Thứ ba, 11/11/2014, 21h11

Văn học nghệ thuật: Giải trí lấn át giáo dục

Theo ông Đỗ Quý Doãn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam (trái), việc thực thi tốt các quy định về sở hữu trí tuệ trong xuất bản là một yếu tố quan trọng của đạo đức nghề nghiệp xuất bản
“Nghệ thuật là phải chân thực, phải nói được sinh động về sự thật cuộc đời, không né tránh vấn đề gai góc của cuộc sống”, GS. Trần Thanh Đạm chia sẻ.
Sáng 11-11, tại TP.HCM, Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TW đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay”. Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên TW Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM phát biểu: Hội thảo là tín hiệu tốt cho thấy nghị quyết TW9, khóa XI đi vào cuộc sống. Những năm qua, tác phẩm văn học nghệ thuật phản ánh, xây dựng hình tượng đẹp, phê phán cái ác, cái xấu, tạo làn sóng phẫn nộ cần thiết, tuy nhiên, cần hơn là sự thức tỉnh, vươn lên. Tuy tình hình suy thoái đạo đức, lối sống còn tồn tại trong một bộ phận đảng viên nhưng vẫn có nhiều tấm gương tốt, nếu văn nghệ sĩ khám phá đời sống sẽ góp phần xây dựng, bồi đắp lý tưởng cho con người.
Môi trường văn hóa còn thiếu lành mạnh
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TW cho biết: Từ khi ban hành nghị quyết TW5 (khóa VIII, từ năm 1998 đến nay), đi đôi với nhiệm vụ chăm lo phát triển kinh tế, xã hội, Đảng ta ngày càng coi trọng nhiệm vụ phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật. Tuy nhiên, những thành tựu trên lĩnh vực này thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế, chưa góp sức tích cực xây dựng đạo đức, nhân cách con người. Nghị quyết TW9 (khóa XI), Đảng cũng thẳng thắn chỉ rõ: “So với thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng, chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng. Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục...”.
GS. Trần Thanh Đạm khẳng định Truyện Kiều của Nguyễn Du là một kiểu mẫu về sự thống nhất đạo đức và nghệ thuật, bởi nghệ thuật là phải chân thực, phải nói được sinh động về sự thật cuộc đời, không né tránh vấn đề gai góc của cuộc sống. Cuộc đời có cái tốt và có cái xấu, có đạo đức và phi đạo đức. Nghệ thuật nhìn thẳng vào điều đó. Nhưng khi nói về điều đó, nghệ thuật phải ủng hộ cái tốt, cái đạo đức, biểu dương khía cạnh tốt đẹp, tươi sáng của cuộc sống, tức phải ủng hộ cái thiện, chứ không ủng hộ cái ác, từ đó mới có những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị. ThS. Lê Thị Ngọc Dung, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM thẳng thắn nhìn nhận: Trong những năm qua, còn tồn tại một số tác phẩm có nội dung không phù hợp với yêu cầu tinh thần xã hội, làm cho con người rời xa các giá trị đạo đức, sùng bái lối sống cá nhân.
PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Nhạc viện TP.HCM) chia sẻ, không ít y, bác sĩ “tỵ” với các ngành văn hóa, nghệ thuật là không phơi nhiễm, không trách nhiệm, không chịu hậu quả. Nhưng thực tế không phải vậy, tác động của văn hóa nghệ thuật đối với con người là vô cùng to lớn và khôn lường, ngày càng nhanh chóng biểu hiện, rõ ràng và ai cũng nhận biết. Chỉ là “bệnh sao”, “bệnh sĩ”, “bệnh ảo tưởng” và đủ thứ những thói xấu đến từ sự buông thả, di chứng các căn bệnh này của chính văn nghệ sĩ đều có tác động rất lớn đến nhiều người.
Đổi mới quá trình đào tạo văn nghệ sĩ

Đào tạo diễn viên nghệ thuật cần chú trọng đến giáo dục đạo đức nghề nghiệp. Trong ảnh: Giờ học của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Ảnh: A.Khôi
“Văn học nghệ thuật có những tác động xã hội quá lớn nên cần có những nguyên tắc để điều chỉnh hành vi lệch chuẩn xã hội và giáo dục cho giới văn nghệ sĩ, nhất là những người trẻ. Những tiêu chuẩn, nguyên tắc đạo đức phải được xã hội thừa nhận, trở thành những quy định và các tổ chức quản lý Nhà nước, pháp luật vào việc giáo dục đạo đức cho toàn xã hội nói chung và đối với bất cứ hành vi xã hội nào, cho bất kỳ giới nào”, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm đề xuất.
Liên quan đến vấn đề đạo đức trong văn học, nghệ thuật, NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam nói: “Trái tim nghệ sĩ phải thuộc về cách mạng. Từ nhà trường, nơi đào tạo hiện nay hầu như chỉ chú trọng việc đào tạo nghề mà ít hướng nghiệp, không có môn dạy về đạo đức diễn viên. Diễn viên nghệ thuật cần phải thấm sâu tư cách, phẩm chất người làm nghệ thuật. Trái tim nghệ sĩ phải tươi thắm, rung cảm với sự nghiệp của nhân dân. Tiến thân vào con đường nghệ thuật phải có mục tiêu lý tưởng thật cao cả và trong sáng, biết hy sinh khổ luyện, không vì cám dỗ vật chất tầm thường của đời sống để có được những đỉnh cao nghệ thuật...”.
Để khắc phục lối sống cá nhân, con người rời xa giá trị đạo đức, cần xác định rõ vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý văn học, nghệ thuật và vai trò của cơ quan chức năng trong chế tài, xử lý vi phạm. ThS. Dung kiến nghị: Tăng cường quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật, xuất bản và điện ảnh, đưa ra giải pháp hiệu quả quản lý báo mạng, kiên quyết xử lý các hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng... Đổi mới quá trình đào tạo văn nghệ sĩ ngay từ khi giáo dục trong nhà trường, giúp hình thành sự thống nhất giữa tài năng và đạo đức. Khắc phục hạn chế trong hoạt động văn học, nghệ thuật bằng các hoạt động liên quan - lĩnh vực GD-ĐT. Bởi, GD-ĐT không chỉ là môi trường nuôi dưỡng thiên hướng tài năng mà còn là nơi cung cấp tri thức, phương pháp tư duy, đặt nền móng cho sự hình thành thị hiếu chân-thiện-mỹ của văn nghệ sĩ trong tương lai. Đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy các bộ môn như văn học, sử, giáo dục công dân, không xem nhẹ những môn “học làm người”, để có thể đào tạo thế hệ phát triển hài hòa, toàn diện, có ý thức, năng lực cảm thụ và sáng tạo văn học nghệ thuật.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Đề cập tình hình phát triển văn hóa, nghệ thuật, nghị quyết TW9 (khóa XI) chỉ rõ: “Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có một số tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp, thậm chí có hại. Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa theo kịp thực tiễn sáng tác”.