Chủ nhật, 21/9/2014, 21h09

Nhiều băn khoăn về một kỳ thi

Học sinh TP.HCM tập trung nghe phổ biến nội quy tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Ảnh: T.L
Bộ GD-ĐT vừa công bố chính thức năm 2015 sẽ chỉ còn một kỳ thi quốc gia. Tuy nhiên, để tổ chức được kỳ thi này thì sẽ còn rất nhiều vấn đề Bộ GD-ĐT cần giải quyết. Theo dự kiến ngày 23-9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận sẽ có buổi giải trình tại Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015.
Liệu có học lệch?
Theo GS. Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT,phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia được cả xã hội, nhất là các bậc phụ huynh, các em HS, các trường THPT và các trường ĐH-CĐ rất quan tâm. Năm nay so với mọi năm thì các môn thi được công bố rất sớm. Chủ trương đổi mới thi Bộ GD-ĐT đã báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng đã cho ý kiến chỉ đạo tổ chức một kỳ thi quốc gia để xét tốt nghiệp và làm căn cứ vào ĐH. Các em HS rất thích vì được cả một năm chuẩn bị cho 3 môn chính và 1 môn tự chọn. Có thể đăng ký thêm một số môn tự nguyện để xét vào ĐH. Tuy nhiên, điều này có tác động đáng kể đến việc dạy và học cũng như các trường ĐH, CĐ. Thứ nhất nhiều trường ĐH, CĐ trước đây xây dựng phương án tuyển sinh thì nay họ phải chỉnh sửa hoặc thay đổi hoàn toàn. Thứ hai, đối với HS phổ thông việc đầu tiên có tác động tích cực, thầy trò phổ thông có cả một năm chuẩn bị, trước học tới 13 môn rải đều, bây giờ tập trung vào 4 hoặc 5 môn. Nhưng chính điều này cũng có vấn đề đặt ra. Trước đây Hội Khoa học tâm lý giáo dục đã có hội thảo, họ nêu ra một khẩu hiệu phát triển toàn diện, học tất cả các môn, phải chú ý về vấn đề dạy người, nhưng bây giờ một năm học chỉ tập trung 4-5 môn, đương nhiên thầy và trò các trường phổ thông phải tập trung vào kỳ thi. Cho nên các môn khác muốn hay không muốn vẫn không thể dạy bình thường như các năm học trước. Trước đây tuyên bố môn thi trước một tháng, bây giờ thì được 9-10 tháng. Cho nên nhà trường sẽ chỉ tập trung vào 4-5 môn. Mặt khác, bây giờ không có các khối thì sẽ rất khó khăn, các em phải thay đổi sự chuẩn bị.
PV: Năm nay, có điểm mới là một đề thi nhưng có hai hình thức thi (cụm trường ĐH tổ chức, cụm sở GD-ĐT tổ chức), ông nghĩ sao về vấn đề này?
GS. Phạm Minh Hạc: Có hai loại hội đồng thi, theo tôi cái đó là không đúng luật. Người ta đặt ra tình huống các em thi ở cụm thi, trong đề thi có hai phần, một phần xét tốt nghiệp phổ thông, một phần là dự tuyển làm căn cứ tuyển vào ĐH-CĐ. Nhưng có trường hợp điểm phổ thông không đỗ, nhưng phần ĐH rất cao thì sẽ xử lý như thế nào? Tất nhiên theo đúng luật lệ không đỗ phổ thông thì không được vào ĐH nhưng thế thì sẽ gây khó khăn cho thí sinh.
Thứ hai, tôi thấy trong văn bản, có mâu thuẫn logic hình thức, ở trên thì môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ, nhưng ở dưới thì thí sinh không học môn ngoại ngữ hoặc trong điều kiện không bảo đảm chất lượng được chọn môn thi thay thế môn ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Trên đã bắt buộc mà ở dưới lại được tự chọn? Và ai quy định trường nào là trường không đạt điều kiện. Bây giờ phải có tiêu chí học trong điều kiện không bảo đảm chất lượng. Tôi vẫn cho rằng học thì phải thi. Hơn nữa thi tốt nghiệp phổ thông thì phải kiên trì. Từ cái thi này ảnh hưởng đến việc làm chương trình và sách giáo khoa. Đây là một căn cứ và số liệu để làm chương trình và sách giáo khoa như thế nào để đạt được yêu cầu của NQ 29. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT mới công bố đề án này năm 2015 thì không thể nói là ổn định được, chính cái tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện là ổn định sự phát triển. Năm nay phương án thế này, chưa biết sang năm còn thay đổi thế nào, quá nhiều xáo trộn làm xã hội bất an.
Không ai lấy đá ghè chân mình
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Tuấn,đối với địa bàn Nam Định thì không có gì khó khăn khi thực hiện đề án một kỳ thi phổ thông. Theo tôi, giao cho các trường ĐH chủ trì khâu thi cũng tốt chứ không ảnh hưởng gì cả. Nhưng việc dạy và học phải quan tâm hơn vì truyền thống trước đây là thi theo kiểm tra kiến thức còn bây giờ với đề mở đòi hỏi kiểm tra thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao thì yêu cầu phải cao hơn. Trước đây thi ĐH phải học thêm, học nâng cao thì bây giờ trong quá trình dạy phải quan tâm đến chuyện dạy nâng cao rồi. Như tỉnh Nam Định gần như tất cả HS đều đi thi ĐH cho nên thi ĐH mà gần hơn so với trước đây thì tốt hơn.
Một kỳ thi hai mục đích, ông có cho rằng tỷ lệ tốt nghiệp sẽ thấp hơn các năm trước?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Hoàn toàn không lo vì Bộ GD-ĐT chắc chắn không thể ra đề khó đến mức mà chỉ có khoảng 50% HS đỗ tốt nghiệp. Kinh nghiệm ra đề sẽ bảo đảm được ra đề để tốt nghiệp như mọi năm sau đó sẽ có phân hóa cao. Việc được 7-8 điểm là rất bình thường còn việc được 9-10 điểm để xét tuyển ĐH cũng là bình thường. Với chúng tôi, ở địa phương cũng ý thức được không dại gì ra đề cho trượt nhiều để lấy đá ghè chân mình.
Sẽ phải điều chỉnh kế hoạch dạy và học
Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó hiệu trưởng THPT Bình Sơn (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, quá trình làm thấy thi một kỳ thi sẽ giảm tải. Nhưng trong quá trình giảm tải thí sinh thi khối A, B, C cảm thấy phải thi nhiều môn hơn nhưng thi khối D là ổn, sức ép nhỏ hơn. Việc quyết định một kỳ thi vào năm 2015 có đột ngột cho nên HS lớp 12 năm nay có thể hơi sốc hơn so với khóa trước. Nếu thi theo hình thức cũ HS vẫn có xu hướng học lệch cho nên kỳ thi mới việc học của HS có thể vất vả hơn.
Cách dạy và học có thay đổi như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Thọ: Một kỳ thi nhưng có hai mục đích nên chúng tôi ngồi lại cùng với giáo viên trao đổi thì dự đoán có lẽ đề thi năm tới mức độ cao hơn đề thi tốt nghiệp THPT mọi năm. Cho nên chúng tôi băn khoăn không biết bộ triển khai như thế nào về đề thi. Theo tôi, năm nay, kế hoạch phải điều chỉnh một chút. HS có thể vẫn vào những nhóm lực học gần nhau nhưng những môn không phải theo khối thi ĐH cũng phải tăng cường, tăng phần ôn luyện nhiều hơn. Dù sao việc học cũng phải tăng cường lên hơn.
Nghiêm Huê (thực hiện)
Thi cụm nào cũng có một đề thi
Theo PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, thí sinh chỉ thi tốt nghiệp THPT do địa phương chủ trì thì không được xét ĐH vì trong đăng ký ban đầu chỉ khẳng định lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT. Thực ra bộ mong muốn tất cả thí sinh cùng thi ở các cụm thi ĐH nhưng năm 2014 số liệu cho thấy gần 20% HS không đi thi ĐH. Họ đi làm luôn sau khi tốt nghiệp THPT. Như vậy những em ấy đưa ra được phương án phù hợp cho các em. Vì vậy ngay khi đăng ký các em sẽ có mã riêng phù hợp với lựa chọn cụm thi của mình.
Dư luận lo ngại về chất lượng của cụm thi địa phương, thưa ông?
PGS.TS Trần Văn Nghĩa: 2 cụm thi đều phải bảo đảm nghiêm túc như nhau. Tuy nhiên, HS chỉ đăng ký thi tốt nghiệp THPT không phải đã hết cơ hội dự tuyển ĐH. Vì HS vẫn có thể đăng ký vào những trường tuyển sinh riêng. Họ không được dùng kết quả này để xét tuyển ở các trường ĐH, CĐ lấy kết quả kỳ thi quốc gia. Thi ở cụm nào cũng chỉ có 1 đề thôi. Ở các cụm thi địa phương là địa phương có thể mời trường ĐH hay không là tùy. Kỳ thi có vấn đề gì trục trặc mà bộ phát hiện ra sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Vẫn có thanh tra, kiểm tra. Với địa phương nào làm không nghiêm túc sẽ rất nguy hiểm vì có sự đối sánh về 2 kết quả kỳ thi ở cụm ĐH và cụm địa phương. Chủ trương của Bộ GD-ĐT là kiểm soát đề thi, các phương pháp làm sẽ như nhau. Tuy nhiên, cũng còn phải bàn thêm.
Thiên Lam