Thứ sáu, 26/12/2014, 10h12

Vụ việc Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM: Hai văn bản của Sở GD-ĐT TP.HCM không quyết định ngược nhau

Trường CĐ CNTT TP.HCM
Sau khi tiếp nhận hai công văn của Sở GD-ĐT TP.HCM, Đảng ủy Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin TP.HCM (CĐ CNTT) đã có công văn số 75/CV-ĐU “cử đại diện tham gia Hội đồng quản trị (HĐQT) trường nhiệm kỳ 2014-2019” gửi HĐQT trường nhiệm kỳ 2008-2013, do PGS.TS Nguyễn Tác Anh - Bí thư Đảng ủy ký ngày 16-12-2014. Tuy nhiên, PGS.TS Anh đã “biến” điều “không có thành có” gây ra việc hiểu sai về sự chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM.
Công văn mâu thuẫn?
Đảng ủy Trường CĐ CNTT nhận được công văn số 22/HĐQT (ngày 9-12-2014) của Chủ tịch HĐQT trường nhiệm kỳ 2014-2019 theo nội dung công văn 4268/GDĐT-TC của Phó giám đốc Sở GĐ-ĐT Phạm Ngọc Thanh ký.
Sau khi thảo luận trong tập thể, Đảng ủy trường đã có nghị quyết về vấn đề này: Công văn 4268 có nội dung mâu thuẫn, trái ngược với nội dung công văn 3068 của Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn ký, về việc khẳng định không có căn cứ pháp lý để công nhận HĐQT trường do Đại hội cổ đông bầu ngày 7-8-2014 là hồ sơ đề nghị công nhận HĐQT chưa có văn bản thống nhất, xác nhận các loại vốn của trường và đại diện sử dụng phần vốn này để làm cơ sở cho việc xác định cổ phần của cổ đông tham gia bầu HĐQT. Công văn 4268 của Sở GD-ĐT TP trích dẫn hướng dẫn của công văn 5657/BGDĐT-TCCB của Bộ GD-ĐT trả lời UBND TP có nội dung “qui định về HĐQT, hiệu trưởng trường CĐ tư thục phải thực hiện theo điều lệ trường CĐ hiện hành”, đã vi phạm Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật năm 2008, tại điều 83 “áp dụng văn bản qui phạm pháp luật”… Trong khi đó, điều lệ trường CĐ hiện hành có các qui định về tổ chức và hoạt động trái với qui định của Luật Giáo dục ĐH năm 2012.
Nguồn vốn chủ sở hữu của trường thể hiện trên các báo cáo tài chính hàng năm đã được kiểm toán, xác nhận cơ cấu nguồn vốn sở hữu chung hợp nhất, không phân chia chiếm gần 65% tổng vốn chủ sở hữu hình thành nên tài sản của trường, vốn góp thuộc sở hữu tư nhân chỉ có gần 36%... Đại hội cổ đông trường ngày 7-8-2014, chỉ bao gồm các cổ đông là cá nhân có ý nghĩa là ý chí của đại hội đó chỉ đại diện cho gần 36% cơ cấu nguồn vốn hình thành nên tài sản của trường. Bỏ qua vai trò, người đại diện lợi ích cộng đồng có thể dẫn tới lợi ích tập thể, lợi ích xã hội bị xâm phạm…
Từ những nhận định nêu trên, nhằm ngăn chặn lợi ích tập thể, lợi ích xã hội có thể bị chiếm đoạt từ nhóm lợi ích cá nhân, bảo đảm sự hoạt động của trường, Đảng ủy trường đề xuất, kiến nghị Đảng ủy Sở GD-ĐT có ý kiến về việc Ban Giám đốc sở không công nhận HĐQT trường vì những lý do nêu trên và việc bầu các thành viên HĐQT, cử Chủ tịch HĐQT đó không được thông qua cấp ủy Đảng của trường. Bỏ qua vai trò lãnh đạo của Đảng, trong cơ sở giáo dục ĐH. Đảng ủy trường không công nhận Đại hội cổ đông do nhóm cá nhân góp vốn của trường, vì thành phần tham gia đại hội không đại diện cho đầy đủ tất cả các nguồn vốn hình thành nên tài sản của trường. Như vậy, Đảng ủy trường không thể thực hiện việc cử người đại diện của tổ chức Đảng, đoàn thể tham gia vào HĐQT theo yêu cầu của Sở GD-ĐT.
Nội dung rõ ràng, nhất quán
Ngày 7-8, các cổ đông của Trường CĐ CNTT đã tổ chức Đại hội cổ đông năm 2014, bầu ra HĐQT và Ban kiểm soát mới. Đại hội xác định trường hoạt động theo cơ chế lợi nhuận (trước đó điều lệ của trường này xác định phi lợi nhuận). Đại hội cổ đông được triệu tập do các cổ đông góp vốn mà không có đại diện của người lao động là đại diện vốn sở hữu chung không chia (gần 65% cơ cấu vốn chủ sở hữu).
Đại diện Sở GD-ĐT TP đã giải thích: Hiện nay chỉ có quy định về việc quản lý vốn sở hữu chung không chia của trường ĐH và TCCN mà chưa có quy định của trường CĐ nên phải đại hội theo cổ phần.
Còn tại văn bản số 5657 của Bộ GD-ĐT, do Thứ trưởng Bùi Văn Ga (ký thay Bộ trưởng- ngày 13-10-2014) “thực hiện qui định của pháp luật và ổn định tổ chức các cơ sở giáo dục ĐH tư thục” gửi UBND TP cũng đã nêu rõ: Để phối hợp thực hiện qui định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục của Chính phủ, ngày 3-10-2014 tại TP.HCM, Bộ GD-ĐT đã làm việc với UBND TP, trao đổi một số vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục ĐH tư thục trên địa bàn TP, trong đó có Trường CĐ CNTT. Hai bên đã thống nhất, về quản lý các cơ sở giáo dục ĐH tư thục trên địa bàn TP như sau: Trong khi điều lệ trường ĐH, điều lệ trường CĐ mới qui định chi tiết Luật Giáo dục ĐH chưa ban hành, các qui định về tổ chức và hoạt động của trường ĐH, trường CĐ, trong đó có qui định về HĐQT, hiệu trưởng trường CĐ tư thục phải được thực hiện theo qui định tại điều lệ trường ĐH, điều lệ trường CĐ hiện hành.
Luật Giáo dục ĐH chưa ban hành, vậy Đảng ủy Trường CĐ CNTTcho rằngcông văn 4268 của sở trích dẫn hướng dẫn của công văn 5657, đã vi phạm Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật năm 2008, tại điều 83 “áp dụng văn bản qui phạm pháp luật”… là không chính xác.
Ông Phạm Ngọc Thanh - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết: “Tại công văn số 3068/GDĐT ngày 3-9-2014 của Sở GD-ĐT TP do ông Lê Hồng Sơn (Giám đốc Sở GD-ĐT TP) ký về “Báo cáo tình hình Đại hội cổ đông và việc công nhận HĐQT Trường CĐ CNTT” gửi Bộ GD-ĐT hoàn toàn không có câu nào khẳng định “Không có căn cứ để công nhận HĐQT do Đại hội cổ đông bầu ngày 7-8-2014” mà chỉ ghi: “Sở GD-ĐT chưa có đủ cơ sở pháp lý để công nhận HĐQT nhiệm kỳ 2014-2019 của trường” (điểm b, mục 2). Công văn tiếp theo, số 4268 do ông Phạm Ngọc Thanh - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP ký ngày 2-12-2014 về “Phản hồi tờ trình số 14/2014 HĐQT-CĐCNTT ngày 14-8-2014 của HĐQT Trường CĐ CNTT” gửi HĐQT Trường CĐ CNTT, Sở GD-ĐT TP ghi: “Do vậy, Sở GD-ĐT chưa có đủ cơ sở pháp lý để công nhận HĐQT nhiệm kỳ 2014-2019 của trường”. Ông Thanh khẳng định: “Như vậy, cả hai văn bản của Sở GD-ĐT gửi Bộ GD-ĐT và gửi HĐQT Trường CĐ CNTT là thống nhất, không quyết định ngược nhau. Ngoài ra, văn bản số 75/CV-ĐU ngày 16-12-2014 của Đảng ủy Trường CĐ CNTT gửi HĐQT trường (nhiệm kỳ 2008-2013) về cử đại diện tham gia HĐQT nhiệm kỳ 2014-2019 đã phản ánh không đầy đủ và không chính xác nội dung hai công văn trên của Sở GD-ĐT TP”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Tháng 4-2014, Thanh tra thuế phát hiện tuy Trường CĐ CNTT TP.HCM công bố phi lợi nhuận nhưng lại hoạt động vì lợi nhuận. Vì vậy, thanh tra thuế đề nghị phạt trường 6 tỷ đồng và truy thu thuế lên đến 12 tỷ đồng.