng điểm, bộ kiểm soát việc cho điểm học ở lớp 12 thế nào để bảo đảm không tiêu cực, vì các trường cho điểm rất khác nhau. Các trường ĐH được quyền xác định phương án tuyển sinh khác, vậy thì mối quan hệ của các trường với kỳ thi quốc gia này ra sao, nếu mỗi trường làm một kiểu thì sẽ phá vỡ ngay mục đích 2 trong 1 của kỳ thi. Do đó, ĐBQH Lê Minh Thông cho rằng cần có quy định các trường thế nào với kỳ thi quốc gia này? Điểm kỳ thi được dùng để xét tuyển vào ĐH, vậy có thay đổi khối thi hay không?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết năm 2014 đã làm, không có chuyện các trường nâng điểm vì giáo viên, HS có sự giám sát lẫn nhau. Phổ điểm năm 2014 cũng không có sự đột phá so với những năm trước. Qua đợt sơ tuyển của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho thấy không có sự chênh lệch lớn giữa điểm ở học bạ và trình độ của thí sinh. Đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TP.HCM) cho biết ông ủng hộ phương án thi và cho rằng dư luận, các trường đã sẵn sàng đón nhận, hoàn toàn có thể tổ chức khả thi trong năm 2015.
Tuy nhiên, như nhiều đại biểu khác, đại biểu Huỳnh Thành Đạt băn khoăn về việc tuyển sinh của các trường ĐH-CĐ. Ông băn khoăn có ngưỡng nào để khống chế đầu vào? Một thí sinh có thể đăng ký để xét tuyển tất cả các trường hay không, vậy giải quyết vấn đề hồ sơ ảo ra sao?
2 cụm thi: 2 chất lượng

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận giải trình trước các đại biểu về kế hoạch thực hiện một kỳ thi quốc gia sáng 23-9. Ảnh: Thiên Lam

Kết luận tại buổi giải trình, GS. Đào Trọng Thi khẳng định đa số đại biểu đồng ý tổ chức 1 kỳ thi để bảo đảm tinh thần đổi mới của nghị quyết 29, nếu tổ chức tốt sẽ bảo đảm giảm áp lực, tốn kém của xã hội mà vẫn đánh giá được năng lực HS, bảo đảm đủ cơ sở tin cậy để các trường ĐH-CĐ xét tuyển. Tuy nhiên, ông Thi cũng lưu ý, nghị quyết 29 khẳng định 2 vế độc lập: Thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH-CĐ. Nên nếu phương án nào không bảo đảm thì hoàn toàn có thể thay đổi theo đúng tinh thần của nghị quyết. Kỳ thi này chỉ bắt buộc đối với tốt nghiệp THPT, còn không bắt buộc đối với các trường ĐH-CĐ. Có sử dụng kết quả hay không là hoàn toàn theo quyền chủ động của các trường.
GS. Đào Trọng Thi cho biết các đại biểu cũng băn khoăn về hiệu quả kết hợp 2 mục đích của kỳ thi này, vì vậy cần tổ chức kỳ thi thật tốt để bảo đảm mục đích kết hợp này. Giải pháp giao cho các trường ĐH chủ trì cụm thi là giải pháp mạnh, có thể bảo đảm kết quả để xã hội tin cậy. Tuy nhiên, cũng cần có tính lộ trình. Về lâu dài giải pháp giao các trường ĐH tổ chức thi phải làm triệt để để bảo đảm tính nghiêm túc của đề thi. Về cụm thi ở địa phương, cần tính toán kỹ hơn. Chắc chắn tính nghiêm túc của 2 cụm thi này sẽ khác nhau, như vậy sẽ không tạo mặt bằng chung: Thi ở cụm thi ĐH chắc chắn điểm thấp hơn ở cụm thi địa phương. Như vậy, là không công bằng cho thí sinh kể cả trong xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH (các trường thi riêng sẽ vẫn được xét tuyển thí sinh thi ở cụm thi địa phương). Nếu vậy thì cần tính toán kỹ. Dự báo thi ở cụm thi của trường ĐH điểm thi sẽ thấp hơn. Vì thế bộ phải tính toán để ra đề thi thế nào nhằm bảo đảm điểm xét tốt nghiệp. Điểm thi ở 2 cụm thi có thể khác nhau, khiến có một số thí sinh thi ở cụm thi địa phương điểm cao hơn. Cần dự phòng để tính toán, hạn chế việc thí sinh chỉ thi ở cụm thi địa phương, sau đó có điểm cao thì nộp đơn vào các trường tuyển sinh riêng. Như vậy, cần tính toán có nên có cụm thi ở địa phương không. “Bộ cần tính toán để loại trừ những bất cập, những gì không cần thiết”, ông Thi nhấn mạnh.
Trong tuần này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận sẽ làm việc với các trường ĐH, CĐ, các sở GD-ĐT trên toàn quốc để bàn về một kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, để tránh gây nhiễu thông tin, Bộ GD-ĐT yêu cầu báo chí đứng ngoài cuộc.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê