Thứ sáu, 22/8/2014, 16h08

Nam giới và stress

Mức độ căng thẳng của đàn ông và phụ nữ có thể ngang bằng nhau, nhưng ảnh hưởng của stress đến thể chất và tâm lý về lâu dài ở hai phái lại không giống nhau.


Ảnh: Shutterstock
Theo nghiên cứu đăng trên Huffington Post, nếu căng thẳng có xu hướng kích hoạt các phản ứng ở phụ nữ, thì ở nam giới stress tác động trực tiếp đến hệ thống miễn dịch, hệ thống sinh sản, ngăn chặn việc sản xuất testosterone. Những “hao mòn” ấy diễn ra trên cơ thể ngày càng nghiêm trọng nếu căng thẳng lặp đi lặp lại thường xuyên.
Giảm hấp dẫn: Nội tiết tố testosterone ở nam giới dồi dào được liên kết với hệ thống miễn dịch mạnh và sự hấp dẫn trên khuôn mặt. Một nghiên cứu được thực hiện tại Trường đại học Aberdeen (Anh quốc) cho thấy đàn ông có nồng độ testosterone cao, hệ miễn dịch hoạt động rất tốt và luôn được coi là hấp dẫn. Trong khi đó, đàn ông có mức hormone cortisol (hormone căng thẳng) cao, được coi là kém hấp dẫn. Theo các nhà nghiên cứu, cortisol có thể đóng vai trò trong việc ngăn chặn việc sản xuất testosterone, yếu tố thể hiện sự hấp dẫn của nam giới.
Nguy cơ bệnh tim: Theo các nhà khoa học, căng thẳng là yếu tố nguy cơ làm phát triển các bệnh tim mạch. Gần đây, một nghiên cứu thực hiện tại Bệnh viện Henry Ford ở Detroit (Mỹ) phát hiện đàn ông có tiền sử gia đình mắc bệnh tim được chẩn đoán mắc bệnh tim trung bình sớm hơn 12 năm so với những người không có tiền sử gia đình. Họ cũng nhiều khả năng có triệu chứng căng thẳng cao hơn (đánh giá dựa trên sự lo lắng, thiếu kiên nhẫn, giận dữ và các triệu chứng khác) so với những người không có tiền sử gia đình mắc bệnh tim.
Ảnh hưởng khả năng sinh sản: Nghiên cứu cho thấy stress mãn tính có thể dẫn đến sự thay đổi biểu thức gien và ảnh hưởng đến cả tinh trùng của người cha. Những thay đổi đó có thể biểu hiện ở trẻ sơ sinh với những phản ứng câm lặng hoặc căng thẳng. Các nhà khoa học cũng thấy rằng căng thẳng có thể gây ra những thay đổi dài hạn đến tinh trùng, gây biến dạng tinh trùng và làm cản trở khả năng di chuyển của nó.
Tăng tốc độ phát triển ung thư tuyến tiền liệt: Một nghiên cứu gần đây trên chuột phát hiện rằng căng thẳng kinh niên thúc đẩy sự phát triển ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, Đại học California (Mỹ) đã chứng minh việc quản lý căng thẳng có thể mang lại kết quả tích cực trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
Thụ động: Một nghiên cứu tại Đại học Nam California (Mỹ) phát hiện đàn ông bị căng thẳng, vùng não liên quan đến sự hiểu biết cảm xúc của người khác hoạt động kém hiệu quả hơn so với phụ nữ. Điều đó được biểu hiện trên khuôn mặt, đặc biệt là sự sợ hãi và giận dữ. Đây là kết luận đầu tiên cho thấy sự khác biệt giữa hành vi của nam và nữ dưới sự tác động của căng thẳng. Khi bị stress, đàn ông có xu hướng thu mình lại và rút ra khỏi xã hội trong khi phụ nữ lại tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ tinh thần từ bên ngoài.
Hạ Yên (TNO)