Thứ hai, 26/1/2015, 17h01

TP.HCM: Sẵn sàng cho Tết Ất Mùi 2015

Nhân viên Saigon Co.op gói quà Tết phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng
Đó là khẳng định của các cơ quan, ban ngành trên địa bàn TP.HCM tại cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh do Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân chủ trì cuối tuần qua. Theo đó, từ thực phẩm, hàng tiêu dùng, điện, nước…, tất cả đều đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của người dân trong dịp Tết cổ truyền này.
Tuyệt đối không để xảy ra tăng giá đột biến
Nhằm đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa cho Tết Ất Mùi 2015, các doanh nghiệp đã chuẩn bị nhiều mặt hàng bình ổn với tổng giá trị hàng hóa lên tới gần 16.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với Tết Giáp Ngọ 2014. Trong đó, tháng cao điểm trước Tết (từ ngày 1 đến 30 tháng chạp) là gần 9.300 tỷ đồng. Lượng hàng hóa chuẩn bị cung ứng Tết rất dồi dào, có nhiều mặt hàng chi phối từ 30-60% nhu cầu thị trường. Đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, bánh kẹo, nước ngọt, rượu, bia, gia súc, gia cầm, trứng, thủy - hải sản, rau - củ - quả…
Riêng hệ thống Saigon Co.op, ông Nguyễn Anh Đức - Phó tổng giám đốc - cho biết: “Hệ thống Saigon Co.op đã chuẩn bị 90.000 tấn hàng hóa (tăng 15% so với Tết Giáp Ngọ 2014), trong đó tập trung vào các mặt hàng thiết yếu. Năm nay có 350 chủng loại hàng hóa mới, trong đó có nhiều đặc sản của các vùng miền. Số lượng hàng hóa khuyến mãi lên tới 3.000 sản phẩm, với mức giảm từ 50-60%. Càng đến những ngày cận Tết thì càng giảm nhiều, chủ yếu là thực phẩm tươi sống. Thời gian mở cửa bán hàng phục vụ người dân 3 ngày trước Tết (28, 29, 30 tháng chạp) từ 6 giờ đến 24 giờ. Các siêu thị chỉ nghỉ duy nhất ngày mùng 1 Tết, từ mùng 2 bắt đầu mở cửa trở lại. Ngoài các siêu thị, cửa hàng tiện ích cố định, Saigon Co.op còn tổ chức 150 điểm bán hàng lưu động, tập trung ở các địa bàn có đông công nhân, người lao động có thu nhập thấp…”.
Ông Lê Tùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) - cũng cho biết: “Satra đã chuẩn bị 22.445 tấn hàng hóa như gạo, thực phẩm, dầu ăn… để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết. Đây đều là những sản phẩm của các công ty thành viên sản xuất. Điển hình như Vissan đã chuẩn bị 46.000 con heo… Bên cạnh đó, Satra cũng chuẩn bị 60 xe phòng khi có biến động giá ở địa bàn nào đó sẽ đưa xuống bán hàng”.
“Giá bán hàng bình ổn thị trường đảm bảo ổn định, không tăng trong 2 tháng trước và sau Tết. Đồng thời, để đảm bảo chất lượng hàng hóa, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, nhất là các mặt hàng bánh mứt, thực phẩm chế biến tại chợ. Đến nay đã có 43.000 đơn vị, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm Tết ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm”, bà Lê Ngọc Đào - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho biết.
Cũng theo bà Đào, hiện thành phố có 3.602 điểm bán lương thực - thực phẩm bình ổn giá. Trong những ngày giáp Tết sẽ tăng cường thêm 200 điểm tại các khu nhà trọ, khu công nghiệp - khu chế xuất, ký túc xá sinh viên… “Những năm trước, vào các ngày 28, 29, 30 Tết ở một số nơi thường xảy ra tình trạng tăng giá đột biến. Do đó, năm nay nếu địa bàn nào có biến động về giá cả thì cần thông tin với Sở Công thương ngay để sở yêu cầu các doanh nghiệp bình ổn cho xe lưu động đưa hàng tới”, bà Đào nhấn mạnh.
Chăm lo Tết cho người nghèo

Người tiêu dùng mua sắm hàng Tết tại Saigon Co.op
Ngoài việc chuẩn bị nguồn hàng dồi dào với mức giá bình ổn, các sở/ngành, quận/huyện còn quan tâm chăm lo Tết cho những người có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng chính sách.
Bà Nguyễn Thị Liên - Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM - cho biết: “Trên địa bàn thành phố hiện có trên 900 doanh nghiệp lớn nhỏ với trên 310.000 lao động. Các doanh nghiệp đều thưởng 1 tháng lương cho người lao động. Ngoài ra ở nhiều doanh nghiệp còn tặng quà, tổ chức xe đưa công nhân về quê ăn Tết. Với diện chính sách, mức hỗ trợ Tết là 2,5 triệu đồng, 1,3 triệu đồng và 960.000 đồng/tùy đối tượng; hộ nghèo (thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm) và diện bảo trợ xã hội là 850.000 đồng. Còn cán bộ, công chức, viên chức là 1,2 triệu đồng/người (năm 2014 là 1 triệu đồng)…”.
Bên cạnh sự chăm lo của các doanh nghiệp, thành phố cũng có nhiều chương trình hỗ trợ cho người lao động. Theo bà Nguyễn Thị Thu - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM: “Liên đoàn Lao động thành phố sẽ tặng 6.000 vé cho công nhân về quê ăn Tết, những năm trước chỉ tặng công nhân ở miền Bắc và miền Trung, năm nay thêm cả công nhân ở miền Tây. Đồng thời, liên đoàn còn tổ chức ngày hội cho 500 gia đình công nhân không về quê, những gia đình này đều được tặng quà và tiền mặt (500.000 đồng, năm 2014 là 300.000 đồng)” .
Có thể nói Củ Chi là địa phương có đông bà con diện chính sách, hộ nghèo nhất thành phố. Bà Cao Thị Gái - Phó chủ tịch UBND huyện - cho biết: “Toàn huyện Củ Chi có gần 32.000 đối tượng chính sách, 3.800 hộ nghèo. Huyện đã bố trí kinh phí là 29,5 tỷ đồng để chăm lo Tết cho những người này. Ngoài sử dụng nguồn ngân sách, huyện cũng đã huy động các doanh nghiệp khoảng 8 tỷ đồng để chăm lo cho các đối tượng khác như công nhân, học viên tại các trung tâm, cơ sở cai nghiện…”.
Song song với sự chăm lo của Nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội cũng chung tay vì người nghèo. Cụ thể như Mặt trận Tổ quốc TP.HCM vận động được 8 tỷ đồng để chăm lo Tết cho đồng bào dân tộc thiểu số, bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, bộ đội, công an; Saigon Co.op chuẩn bị 9.000 phần quà; Hội Liên hiệp Phụ nữ chuẩn bị 3.600 phần quà tặng người nghèo…
Bài, ảnh: Hòa Triều
“Tất cả các quận/huyện, ban/ngành cùng cố gắng chăm lo Tết cho đồng bào một cách chu đáo, nhất là bà con nghèo. Chúng ta phải chung tay để đồng bào có một cái Tết ấm áp, an toàn, yên vui”, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân chỉ đạo.