Thứ hai, 28/7/2014, 09h07

Năm học mới tại TP.HCM: Tăng thêm hàng trăm trường

Ngành GD-ĐT TP.HCM đã sẵn sàng cho năm học mới (HS lớp 1 tham dự Lễ khai giảng năm học 2013-2014)
Khảo sát của HĐND TP tại một số quận, huyện cho thấy còn thiếu giáo viên, một số trường còn chật chội, thiếu sân chơi; một số phụ huynh vẫn “chạy ngược chạy xuôi” tìm chỗ học cho con... Với tình trạng này, liệu ngành GD-ĐT TP.HCM đã sẵn sàng để bước vào năm học 2014-2015… Xung quanh vấn đề này, ngày 26-7, HĐND TP đã tổ chức chương trình “Đối thoại cùng chính quyền TP” với chủ đề: Chuẩn bị năm học mới.
Không nhận trái tuyến để tránh xáo trộn
Đó là khẳng định của ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TP khi trả lời những câu hỏi của một số phụ huynh xung quanh vấn đề “chạy trường”.
Đơn cử như câu hỏi của bà Nga (P.Tân Quy, Q.7): “Theo đúng tuyến, con tôi sẽ học ở Trường Tiểu học Tân Quy, Q.7. Song, do hai vợ chồng đều làm ở Q.1 nên chúng tôi đã nộp hồ sơ trái tuyến xin học cho con vào Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, Q.1. Ngoài ra, học ở đây con tôi sẽ có điều kiện để học tiếng Anh, được học tập trong môi trường tốt. Tôi muốn biết hồ sơ của con tôi có được giải quyết không?”.
Về vấn đề này, ông Sơn nhấn mạnh: “Đối với công tác tuyển sinh lớp 1, theo chỉ đạo của UBND TP thì HS có hộ khẩu, KT3 ở đâu thì học ở đó. Không nhận HS trái tuyến ngoài quận, huyện. Nếu cứ tính theo cự ly nơi làm việc của phụ huynh tới trường để rồi xin học trái tuyến thì gây ra rất nhiều xáo trộn trong công tác tuyển sinh”.
Cũng theo ông Sơn thì trong công tác tuyển sinh không thể không phân tuyến. Bởi, đó là giải pháp nhằm tránh tình trạng tất cả dồn vào một vài trường gây nên tình trạng quá tải cục bộ, trong khi nhiều trường khác lại không tuyển được HS.
Bà Nương (Q.10) tâm tư: “Vợ chồng tôi là dân tỉnh, học xong ĐH thì ở lại TP.HCM làm việc. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà chưa mua được nhà nên không có hộ khẩu TP. Con tôi năm nay đã 3 tuổi nhưng khi nộp hồ sơ xin học ở các trường mầm non công lập đều bị gạt ra với lý do không có hộ khẩu TP. Thế là phải học ở trường tư, trường tư có chất lượng thì tiền học quá cao, còn trường học phí thấp thì không đảm bảo an toàn. Vậy làm cách nào để con chúng tôi được học ở trường công lập?”.
Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP - cho biết: “Với tình trạng tăng dân số cơ học như hiện nay, trường công lập không thể đảm bảo đủ chỗ học cho tất cả trẻ được. Tuy nhiên, ngành GD-ĐT TP phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 60% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo và 40% trong độ tuổi nhà trẻ được học ở trường mầm non công lập”.
Thêm 108 trường mới

Học sinh Trường TH Lạc Long Quân (Q.11, TP.HCM) thích thú với phòng thư viện vừa được xây để phục vụ năm học mới. Ảnh: N.Trinh
Năm học 2014-2015, ngành GD-ĐT TP sẽ có 2.124 trường từ mầm non đến THPT, GDTX, tăng 108 trường so với năm học trước. Tổng số phòng học là 41.628 phòng với số HS là 1.527.689/ 44.080 lớp. Số phòng học mới được đưa vào sử dụng trong năm học mới từ nguồn ngân sách Nhà nước là 1.527 phòng. Trong đó, mầm non - 156 phòng, tiểu học - 620 phòng, THCS - 461 phòng, THPT - 235 phòng, GDTX - 25 phòng, giáo dục chuyên biệt - 30 phòng. Ngoài ra, TP và quận, huyện cũng đã chi cả tỷ đồng để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị cho các đơn vị trường học.
“Công việc chuẩn bị cho năm học mới được ngành GD-ĐT tổ chức từ rất sớm chứ không phải mới thực hiện trong mấy tháng hè. Số phòng học mới được đưa vào sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu tăng dân số cơ học”, ông Sơn cho biết.
Tuy vậy, ở một số nơi vẫn còn có những ngôi trường xập xệ không phù hợp với môi trường sư phạm. Bà Kim Loan (Q.Thủ Đức) bức xúc: “Từ lớp 1 đến lớp 5, con tôi học ở Trường Tiểu học Lương Thế Vinh - một ngôi trường có cơ sở vật chất khang trang, có sân chơi rộng rãi. Nhưng khi lên lớp 6, vì hộ khẩu của cháu nhập nhờ nhà bà con nên phải đẩy vào một trường THCS bé tẹo, chật chội. Ngoài cầu thang lên xuống, HS không có chỗ nào để chơi. Trường nằm trong góc của nhà dòng, trước cổng trường là một cái chợ. Mỗi lần đi họp phụ huynh cho con, tôi phải căng tai để lắng nghe cô giáo nói gì. Với một ngôi trường như vậy làm sao HS có thể tiếp thu được kiến thức, phát triển thể chất. Nguyên năm học lớp 6, con tôi bị stress nặng. Và tình trạng này sẽ còn tiếp diễn trong 3 năm nữa, nếu cháu vẫn phải học ở đây...”.
Trước nỗi niềm của bà Kim Loan, ông Sơn cho biết: “Do lịch sử để lại nên TP vẫn còn một số trường nằm trong nhà dòng. Chủ trương của TP là dần dần xóa bỏ những ngôi trường như thế này. Riêng trường hợp này, Sở GD-ĐT sẽ làm việc với UBND và Phòng GD-ĐT Q.Thủ Đức để có thể nhanh chóng khắc phục...”.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Lập đường dây nóng chống chạy trường
“Ngành GD-ĐT đảm bảo đủ chỗ học cho tất cả HS lớp 1 theo đúng tuyến. Phụ huynh không nên nghe theo lời người này người kia, thậm chí là cả “cò” ở bên ngoài để chạy trường mà mất tiền oan. Sở GD-ĐT TP cũng đã chỉ đạo, nghiêm cấm các trường vận động phụ huynh đóng góp (như đóng sổ vàng...) đối với các trường hợp trái tuyến. Chúng tôi có đường dây nóng: 08.38223358 để phụ huynh phản ánh. Khi nhận được phản ánh của phụ huynh chúng tôi sẽ tiến hành thanh tra và xử lý nghiêm...”, ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.