Thứ sáu, 1/8/2014, 01h08

Nghệ thuật hát bội: Kỳ 1: Nỗi buồn sau ánh đèn sân khấu

Các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM miệt mài tập luyện cho vở diễn của đoàn
Khát khao có một sân khấu đàng hoàng để duy trì, phát triển nghệ thuật hát bội là nỗi niềm trăn trở của không ít nghệ sĩ đã và đang hoạt động, gắn bó với loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Thiếu thốn trăm bề
Giữa khu trung tâm TP, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM đã tắt đèn sân khấu từ lâu. Giờ đây, nơi ấy là chốn đi về của 34 nghệ sĩ, diễn viên miệt mài luyện tập, gắn bó với nghề dẫu ngôi nhà chung ấy đã xuống cấp, nhếch nhác và thiếu thốn trăm bề. Bất kỳ ai đã một lần đặt chân đến đây cũng không khỏi chạnh lòng. Những nỗ lực của các nghệ sĩ trong việc duy trì, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát bội thật đáng ghi nhận.
Thiếu thốn về cơ sở vật chất, điều kiện tập luyện cho các nghệ sĩ và sự vắng bóng khán giả nên mỗi năm nhà hát chỉ dựng 2 vở diễn mới. Khi được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM phân công lịch diễn thì cả đoàn lại lên đường. Hình ảnh chiếc xe tải lưu động 2,5 tấn của nhà hát đã trở nên quen thuộc với anh chị em nghệ sĩ khi nhiều lúc đó chính là sân khấu để họ đem tất cả tâm huyết của mình thể hiện trong từng vở diễn. Khó khăn là thế nhưng chỉ cần được đứng trên sân khấu, dù là sân khấu chính thống hay tại các đình đền, lễ kỳ yên (cầu an) thì các nghệ sĩ vẫn hăng say với công việc.
NSƯT Ngọc Nga - Phó giám đốc nhà hát cho biết, mỗi năm vào các tháng giêng, tháng 2, tháng 3 và tháng 8, tháng 11 âm lịch sẽ có lịch diễn ổn định cho đoàn ở các lễ hội. Đây chính là cơ hội để các diễn viên được sống với niềm đam mê nghệ thuật. Đợt diễn hiếm hoi vào những ngày cuối năm (từ 26-12 đến 1-1 Tết Dương lịch) tại Công viên 23-9 cũng được coi là một niềm động viên tinh thần cho các nghệ sĩ khi các đêm diễn đã thu hút một lượng khán giả TP và các du khách nước ngoài. Họ như được an ủi phần nào khi nghệ thuật hát bội vẫn tồn tại trong lòng khán giả, dù con số ấy rất khiêm tốn.
Gắn bó với nhà hát từ những năm 1980, NSƯT Ngọc Nga đã bao lần rớt nước mắt khi thấy con đường mà mình và các đồng nghiệp đã chọn sao lắm gian truân. Năm 2000, niềm vui khi đưa nghệ thuật hát bội đến với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ tại Nhà hát TP vừa chớm nở thì đã bị dập tắt. Thiếu kinh phí là một trong những nguyên nhân khiến đoàn phải ngậm ngùi chia tay chương trình mà họ đã dành khá nhiều tâm huyết. Thỉnh thoảng, một số trường học trên địa bàn TP.HCM mời đoàn về biểu diễn trong những dịp lễ như Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch nhằm giúp các em học sinh có thể hiểu thêm về lịch sử dân tộc. Giây phút đó như tiếp thêm niềm tin để họ có thể tiếp tục bám trụ với nghề, để giới thiệu cho khán giả trẻ về hát bội.
Những điều trông thấy...
Bà Nguyễn Hồng Dung - Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM cho biết: “Nghệ thuật hát bội rất khó để thu hút giới trẻ hiện nay. Để có thể tìm kiếm chất liệu, dàn dựng cho những vở diễn mang đề tài gần gũi với hơi thở cuộc sống đương đại là điều khó khăn vô cùng”.
Điều trăn trở của lớp nghệ sĩ gạo cội ở nhà hát hiện nay là làm sao để đào tạo được lớp diễn viên trẻ có thể gắn bó lâu dài với nghề. Có những lúc họ tưởng chừng như đã đặt dấu chấm hết cho con đường nghệ thuật của mình, nhưng rồi tất cả cũng qua đi khi niềm đam mê sân khấu vẫn cháy bỏng trong họ.
Nhà hát hiện quy tụ 34 diễn viên, trong đó có 14 diễn viên trẻ. Khi giới trẻ quay lưng lại với nghệ thuật hát bội  thì 14 diễn viên trẻ của nhà hát có thể được coi là những mầm ươm để duy trì sự phát triển của loại hình nghệ thuật đang có xu hướng mai một dần. Để các diễn viên trẻ có thể bám trụ được với nghề bằng tất cả niềm đam mê nghệ thuật không phải là điều dễ dàng. So với các loại hình nghệ thuật khác, ngôn ngữ trong hát bội thường gây sự khó hiểu cho giới trẻ khi có sự kết hợp giữa tiếng Hán và tiếng Việt. Ngôn ngữ cổ điển in đậm trong từng lời thoại của nhân vật nên cũng khó để có thể hiểu lời thoại ngay trong phút chốc. Các cử chỉ, điệu bộ của hát bội cũng mang tính ước lệ nên đối với các diễn viên trẻ đó là một thách thức để họ nhập tâm trong từng vai diễn của mình. Tìm kiếm được những tài năng có thể hát bội đã khó, để họ vững tin bước tiếp trên con đường nghệ thuật lại khó hơn gấp vạn lần. Đó là chưa kể gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên họ sau mỗi đêm khi họ rời khỏi ánh đèn sân khấu. Điều mà Ban giám đốc nhà hát luôn trăn trở là thu nhập của các nghệ sĩ hiện nay đang ở mức quá thấp. “Nhiều khi thấy đồng nghiệp phải gồng mình lo toan cho cuộc sống gia đình sau mỗi đêm diễn mà lòng xót xa. Chuyện mua sắm, du lịch, nghỉ dưỡng đối với anh em của đoàn là điều xa xỉ. Đời sống chật vật với đồng lương ít ỏi và số tiền bồi dưỡng cho mỗi đêm diễn (50.000-100.000 đồng/ suất diễn) đã làm không ít nghệ sĩ buộc phải rời bỏ ánh đèn sân khấu để mưu sinh” - NSƯT Ngọc Nga tâm sự.
Bài, ảnh: Thục Quyên
 
Kỳ tới: Những người giữ “lửa”