Thứ ba, 8/7/2014, 21h07

Hàng không “biên giới”: Bài 1: Muôn màu máy ảnh giá rẻ

Hiện nay máy ảnh chính hãng bị cạnh tranh bởi hàng xách tay
Do khả năng tài chính của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam còn thấp, máy ảnh kỹ thuật số hay mất giá nên NTD sẵn sàng chọn mua hàng xách tay (người trong giới gọi là hàng không “biên giới”) để tiết kiệm chi phí. Hiện nay, dù các mặt hàng này trên thị trường chưa phát hiện hàng giả tuy nhiên chất lượng thì chưa được cơ quan nào kiểm chứng. Vì vậy NTD khi sở hữu một chiếc máy ảnh kỹ thuật số xách tay thì chỉ còn biết trông chờ vào… sự may rủi.
“Thả rông” về giá
Theo báo cáo của Bộ Công thương, trung bình mỗi tháng Việt Nam nhập khẩu hơn 33 ngàn chiếc máy ảnh, trong đó máy ảnh kỹ thuật số phổ thông (thuộc dòng Compact) chiếm 50%. Mặc dù hiện có nhiều loại điện thoại thông minh có tích hợp tính năng chụp ảnh với độ phân giải cao ra đời nhưng máy ảnh trong phân khúc từ 2-3 triệu đồng vẫn bán chạy. Tuy nhiên, NTD với tâm lý “hàng rẻ phải rẻ hơn” đã chọn mua hàng xách tay thay vì hàng chính hãng bởi chi phí chênh lệch từ 10-40%. Theo quy định của các hãng hàng không, máy ảnh có kích cỡ lớn hay nhỏ, chuyên nghiệp, bán chuyên hay chỉ sử dụng cho mục đích du lịch đều được cầm lên máy bay. Với lý do đó, hành khách vô tư mang chúng về thị trường Việt Nam. Còn với số lượng lớn thì chỉ cần chịu một khoản phí ký gửi hành lý là sẽ “thong thả” mang về nước mà không tốn một khoản thuế nào.
Tham khảo tại các cửa hàng có bán máy ảnh xách tay hút khách trên địa bàn TP.HCM như Khánh Long, Tấn Long, Vĩnh Hùng, Phú Quang…, chúng tôi thấy giá chênh lệch của mặt hàng này với hàng chính hãng gần gấp đôi. Chẳng hạn, dòng máy ảnh chuyên nghiệp (DSLR) Canon 70D Kit được bán ở cửa hàng Lê Bảo Minh (đơn vị độc quyền phân phối hàng chính hãng máy ảnh Canon tại Việt Nam) là 30,18 triệu đồng. Tuy nhiên, cùng sản phẩm đó nhưng là hàng xách tay tại cửa hàng Tấn Long chỉ có giá tầm 25 triệu đồng. Hoặc tại cửa hàng Vĩnh Hùng, chiếc máy ảnh hiệu Canon 60D xách tay giá là 15 triệu đồng, còn Canon 40D giá từ 6-7 triệu đồng; trong khi đó tại cửa hàng Lê Bảo Minh, Canon 60D có giá 22,4 triệu đồng và Canon 40D là 9 triệu đồng.
Thông thường, những chiếc máy ảnh xách tay sẽ không được hưởng bất kỳ chế độ bảo hành hay hậu mãi nào. Theo chia sẻ của chủ cửa hàng máy ảnh Khánh Long (Thương xá Tax, Q.1), máy ảnh xách tay vẫn được bảo hành ở một số nước châu Á (không có Việt Nam), Bắc Mỹ và Trung Đông… Tuy vậy, không ai dại gì gửi hàng xách tay trở lại nơi mua khi có hư hỏng vì chi phí không phải nhỏ.
Ham rẻ coi chừng rước họa
Thị trường máy ảnh “chợ đen” tại TP.HCM rất nhiều nhưng tạm thời không tồn tại hàng giả. Tuy nhiên, việc các cửa hàng tân trang máy cũ thành máy mới là phổ biến nên luôn bị khách hàng khiếu nại. Bạn Nguyễn Minh Quân, sinh viên năm cuối Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM chuyên săn lùng hàng xách tay trên mạng, cho biết: “Theo tham khảo của tôi gần 4 năm qua, các loại máy ảnh xách tay dạng Compact của Canon, Nikon, Sony, Olympic… đều là hàng tồn (hàng outlet) của Nhật, hoặc là những máy ảnh đã qua sử dụng tại các nước Mỹ, châu Âu được các cửa hàng tại Việt Nam tân trang và bán lại”.
Tuy có ưu điểm là giá thấp hơn nhiều so với hàng chính hãng nhưng máy ảnh xách tay vẫn chứa nhiều khuyết điểm mà NTD cần cân nhắc khi mua. Thứ nhất, chế độ bảo hành chỉ từ 6-12 tháng, nơi bảo hành lại là các cửa hàng mua bán máy ảnh nên phụ kiện sửa đa phần là “chế” lại chứ không có phụ kiện chính hãng. Thứ hai, để có thêm lợi nhuận, các cửa hàng đã thay thế một số phụ kiện rời như pin, sạc bằng đồ lô (đồ nhái hoặc sửa lại ở trong nước nên chất lượng kém). Thứ ba, máy ảnh xách tay sẽ mất giá rất nhiều khi người sử dụng có ý định bán lại.
Ngày 1-7, chị Lê Triều Ngân (Q.Tân Phú) tới cửa hàng Khánh Long mua một máy ảnh xách tay hiệu Canon 60D với giá 15 triệu đồng. Khi mang về chị mới phát hiện có 2 con ốc trên thân máy bị xước, số serie dưới đít máy bị tróc chữ. Chị Ngân khiếu nại thì phía cửa hàng giải thích là hàng Canon số serie cái nào cũng vậy. Tuy nhiên, khi chị Ngân đến cửa hàng Lê Bảo Minh hỏi mua chiếc máy ảnh cùng loại, khi lấy tay chà mạnh số serie trên máy (chính hãng) thì không hề bị phai. Theo thỏa thuận, chị Ngân đành chấp nhận mất 500 ngàn đồng để trả máy lại cho cửa hàng Khánh Long. Hay trường hợp của bạn Nguyễn Thanh Phong, sinh viên báo chí năm cuối Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM khi mua máy xong, về nhà kiểm tra lại mới biết máy đã chụp hơn 22 ngàn shots (chỉ số lần bấm máy để tạo ra một bức hình). Theo nhiếp ảnh gia Vũ Hải Sơn, khi mua máy ảnh xách tay hay máy đã qua sử dụng cần có những thao tác kiểm tra như sau: Yêu cầu cửa hàng cho kiểm tra shots bằng phần mềm chuyên dụng trên máy tính, nếu vượt qua con số 10 ngàn shots thì không nên mua. Sau đó thử chụp một tấm hình, bỏ vào máy tính để phóng to (zoom) hình ảnh lên, nếu thấy có những chấm đỏ quá nhiều thì không nên mua vì hình ảnh đã bị nhiều “điểm chết”.
Nhiều người sử dụng có quan niệm rằng máy ảnh có độ phân giải (MP: số chấm) càng cao thì hình càng đẹp là một quan niệm cực kỳ sai lầm. Nhất là những loại máy ảnh không chuyên, máy ảnh cầm tay lại càng không đúng.
Bài, ảnh: Lộc Sâm
“Tùy thuộc vào mục đích sử dụng (đi du lịch, chụp ảnh kỉ niệm gia đình, hay phục vụ ảnh báo chí…) mà chọn cho mình một loại máy phù hợp. Một người sử dụng máy ảnh xách tay thông minh sẽ kiểm tra những thông số máy ảnh, chuẩn màu, độ nét, bokeh (vùng bị nhòa mờ trong bức ảnh), shots, ống kính… trước khi thanh toán”, nhiếp ảnh gia Vũ Hải Sơn cho biết.