Thứ năm, 27/11/2014, 22h11

Vụ hàng trăm học sinh không đến trường ở Hà Tĩnh: Phải dạy thêm, dạy bù để hoàn thành chương trình

HS Trường Tiểu học Hương Vĩnh (Hương Khê, Hà Tĩnh) trong ngày 20-11. Ảnh: I.T

Từ đầu năm học 2014-2015, hàng trăm học sinh (HS) ở xã Hương Bình, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh không đến trường vì phụ huynh phản đối sáp nhập trường. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình học tập của HS nơi đây.
Trao đổi với báo chí về vụ việc này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển  cho biết: Sáng 25-11, tại Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp về vụ việc hàng trăm HS ở Hương Bình không đến trường. Cùng dự có Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, lãnh đạo huyện Hương Khê và về phía Bộ GD-ĐT tôi đại diện đến dự. Thực ra, ngay từ giữa tháng 10, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp có ý kiến yêu cầu phải đảm bảo để các cháu HS đến trường, tuyệt đối không được để ảnh hưởng xấu đến việc học tập của các cháu. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng đã một số lần trao đổi với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh trên tinh thần đó. Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã có báo cáo về công tác, biện pháp chỉ đạo, thuyết phục cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận động, thuyết phục người dân cho con em đi học trở lại sau khi tiến hành sáp nhập Trường THCS Hương Bình và Trường THCS Hòa Hải và Phúc Đồng. Tỉnh cũng báo cáo rõ là việc sáp nhập được chuẩn bị kỹ lưỡng và thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh từ mấy năm nay đạt kết quả tốt. Cũng có một vài nơi ban đầu chưa được đồng thuận cao như ở xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ năm 2012 nhưng sau đó địa phương tập trung giải thích, thuyết phục nên các cháu đều đi học. Đối với Hương Bình, lãnh đạo tỉnh, trực tiếp là các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đều đã trực tiếp chỉ đạo để xử lý nhưng quá trình vận động gặp khó khăn hơn. Tỉnh cam kết sẽ thực hiện các biện pháp đảm bảo các cháu HS đến trường và tỉnh đã chuẩn bị các phương án để các cháu học bù đảm bảo chương trình năm học.
PV: Vậy quan điểm của Bộ GD-ĐT về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Chủ trương sáp nhập trường học các cấp tại một số địa phương để đẩy mạnh phát triển giáo dục theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả đầu tư và chất lượng dạy học là đúng định hướng phát triển của ngành giáo dục sau khi chúng ta đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục theo chiều rộng. Sau khi sáp nhập, nhiều trường học ở các địa phương được đầu tư mạnh mẽ, có cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện học tập tốt hơn cho HS, năng lực giáo viên cũng được nâng lên khi họ có thêm cơ hội sinh hoạt trong các tổ chuyên môn do việc sáp nhập trường mang lại. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ GD-ĐT là sắp xếp lại các trường học để nâng cao chất lượng dạy học nhưng phải đảm bảo quyền lợi giáo dục của trẻ em; các cháu phải được đi học đầy đủ trước khi nói đến việc nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là ở miền núi. Giải quyết vụ việc ở Hương Bình thuộc trách nhiệm của chính quyền, gia đình và nhà trường tỉnh Hà Tĩnh, nhưng Bộ GD-ĐT cũng đã xem xét lại các quy định, quy trình hướng dẫn sáp nhập trường học và về tổng thể các văn bản quản lý Nhà nước không có vấn đề gì lớn. Trên thực tế các địa phương khi thực hiện chủ trương chỉ có một số nơi có vướng mắc nhưng đã được tháo gỡ kịp thời theo tinh thần trước hết phải đảm bảo quyền được đi học của trẻ em. Tỉnh đã báo cáo trước cuộc họp tình hình cụ thể về số HS chưa đến trường của THCS và cả số HS của trường không sáp nhập (mẫu giáo, tiểu học) mà cũng không đến trường; xác định trách nhiệm thuộc địa phương. Nhận trách nhiệm và cam kết trước Phó thủ tướng thì tôi tin là tỉnh sẽ có giải pháp thỏa đáng.
Xin ông cho biết thêm Phó thủ tướng có chỉ đạo như thế nào?
Tôi không thể nói chi tiết nhưng Phó thủ tướng đã yêu cầu phải làm tất cả những gì cần thiết trên tinh thần trách nhiệm cao nhất để các cháu đến trường, không thể vì chuyện của người lớn mà ảnh hưởng đến học hành của các cháu, không được để cháu nào mất một năm học vì người lớn. 
Hàng trăm HS không được đến trường chỉ vì người lớn không đồng tình với chủ trương, chính sách của địa phương. Ông nghĩ sao về chuyện này?
Có lẽ không chỉ cá nhân tôi mà tất cả chúng ta phải đặt lợi ích của con cháu mình lên trên hết. Hãy khoan bàn đến sự tranh cãi, đúng sai của người lớn, điều cần nhất bây giờ là các cháu được trở lại lớp học, càng sớm càng tốt.
Cấp ủy, chính quyền địa phương phải tìm mọi cách để thực hiện bằng được điều này trong thời gian sớm nhất, đồng thời chuẩn bị đầy đủ phương án về thời gian, giáo viên, kinh phí cho việc dạy thêm, học bù để các em HS hoàn thành chương trình học đúng quy định của Bộ GD-ĐT.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (lược ghi)