Thứ sáu, 22/1/2010, 10h01

Maritime Bank lập kỷ lục tài trợ áo đấu cho Bình Dương: Cuộc chơi ngành ngân hàng

Maritime Bank chi 15 tỷ đồng chỉ để xuất hiện tên trên ngực áo đấu của B.Bình Dương trong tất cả các giải mà đội bóng này tham gia năm 2010. Một số tiền kỷ lục. Người ta có cảm giác, bóng đá đang là cuộc đua ngầm của giới ngân hàng Việt Nam.

Chỉ riêng mùa bóng năm nay, ở V.League đã có một loạt ngân hàng tham gia. đó là NaviBank, SHBank, Bắc Á Bank, Maritime Bank. Và tất cả các đội bóng có các ngân hàng này bỏ tiền vào đều cho thấy việc đầu tư mạnh mẽ cho mùa giải mới.

Maritime Bank chi 15 tỷ đồng chỉ để xuất hiện tên trên ngực áo đấu của B.Bình Dương

Rất nhiều ngân hàng đến với BĐVN. Họ thành công có, thất bại cũng có. Điển hình như việc một loạt tên tuổi như Đông Á, ACB, Kiên Long đầu tư vào bóng đá nhưng thành tích đội bóng của họ lại không song hành với thành công của ngân hàng.
Nếu phải nhớ lại thì trước đó, Agribank tổ chức giải đấu mang tên họ, BIDV treo thưởng 500 triệu đồng cho đội tuyển bóng nữ thi đấu ở SEA Games 25. Eximbank, Navibank gắn với Cúp bóng đá TPHCM, HD Bank tài trợ giải U21 quốc tế. VCB và Vietcombank từng tài trợ cho đội tuyển bóng đá nam...
Đã có một thời, BĐVN được ví là cuộc chơi của ngành xây dựng cơ bản như Gạch, Gỗ, Thép, Xi măng, Sơn... Mùa giải 2008, người ta từng ví von BĐVN là cuộc đấu của ngành Xi măng (XM.HP, Vissai, Công Thanh) với ngân hàng (SHB, HN.ACB). Song, cùng với thời gian, ngành ngân hàng tỏ rõ ưu thế. Hiện tại dường như giới xi măng cũng không trụ lại được với giới ngân hàng, ít nhất là về số lượng. Navibank vừa đến với bóng đá đã gây sốc bởi những bước đầu tư mang tính dài lâu gồm việc xây dựng học viện bóng đá, tổ chức giải đấu, chuyển nhượng ngôi sao. Ngân hàng Bắc Á mới góp mặt với SLNA đã lập tức đầu tư ngoại binh chất lượng cao cho đội bóng...
Câu hỏi đặt ra là, tại sao các ngân hàng lại thích đầu tư vào bóng đá nhiều như vậy? Cuộc chơi của ngành ngân hàng là một cuộc đấu về thương hiệu. Việc đầu tư vào bóng đá ở Việt Nam mang hiệu quả về thương hiệu cực kỳ lớn.
Ngân hàng Đông Á có thể thất bại trong việc điều hành đội bóng nhưng họ vẫn thành công trong việc đưa thương hiệu của mình phổ cập rộng rãi trước công chúng. Các ngân hàng mới nổi, đặc biệt là các ngân hàng cổ phần muốn tên tuổi của mình nhanh chóng đến với người dân đều đã chọn bóng đá như một con đường tắt. Bóng đá là cuộc chơi tốn kém. Song, giới ngân hàng vốn làm ăn phát đạt suốt một thời gian dài vừa qua đủ sức tạo được một làn sóng đầu tư vào bóng đá. Họ không tiếc tiền, thậm chí so kè, cạnh tranh nhau về mức độ đầu tư.
Tất nhiên, người ta cũng có thể xem xét trường hợp đầu tư của Maritime Bank vào B.BD như một ví dụ về cách hợp tác của ngân hàng hướng tới những mối quan hệ song phương không đơn thuần chỉ là thương hiệu. Bởi lẽ, chính Maritime Bank là đơn vị đầu tư 750 tỷ đồng tài trợ tín dụng cho Becamex thực hiện một loạt dự án bất động sản. Hay Maritime Bank cũng từng mua 2000 tỷ đồng trái phiếu của Becamex IDC. Thế nên, việc đầu tư vào đội bóng thực tế cũng chỉ là một gói tài trợ trong mối quan hệ đầu tư giữa 2 phía.
Quốc Minh (theo baobongda)