Thứ sáu, 26/12/2014, 08h12

Tìm giải pháp dạy ngoại ngữ bậc tiểu học

Giờ học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài tại Trường Trương Quyền (Q.3, TP.HCM). Ảnh: N.Trinh
Hai ngày 25 và 26-12, tại TP.Cần Thơ, Bộ GD-ĐT phối hợp Trường ĐH Cần Thơ tổ chức về xây dựng đơn vị điển hình trong dạy và học ngoại ngữ ở trường tiểu học (TH).
Thầy dở, trò làm sao giỏi!
Thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 (gọi tắt là đề án), mỗi địa phương (quận, huyện, thị trấn…) chọn một trường TH để xây dựng điển hình, thí điểm đổi mới phương pháp dạy và học, đáp ứng mục tiêu của đề án… Trong thực tế, để xây dựng thành công mô hình trường điển hình này, các tỉnh - thành gặp rất nhiều khó khăn, về nhân lực, công tác quản lý, tăng cường trang thiết bị… Cụ thể như giáo viên ngoại ngữ được đào tạo để dạy bậc THCS và THPT, chuyển xuống dạy bậc TH, hầu hết thầy cô chưa nắm được tâm sinh lý HS, nhiều thầy cô không “mặn” lắm khi giảng dạy. Những sinh viên mới ra trường thì thiếu kinh nghiệm, đa số yếu về chuyên môn. Vấn đề “đau đầu” khác, theo đại diện Sở GD-ĐT Quảng Ngãi là: “Ở tỉnh tôi, qua kiểm tra khi tuyển dụng, tất cả sinh viên tốt nghiệp ĐH ngoại ngữ đều không đạt trình độ B1 theo khung tham chiếu chung châu Âu; những thầy cô giáo này làm sao đủ khả năng dạy HS kỹ năng nghe - nói, nghĩa là sử dụng được tiếng Anh trong giao tiếp?”. Một giáo viên dạy tại trường TH được ngành giáo dục tỉnh Cà Mau xây dựng thí điểm điển hình, cũng nêu thực tế: “Trường em có 2.000 HS, 4 giáo viên dạy tiếng Anh. Tổ ngoại ngữ làm khá tốt phần dạy HS đọc, viết nhưng chưa đạt hiệu quả kỹ năng nghe - nói, vì chúng em chỉ có thể dạy nói và cho HS nghe tiếng Anh trong lớp, tiết học giới hạn nên mỗi tiết học chỉ vài em được đàm thoại ngắn với giáo viên”.
Tìm biện pháp phù hợp trong điều kiện mới
Xây dựng môi trường “nói tiếng Anh” cho người dạy cũng như HS đã được Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương thành lập. Hàng tuần các thành viên trong tổ đến các huyện, thị tổ chức câu lạc bộ tiếng Anh, mỗi lần tổ chức có chủ đề riêng để giáo viên lên trình bày. Từ cấp huyện sau đó triển khai đến những trường có năng lực, rồi tổ chức trong HS. Các trường TH đều trang bị hệ thống loa treo tường để HS nghe tiếng Anh bản địa. Mỗi khi thay đổi giáo trình dạy tiếng Anh, Sở GD-ĐT tiến hành tại trường thí điểm, rút kinh nghiệm rồi mới triển khai đại trà. Cô Nguyễn Minh Trúc Tâm, chuyên viên tiếng Anh, Sở GD-ĐT Bình Dương, cho biết: “Sở chỉ đạo các trường trong cấu trúc đề thi phải có kỹ năng nghe - nói, như vậy giáo viên sẽ tập trung rèn 4 kỹ năng cho HS trong giảng dạy. Đặc biệt trong triển khai các hoạt động chúng tôi không đề ra chỉ tiêu mà tập trung đầu tư chu đáo, tiến hành thí điểm, tổ chức tập huấn, rồi triển khai, kết quả bước đầu là phong trào học tiếng Anh ở Bình Dương hiện nay rất mạnh trong các trường phổ thông”.
Mô hình tổ chức các CLB tiếng Anh được nhiều tỉnh thành thực hiện, nổi bật là TP.HCM, Thừa Thiên - Huế, TP.Cần Thơ, Kon Tum… Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc (Trường TH Trần Quốc Toản, TP.Huế) chia sẻ: “Tổ ngoại ngữ xin Ban Giám hiệu trường cho tổ chức những hội thi hùng biện, thi văn nghệ bằng tiếng Anh. Trường có tham gia chương trình tiếng Anh của ĐH Cambridge nên sử dụng những tiêu chí quốc tế trong các cấp bậc thi chứng chỉ Cambridge để chấm điểm các hội thi tiếng Anh trong trường. Mỗi kỳ thi đưa ra chủ đề, có tranh ảnh minh họa hoặc đồ dùng trực quan… Tôi nhận thấy sân chơi này rất hiệu quả trong việc động viên và giúp HS rèn kỹ năng sử dụng tiếng Anh”.
Là địa phương có khá nhiều HS được học bổng du học nhờ năng lực ngoại ngữ, ngành giáo dục TP.Đà Nẵng đã xã hội hóa công tác dạy và học tiếng Anh bằng cách chỉ đạo các trường thành lập CLB tiếng Anh, sinh hoạt định kỳ 2 lần/tháng. Cô Trần Thị Phong, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng, chia sẻ: “Chúng tôi tranh thủ mời những người nước ngoài đang công tác tại Đà Nẵng, hoặc lấy vợ Việt Nam tham gia lực lượng tình nguyện viên. Mỗi kỳ sinh hoạt CLB đều có chủ đề. Các tình nguyện viên soạn “giáo án” theo chủ đề đó để tham gia sinh hoạt, góp phần tạo môi trường ngôn ngữ Anh cho thầy và trò học tập, rèn luyện. Vấn đề chúng tôi rút ra là muốn các trường tổ chức tốt, phải có vai trò của sở và các phòng GD-ĐT trong công tác kết nối các nguồn lực tại cộng đồng”.
Một mô hình mới do bà Vũ Thị Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục TH, đề ra đã nhận được sự tán đồng của các đại biểu. Đó là thực hiện kết nối giữa các trường ĐH đào tạo khoa ngoại ngữ với nhà trường phổ thông, trong quá trình đào tạo, đồng thời đưa sinh viên, từ năm thứ 2, đến các trường kiến tập và tham gia hỗ trợ công tác giảng dạy, các hoạt động ngoại khóa trong giảng dạy tiếng Anh. “Như vậy chúng ta sẽ có rất nhiều HS có năng lực về ngoại ngữ từ bậc TH. Các bạn sinh viên có điều kiện tiếp cận với thực tiễn trong quá trình học tập, góp phần để đề án đạt mục tiêu nhanh và mang tính bền vững”, bà Anh tâm đắc. PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ, cho biết trước mắt sẽ nghiên cứu và thực hiện mô hình này. Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục TH, cũng khẳng định: “Rất ủng hộ đề xuất này, với điều kiện các sinh viên phải phát âm tiếng Anh đúng chuẩn, vì đây là dạy cho các cháu bậc TH. Nếu dạy phát âm sai thì sau này các cháu sẽ rất khó sửa khi học những bậc học cao hơn”.
Đan Phượng
Bà Vũ Thị Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục TH, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh: “Vấn đề cơ bản của đề án là chuyển đổi cách dạy ngoại ngữ truyền thống như một môn học kiến thức, trở thành một môn học mang tính kỹ năng, giúp HS sử dụng được tiếng Anh trong đời sống và học tập. Ngoài ra chúng ta cần hiểu rằng, không có mô hình giảng dạy ngoại ngữ chung, phù hợp với mọi điều kiện giảng dạy, vấn đề từ diễn đàn này là chúng ta cùng tìm hiểu, đúc kết những cách làm hay về đổi mới phương pháp dạy, cách quản lý… Từ đó kết nối thành mạng lưới truyền thông cho các trường TH trong toàn quốc để thực hiện tốt Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 bậc TH”.