Chủ nhật, 8/2/2015, 10h02

Vấn đề bạn đọc quan tâm: Chuyện ông đồ... bán hàng giả

Một ông đồ trong lần sát hạch thứ nhất ngày 31-1

Xin chữ là một nét đẹp văn hóa của người Hà Nội mỗi dịp Tết đến xuân về. Nhưng không phải ông đồ nào cho chữ cũng chuẩn, không phải chỉ cần bút nghiên, giấy đỏ, mực Tàu, áo the, khăn xếp là thành ông đồ. Mấy ngày qua, dư luận cảm thấy “sốc” trước thực tế 50% ông đồ “rụng” khi sát hạch.
“Rụng” từ 50-70%
Trong lần sát hạch thứ nhất (ngày 31-1) có 48 ông đồ tham gia thì chỉ 12 ông đỗ, tức chỉ 25%, số còn lại bị đánh giá là viết yếu, bố cục sai, không thẩm mỹ, đặc biệt nhiều bài mắc lỗi sơ đẳng như sai chữ. Lần hai (5-2), chỉ có 36/70 tác phẩm đạt yêu cầu. Hai lần sát hạch, cuộc thi vẫn bao gồm hai lĩnh vực thư pháp Hán - Nôm và thư pháp chữ quốc ngữ. 50 đề thi chủ yếu xoay quanh chủ đề mùa xuân, đạo đức giáo dục, danh ngôn… Yêu cầu người thi trình bày chữ trên giấy xuyến chỉ trong vòng 15 phút sao cho như một bức tranh chữ, đúng từ điển, không tự chế chữ, đảm bảo giám khảo đọc được. Đặc biệt, người viết không được xem từ điển, điện thoại tra từ dưới mọi hình thức và hỏi chữ người bên cạnh. Ai vi phạm sẽ bị đánh dấu xem xét hủy bài thi. Tuy vậy, trong quá trình thi viết Hán - Nôm, có ông đồ vẫn bất chấp quy chế sát hạch giở kim từ điển, điện thoại để tra từ, hỏi người bên cạnh. Giám thị liên tục nhắc nhở nhưng các ông đồ này vẫn tái diễn, buộc giám thị phải đánh dấu một vết mực Tàu lên góc bài thi. Theo nhà thư pháp Lê Quốc Việt, những lỗi cơ bản mà những người dự thi gặp phải hầu hết do vốn chữ quá tầm thường, không đủ phục vụ người dân. Việc xin chữ phải do người dân “ra đề” chứ không phải theo ý các ông đồ. Chẳng hạn người dân xin chữ “Đỗ”, ông đồ lại chỉ cho chữ Nhẫn là hỏng. Do đó, các ông đồ hãy nhìn vào chính mình, thấy yếu thì rút lui, đừng “nhân bẩn, nhân xấu chữ” khắp Hà Nội”.
Thu tiền thật, bán hàng giả
Mỗi dịp xuân về, người Hà Nội lại nô nức kéo nhau ra Văn Miếu để xin chữ. Từ lâu, Văn Miếu đã là điểm đến du xuân của người Hà Nội. Nhưng trong số những người xin chữ, không phải ai cũng biết chữ được cho. Do vậy, năm nay, lần đầu tiên sát hạch mới thấy, tỷ lệ ông đồ cho chữ thật, chữ chuẩn quả thật hiếm. Trước tình trạng “ông đồ thật, ông đồ giả”, nhà thư pháp Lê Quốc Việt đã phải thốt lên: Tôi không tưởng tượng được ở cái đất này lại có những người lấy tiền thật mà bán hàng giả. Những người viết sai, viết ẩu hoạt động trên phố ông đồ trong suốt thời gian qua chỉ núp bóng lấy tiền của dân”. Theo ông Việt, phố ông đồ không phải nơi để phân lô bán hàng, chặt chém con chữ, bòn rút tiền của người dân. Do đó, các ông đồ nên nghĩ việc ngồi trong Hồ Văn cho chữ như triển lãm văn hóa hơn là để đi bán chữ, làm văn hóa trước làm kinh tế sau. Chính vì vậy, ông khá bức xúc khi nhận thấy động cơ kiếm tiền của ông đồ thời nay rất bất chính, nhất là trong khi bản thân họ chưa đủ vốn liếng chữ nghĩa phục vụ người dân.
Còn TS. Phạm Văn Ánh thì cho biết qua lần sát hạch thứ nhất, nhiều chuyện khiến người xem phát hoảng. Với hai phần thi, ở phần thi chữ Hán, Ban giám khảo yêu cầu các ông đồ viết đúng 4 chữ với yêu cầu tối thiểu. Nhưng có tới 70% ông đồ viết sai. Thậm chí có người viết sai đến 3/4 chữ. Viết không khác nào dùng mực bôi bẩn lên giấy. Nguy hiểm hơn còn có người chưa biết cách cầm bút.
Ông đồ cũng là một nghề cầm bút. Nếu người cầm bút “láo” tuy không gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng nó làm biến tướng một phong tục đẹp của dân tộc. Thật cần thiết phải có những cuộc sát hạch như thế để mỗi độ xuân về, người Hà Nội lại được thấy những nét phượng múa rồng bay, mực Tàu, giấy đỏ của những ông đồ thực sự.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê