Chủ nhật, 21/12/2014, 20h12

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Luôn tin vào giới trẻ

Chiến sĩ trẻ thành phố lên đường nhập ngũ năm 2014. Ảnh: L.Q
22-12-2014 là ngày có ý nghĩa lịch sử. Đó là ngày kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày Quốc phòng toàn dân. Từ 34 chiến sĩ của Đội Tuyên truyền Giải phóng quân, đến nay, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã thể hiện được sức mạnh trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc qua hai cuộc kháng chiến và cùng với nhân dân xây dựng đất nước phát triển trong thời kỳ đổi mới. Đất nước ngày nay cần gì ở những người trẻ? Họ cần phải làm gì?
Những trăn trở của Giáo dục TP.HCM đặt ra đã được Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân sự Việt Nam chia sẻ: Ngày 22-12-1944, Quân đội Nhân dân Việt Nam ra đời từ đốm lửa là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, lấy nhiệm vụ chính trị cao hơn nhiệm vụ quân sự. Điều này thể hiện tầm nhìn xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã không thành lập ngay sư đoàn mà chỉ lấy 34 người là những người ưu tú nhất của vùng Cao Bắc Lạng lúc bấy giờ. Sau khi thành lập, chiều 25-12-1944, chúng ta đã đánh thắng trận đầu Phay Khắt, đến 26-12 đánh thắng tiếp trận Nà Ngần, đã tạo ra tiền đề ra quân là chiến thắng, vào trận là thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa, chiến tranh chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc đẩy đến đỉnh cao. Chúng tôi, những chàng trai 19 đôi mươi xếp bút nghiên, gác lại giấc mơ vào giảng đường ĐH vào Nam chiến đấu với quyết tâm giành lại độc lập cho Tổ quốc. 30-4-1975 đánh dấu thời khắc lịch sử của cuộc kháng chiến trường kỳ 30 năm giải phóng dân tộc. Chúng ta đã thống nhất trọn vẹn. Ở góc độ khác thì thời khắc đó cũng là một sự bàn giao thế hệ. Thế hệ chống Mỹ trao cho thế hệ sau 1975 nhiệm vụ là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và xây dựng đất nước hùng mạnh không chỉ về quân sự mà về kinh tế, xã hội và khắc phục hậu quả chiến tranh.
Sau 1975, cùng với công cuộc xây dựng đất nước, thế hệ trẻ được sống trong một thế giới phẳng, họ có thể tiếp thu được tri thức của nhân loại để thấy mình có thế mạnh gì để phát triển với thế giới. Thế hệ ngày nay có sự phát triển vượt bậc về trí tuệ và sức khỏe so với thế hệ chúng tôi. Điều này được thể hiện rất rõ trong cuộc đấu trí trên biển Đông vừa qua. Chúng ta không mắc mưu, thể hiện bản lĩnh của người chiến sĩ Việt Nam. Những người sau 1975 đã trưởng thành. Chúng ta có thứ trưởng, bộ trưởng còn rất trẻ tuổi. Có thể nói, thế hệ sau 1975 đã hoàn thành sứ mệnh của thế hệ trước giao cho, đưa đất nước ra khỏi khó khăn, ra khỏi thời khắc tưởng như không vượt được. Tuy nhiên, trong thời hội nhập, chúng ta cũng có mặt trái cần khắc phục như không tự ti, không tự mãn, nỗ lực hơn nữa thì mới xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước. Đảng và Nhà nước phải thể hiện sự quan tâm hơn, tạo điều kiện tốt để thế hệ trẻ ngày nay phấn đấu. Tạo môi trường để thế hệ trẻ phát triển lành mạnh. Thế hệ trẻ phải có đất dụng võ.
PV: Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng giới trẻ hiện nay đang thiếu lý tưởng, thờ ơ với xã hội, ông nghĩ sao về nhận định này?

Chiến sĩ trẻ ở TP.HCM hăng hái lên đường bảo vệ biển trời Tổ quốc năm 2014. Ảnh: L.Q

Tôi không cho là như vậy. Bởi nếu thế thì đất nước sẽ bị loạn. Thế giới đã chứng minh điều này. Nên không thể vì một bộ phận thanh niên mà đánh giá cả thế hệ. Như thế không đúng. Bằng chứng là đấu tranh trên biển Đông của chúng ta vừa qua hay sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời đã thể hiện tình yêu đất nước của giới trẻ và cái tâm của người trẻ đối với một vị tướng của dân tộc. Tôi vẫn luôn tin tưởng vào thế hệ trẻ. Tôi đi giao lưu, nói chuyện với giới trẻ rất nhiều. Qua đó, mới thấy được tình yêu, trách nhiệm của thế hệ trẻ. Nếu như họ thờ ơ với thời cuộc thì họ không thể đặt ra những câu hỏi bất ngờ như vậy. Có nhiều việc thanh niên đang rất bức xúc và quan tâm như việc làm, tình trạng tham nhũng, vấn đề đối ngoại.
Bộ Quốc phòng đang đề xuất sẽ tăng tuổi nghĩa vụ quân sự lên thêm 2 năm. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Tăng tuổi nghĩa vụ quân sự là một tất yếu khách quan. Để xây dựng quân đội từng bước chính quy hiện đại phải cần có những thanh niên có sức khỏe, học vấn thì mới đáp ứng được yêu cầu cũng như những kỹ thuật quân sự hiện đại.  Muốn thế thì phải có thời gian, có quá trình huấn luyện, không thể đốt cháy giai đoạn.
Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng có đưa ra thông tin phần lớn con em nông dân ở các huyện, tỉnh xung phong đi nghĩa vụ quân sự, còn các thành phố lớn, những gia đình có điều kiện lại không mặn mà. Tại sao lại có chuyện này, thưa ông?
Trốn nghĩa vụ quân sự không phải bây giờ mới có mà ngay trong những ngày chống Mỹ đã có và không phải ít. Nó giống như hai mặt của một tấm huân chương. Tôi nghĩ không có vấn đề gì phải lo lắng. Ta thiếu ở chỗ này nhưng có thể bù bằng chỗ khác nên chúng ta không phải lo lắng về vấn đề này.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)