Thứ năm, 29/1/2015, 22h01

Khó khăn trong thực hiện thông tư 30

Đẩy mạnh hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho HS để các em có những kỹ năng phòng tránh tai nạn

Ngày 28-1, Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) đã tổ chức sơ kết học kỳ 1 tại Trường TH Bình Quới Tây (Q.Bình Thạnh). Tại đây, các vấn đề nổi bật như đánh giá học sinh (HS) theo thông tư 30, giảng dạy tiếng Anh, an toàn trường học... được nhiều người đề cập đến.
Thông tư 30 “chạy” chưa... êm
Việc thực hiện đánh giá HS theo thông tư 30 của Bộ GD-ĐT đã giảm nhiều áp lực điểm số cho HS và tránh được tình trạng so sánh. Nội dung đánh giá thực hiện cụ thể ở ba mặt học tập, năng lực, phẩm chất vì thế ngay sau khi đánh giá, giáo viên (GV) có thể lập tức đưa ra biện pháp hỗ trợ giúp HS tiến bộ. Tuy nhiên, đại diện Phòng GD-ĐT Gò Vấp cho rằng, mỗi HS một tính cách, một năng lực khác nhau đã đòi hỏi GV phải suy nghĩ nhiều khi viết nhận xét. Viết như thế nào cho đúng, viết như thế nào để lời nhận xét vừa khích lệ vừa động viên HS phấn đấu học tốt hơn. Chưa kể, phần ghi nhận xét giữa một số loại sổ bị trùng. Nếu như các loại sổ được thiết kế lại thì GV sẽ giảm bớt khó khăn. Một vị cán bộ ở quận Tân Bình cũng chia sẻ: “Chúng tôi đã chú trọng làm công tác tư tưởng, khích lệ lòng yêu nghề, yêu thương HS trong mỗi GV để thầy cô có tinh thần làm việc hơn. So với năm trước, số HS được khen thưởng nhiều hơn, tuy nhiên chúng tôi rất trăn trở về việc phải ghi cả 3 nội dung học tập, năng lực, phẩm chất ra giấy khen”.
Theo báo cáo từ Phòng Giáo dục tiểu học, năm học 2014-2015, số HS tăng đến 13.722 em khiến sĩ số mỗi lớp tăng lên. Trung bình cứ 39,7 HS/lớp, thậm chí có đến hơn 1.000 lớp có sĩ số trên 50 em. Điều này đã gây áp lực cho hoạt động giảng dạy, đặc biệt quá trình đánh giá HS theo thông tư 30. Ngoài đầu tư thời gian ghi nhận xét, một số GV còn chưa chú ý tính thẩm mỹ của lời nhận xét. Lời nhận xét quá ngắn hoặc quá dài, nhận xét còn chung chung hoặc chưa nhận xét theo mục tiêu của bài dạy. Đặc biệt GV bộ môn phải dạy nhiều HS khác nhau nên khó có thể nhớ rõ đặc điểm của từng HS để nhận xét chính xác. Riêng về phía nhà trường cũng tốn nhiều thời gian thẩm định đề kiểm tra định kỳ, bộ phận quản lý phải xây dựng lại thang điểm thi đua của GV và gặp khó trong việc đồng bộ giữa các đơn vị, rồi lúng túng trong tiêu chí xét khen thưởng, nội dung khen.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học nhận định, không ít đơn vị phản ánh sổ sách trùng lắp nhưng chúng ta không thể bỏ bớt vì mỗi loại sổ có một chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Tại thông tư 32 thì GV cũng phải làm đều ở các loại sổ này. Nên chăng các trường cần linh động ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện sổ sách như quận 7 đã làm. Mặt khác, các trường cũng tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn, tuyên truyền trong nội bộ ngành, phụ huynh HS và xã hội để tạo điều kiện cho GV làm tốt thông tư 30. Về khen thưởng, lãnh đạo trường cần quan tâm, tổ chức chỉ đạo, thực hiện chu đáo nhằm động viên, khuyến khích và đánh giá chính xác quá trình học tập, rèn luyện của các em.
Chú ý công tác an toàn trường học
Theo kế hoạch giảng dạy ngoại ngữ trong trường học của Sở GD-ĐT thì trong năm học 2015-2016, 100% trường tiểu học phải có lớp 1 thực hiện giảng dạy chương trình tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh đề án của Bộ GD-ĐT và không còn chương trình tiếng Anh tự chọn. Tuy nhiên dựa trên báo cáo kết quả của Phòng Tiểu học đưa ra thì hiện nay, tổng số HS học môn tiếng Anh trong trường chỉ đạt 76% và số trường có dạy tiếng Anh chỉ đạt 84,4%.
Huyện Bình Chánh được xem là đơn vị triển khai giảng dạy tiếng Anh trong nhà trường rất tốt. Năm học 2011-2012, huyện chỉ có 10 đơn vị đủ điều kiện thực hiện và đến nay con số đã tăng lên đến 16/27 đơn vị trường thực hiện. Tuy nhiên so với yêu cầu của ngành thì vẫn chưa đạt. Đại diện Phòng GD-ĐT huyện này tâm tư: “Cơ sở vật chất không đảm bảo, chưa được trang bị đầy đủ nên chúng tôi chưa thể xóa được tiếng Anh tự chọn. Đặc biệt nguồn tuyển GV không có đã khiến chúng tôi không thể theo kịp tiến độ của thành phố”. Ngoài ý kiến của huyện Bình Chánh, một số ý kiến cho rằng khâu bồi dưỡng thêm kinh phí cho đội ngũ GV tiếng Anh để giữ chân cũng như khuyến khích tinh thần làm việc thì bị các GV bộ môn khác so bì nên các trường không thể làm triệt để.
Trước các ý kiến trên, ông Vinh đã ghi nhận những khó khăn mà quận, huyện chia sẻ và cho rằng sẽ tham mưu với Ban Giám đốc để tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên “Các quận, huyện cần phải tăng cường kiểm tra, theo dõi công tác thực hiện giảng dạy tiếng Anh có đúng kế hoạch không. Hiện nay các trường chưa thực sự quan tâm đến khâu nâng cao kỹ năng nói, rồi dạy tiếng Anh qua toán, khoa học, đọc truyện, hoạt động dự án, đặc biệt là các trường có dạy tiếng Anh tăng cường. Với tiến độ thực hiện như hiện nay, tôi e rằng dạy học tiếng Anh sẽ không kịp với mục tiêu ngành đề ra. Riêng mặt bồi dưỡng GV, lãnh đạo trường cần làm tốt công tác tư tưởng để GV bộ môn khác hiểu vấn đề. Từ đây giúp GV dạy tiếng Anh có mức thu nhập phù hợp với năng lực mà yên tâm giảng dạy”, ông Vinh cho biết.
Ngoài ra, ông Vinh cũng không quên nhấn mạnh đến công tác an toàn trường học. Chỉ trong một thời gian ngắn đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. Vì thế các trường cần tiến hành rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, xây dựng phương án phòng chống tai nạn, thương tích. Đặc biệt đẩy mạnh hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho HS để các em có những kỹ năng phòng tránh tai nạn. Mặt khác cần nhắc nhở phụ huynh không nên đeo trang sức cho trẻ khi đến trường để tránh kẻ xấu dụ dỗ, dắt trẻ ra ngoài trường.
Bài, ảnh: Nguyễn Trinh