Chủ nhật, 6/6/2010, 18h06

Việt Nam huy động nhiều nguồn lực kinh tế để phát triển hạ tầng

“Hạ tầng cơ sở có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế Việt Nam, tuy nhiên phải giải quyết hai vấn đề: nguồn lực từ đâu và huy động như thế nào”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thảo luận tại Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á sáng 6/6.

Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam, khai mạc sáng nay ở TP HCM với sự tham gia của hơn 400 doanh nhân, CEO trong và ngoài nước. Đặc biệt có mặt 5 thủ tướng chính phủ Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á. Ảnh: Thiên Chương.

Trong phiên thảo luận, có rất nhiều câu hỏi của doanh nhân nước ngoài đặt ra cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về xu hướng phát triển nền kinh tế Việt Nam; băn khoăn nên phát triển thị trường nội địa hay hướng đến xuất khẩu hoặc phải xây dựng cơ sở hạ tầng ra sao…

Thủ tướng cho rằng, hạ tầng cơ sở có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững nền kinh tế. Tuy nhiên phải giải quyết 2 vấn đề: nguồn lực từ đâu để đầu tư nhanh hạ tầng và huy động nguồn lực như thế nào. Thủ tướng khẳng định, muốn xây dựng cơ sở hạ tầng tốt cần phải có nguồn vốn từ Chính phủ, khối tư nhân, doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế và các định chế tài chính.

“Nếu chỉ trông chờ vào nguồn lực một chính phủ, một quốc gia trong điều kiện kinh tế còn thấp thì rất khó có điều kiện phát triển hạ tầng”, Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng giải thích: Việt Nam thu nhập đầu người hiện nay hơn 1.000 USD, huy động ngân sách bằng thuế, phí chỉ được 20% tổng GDP quốc gia, lại phải chi cho nhiều thứ thì không thể dành nguồn lực cho đầu tư hạ tầng. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải huy động đầu tư của tư nhân trong và ngoài nước, nguồn tài trợ của các quốc gia thì mới có khả năng phát triển nhanh hạ tầng, nền tảng phát triển bền vững.

Làm thế nào để phát triển kinh tế bền vững cũng là nội dung thảo luận chính của Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á sáng nay. Đánh giá chung của các chuyên gia, tăng trưởng kinh tế chung của Đông Á trong giai đoạn khủng hoảng 2008-2009 là 7%, trong khi tăng trưởng của thế giới chỉ 3,2%, cho thấy khu vực này đã vượt qua thời kỳ khó khăn và phục hồi dần, đóng vai trò động lực cho kinh tế toàn cầu.

Các chuyên gia nhìn nhận tăng trưởng kinh tế đang chuyển dịch từ Tây sang Đông, tăng trưởng kinh tế Châu Âu thu hẹp dần và vị thế của Đông Á đang lên nhanh trên trường thế giới. Những chỉ số tăng trưởng kinh tế của khu vực này gấp đôi thế giới cho thấy rõ sự hồi phục của Đông Á, dù có thể chưa hoàn toàn.

“12 năm trước Châu Á chỉ sản xuất hàng cho thị trường Mỹ và Châu Âu, còn hiện nay tăng trưởng tiêu dùng nội địa tạo động lực để phát triển tổng thể”, Andrei L. Kostin, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Ngân hàng VTB Nga nói. Còn Tổng giám đốc Tập đoàn Tata Steel của Ấn Độ, Hermant Nerurkar nhấn mạnh: “Tuy nhiên đi kèm với động lực là trách nhiệm duy trì và phát triển kinh tế thế giới”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận xét, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 bộc lộ rõ những khiếm khuyết của hệ thống tài chính toàn cầu, cũng như của từng nền kinh tế; đồng thời thúc đẩy quá trình cải cách thể chế và mô hình kinh tế nhằm đảm bảo cho sự phát triển nhanh, cân bằng và bền vững hơn.

Ông cho rằng, hiện có 3 câu hỏi lớn các nền kinh tế khu vực cần lời giải đáp. Một là ở cấp quốc gia, cần có điều chỉnh gì đối với mô hình phát triển hiện tại để duy trì được tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong giai đoạn hậu khủng hoảng. Thứ hai, ở cấp độ khu vực, các liên kết khu vực phải thúc đẩy như thế nào để hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế và làm cơ sở cho vai trò toàn cầu ngày càng lớn hơn của Đông Á. Cuối cùng là vai trò trách nhiệm của Đông Á đối với các vấn đề chung của thế giới.

Thủ tướng Campuchia Hunsen thì cho rằng thách thức lớn nhất về năng lực cạnh tranh của Đông Á không phải là sự vươn lên của Trung Quốc mà chính là các quốc gia thúc đẩy lợi thế so sánh kinh tế riêng. Còn Thủ tướng Myanmar Thein Sein cho rằng Đông Á cần rà soát chất lượng tăng trưởng kinh tế để tăng cường tiếng nói trên thế giới.

Thủ tướng Nguyễn TấnDũng nhìn nhận, xu thế tất yếu nền kinh tế hiện nay là thị trường toàn cầu hóa. Mỗi quốc gia phát triển thị trường trong nước nhưng vẫn phải hướng đến xuất khẩu. “Tuy nhiên mỗi quốc gia tùy điều kiện cụ thể mà lựa chọn lợi thế của nình, vừa hướng về xuất khẩu để phát huy lợi thế và mở rộng thị trường trong nước để phát triển bền vững một cách hiệu quả”.

Thủ tướng đưa ví dụ, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo thứ hai thế giới, nên xuất khẩu gạo là lợi thế; song vẫn phải đảm bảo an ninh lương thực và gạo cho người dân. Điều này có nghĩa Việt Nam không chỉ hướng về xuất khẩu mà còn đóng góp cho an ninh lương thực thế giới.

Thủ tướng Dũng cho biết, Việt Nam có 87 triệu dân, mỗi năm tăng thêm 1,1 triệu người, tương lai không xa sẽ đạt 100 triệu dân. Để tăng nhu cầu sức mua nội địa, mở rộng thị trường trong nước, điều quan trọng là phải duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bền vững. Trong năm 2009 là thời gian khó khăn nhất trong suy thoái kinh tế, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế 5,3%, năm 2010 dự kiến tăng 6,5-7%, từ năm 2011 đến 2020 tăng trưởng 7-8%. “Đây là yếu tố quyết định để Việt Nam mở rộng thị trường. Tăng trưởng kinh tế cao, đời sống người dân được cải thiện thì thị trường trong nước mới mở rộng. Đi liền đó là nâng cao tiến bộ xã hội, xóa đói nghèo, giảm khoảng cách giàu nghèo”.

Phan Anh – Thiên Chương (Theo VNE)