Thứ năm, 11/9/2014, 21h09

Tăng kinh phí hoạt động cho bộ máy cơ sở: Thành lập Sở Du lịch TP.HCM

Quang cảnh kỳ họp thứ 15 HĐND TP.HCM

Ngày 11-9, HĐND TP.HCM đã tổ chức kỳ họp thứ 15 (kỳ họp bất thường). Tại đây, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP đã phát biểu: Kỳ họp lần này nhằm thảo luận và thông qua các tờ trình về chế độ hỗ trợ đối với cán bộ không chuyên trách Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể phường, xã, thị trấn và phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách ở khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân; thành lập Sở Du lịch; ưu đãi bổ sung cho dự án đầu tư của Tập đoàn Điện tử Samsung…
Nâng mức phụ cấp theo mức lương cơ sở
Tại khoản 2 điều 26 điều lệ MTTQ Việt Nam quy định: “Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã gồm có chủ tịch, hai phó chủ tịch và ủy viên thường trực”. Tuy nhiên, hiện nay tại TP.HCM, cán bộ không chuyên trách là cấp phó ủy ban MTTQ ở phường, xã chỉ bố trí 1 người và hưởng chế độ phụ cấp hàng tháng tùy theo trình độ chuyên môn. Cụ thể CĐ: 2,10, ĐH: 2,34, trên ĐH: 2,67, trung cấp: 1,86 so với mức lương tối thiểu.
Còn đối với cấp phó thứ hai theo điều lệ MTTQ, lâu nay không có chế độ. “Trong khi trên thực tế những người này có vai trò đại diện các tầng lớp nhân dân trong việc giám sát hoạt động của chính quyền cơ sở, phản biện xã hội. Vì vậy, việc hỗ trợ một khoản tiền hàng tháng đối với cán bộ mặt trận là cần thiết. Theo đó những người này được hỗ trợ bằng 0,5 mức lương cơ sở (hiện nay là 1.150.000 x 0,5 = 575.000 đồng/tháng). Khi mức lương cơ sở thay đổi, mức hỗ trợ cũng thay đổi theo”, ông Hứa Ngọc Thuận - Phó chủ tịch UBND TP - cho biết.
Đồng thời, UBND TP cũng đề nghị chế độ bồi dưỡng trách nhiệm (phụ cấp chức vụ) cho các chức danh phó chủ tịch ủy ban MTTQ, phó bí thư Đoàn thanh niên, phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh, phó chủ tịch Hội Nông dân, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ và chủ tịch Hội Người cao tuổi là 0,1 so với mức lương cơ sở.
Song song đó UBND TP cũng đề nghị điều chỉnh mức phụ cấp đối với cán bộ khu phố - ấp, tổ dân phố - tổ nhân dân và kinh phí hoạt động ở khu phố - ấp. TP hiện có 2.020 khu phố, ấp và 25.920 tổ dân phố, tổ nhân dân. Quy mô dân số hiện nay là 1.024 hộ/khu phố, 785 hộ/ấp, 80 hộ/tổ dân phố, 59 hộ/tổ nhân dân, cao hơn nhiều so với quy định của TW. Do vậy, mức phụ cấp hàng tháng đối với khu phố, ấp tăng từ 3,5 triệu đồng lên 5,75 triệu đồng (hệ số 5,0 mức lương cơ sở - 1.150.000 x 5,0).
Về kinh phí hoạt động của các khu phố, ấp, hiện nay không có, chủ yếu là do quận, huyện cân đối nguồn hỗ trợ. Qua khảo sát tại 24 quận, huyện, mức chi hoạt động khu phố, ấp là 1,1 triệu đồng/tháng. Trong đó có 3 quận, huyện bố trí chi cao từ 1,9-2,5 triệu đồng; nhưng cũng có nơi chỉ chi 300-600 ngàn đồng. Theo đó, UBND TP đề nghị khoán hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với khu phố, ấp là 1,5 triệu đồng/tháng.
TP không thể không có Sở Du lịch
Nghị quyết ĐH Đảng bộ TP.HCM lần thứ 9 (nhiệm kỳ 2010-2015) đã chỉ rõ: Du lịch là một trong 9 nhóm ngành dịch vụ cần thúc đẩy phát triển để đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP.
Và trên thực tế, ngành công nghiệp không khói này, hàng năm đã đem về cho ngân sách TP một số tiền không nhỏ. 8 tháng đầu năm 2014, tổng lượng khách quốc tế đến TP.HCM đạt 2,7 triệu lượt, tăng 10% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch (lữ hành, khách sạn nhà hàng) đạt 60.253 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ) trên tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ là 420.777 tỷ đồng.
TP.HCM không chỉ là điểm đến của du khách quốc tế mà cũng là sự lựa chọn của nhiều du khách trong nước. Ngành du lịch TP.HCM chiếm 50% thị phần du lịch của cả nước.
Tuy nhiên, do hiện nay TP không có Sở Du lịch riêng mà chỉ có Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên đã xảy ra những bất cập trong quản lý Nhà nước đối với hoạt động của ngành du lịch. “Cần phải có một cơ quan chuyên môn thực hiện công tác quản lý chuyên ngành về du lịch tương xứng để nâng cao hiệu quả quản lý. Nhằm thúc đẩy tăng trưởng du lịch theo hướng bền vững tạo chuyển biến mạnh về chất lượng dịch vụ sản phẩm du lịch, đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập, đóng góp hiệu quả cho hoạt động du lịch cả nước và phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đó là việc triển khai thực hiện Đề án thành lập Sở Du lịch TP.HCM”, ông Phạm Văn Bá - Trưởng ban Pháp chế, HĐND TP.HCM - nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Quyết Tâm cũng khẳng định: “Trước đây TP có Sở Du lịch, sau đó ghép với Sở Văn hóa và Thể thao thành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Việc ghép này xuất hiện nhiều bất cập, không phát huy hết tiềm năng du lịch của TP. Vì vậy, cần phải có Sở Du lịch, như vậy mới xứng tầm và phù hợp với TP.HCM”.
Bài, ảnh: Hòa Triều