Thứ năm, 7/8/2014, 22h08

Bảo tồn đờn ca tài tử Nam bộ: Còn nhiều trăn trở

ĐCTT  thu hút khách du lịch ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: H.T
Chúng tôi được hưởng thú du ngoạn trên sông nước và xem chương trình đờn ca tài tử (ĐCTT) vào một tối đầu tháng 8. Có thể nói, chương trình tạo một không khí thoải mái và thân thiện với du khách…
Một loại hình hút du khách
Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tại các nhà hàng, khách sạn, hay điểm du lịch, khi đoàn khách yêu cầu thưởng thức ĐCTT là có ngay ban nhạc trình diễn. Ban nhạc thường có hai người: Một người hát và nhạc sĩ đệm nhạc bằng đàn guitar phím lõm. Tại nhà hàng Du thuyền bến Ninh Kiều, Cần Thơ, ĐCTT luôn biểu diễn hằng đêm. Chương trình văn nghệ tại đây bắt đầu từ 19 giờ 30 đến 21 giờ. Các nghệ sĩ thường hát vọng cổ nhịp 32, khi thì 6 câu, khi thì 4 câu có kèm tân nhạc, kiểu tân cổ giao duyên, hoặc là các trích đoạn cải lương, đệm nhạc chỉ có cây đàn guitar phím lõm. Làng du lịch Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ, một trong những điểm du lịch sinh thái có qui mô lớn cùng các loại hình dịch vụ du lịch phong phú nhất khu vực, thì chương trình ĐCTT cũng vẫn là bài ca cổ nhịp 32, trích đoạn các vở cải lương như Lan và Điệp, Nửa đời hương phấn, Bên cầu dệt lụa…    
Không thể phủ nhận, loại hình ĐCTT, nghĩa là người nghe cùng tham gia đờn ca, là sân chơi nghệ thuật góp phần không nhỏ trong việc thu hút khách du lịch đến với đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Cần Thơ nói riêng. Ông Phạm Minh Sáng, Phó giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Mỹ Khánh, Cần Thơ, cho biết: “Hầu hết những đoàn khách đến đây đều yêu cầu thưởng thức ĐCTT, nhất là các đoàn miền Bắc. Du khách nước ngoài cũng say mê. Dù họ không hiểu lời ca nhưng rất thích giai điệu ngọt ngào, phong cách trình diễn dân gian, mộc mạc của nghệ nhân”.
Còn nhiều trăn trở
Nhạc sĩ Hồ Hoàng, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cần Thơ, băn khoăn: “Hiện nay, hầu hết các buổi trình diễn ĐCTT, nghệ sĩ chỉ hát điệu vọng cổ nhịp 32, kết hợp với việc trình diễn của người xem, nên phải gọi chính xác loại hình này là “hát vọng cổ theo kiểu chơi tài tử”. Nghệ thuật ĐCTT đúng nghĩa thì nghệ nhân phải hát ít nhất một trong 20 bản tổ... Ban nhạc tối thiểu phải có 4 nhạc cụ, trong đó cây đờn kìm có vai trò giữ nhịp… Cách hát hiện nay sẽ khiến du khách ngộ nhận về nghệ thuật ĐCTT Nam bộ”.
 Toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long có hơn 15.000 câu lạc bộ ĐCTT với hơn 14.000 nghệ nhân tham gia. Đây là những bạn bè, hàng xóm với nhau. Họ tập trung lại để cùng chia sẻ thú vui tao nhã này sau một ngày lao động. “Điểm” trình diễn có thể là sân nhà, sân vườn của một thành viên nào đó. Một số câu lạc bộ mang tính bán chuyên nghiệp, sẵn sàng phục vụ văn nghệ khi có yêu cầu… Nhưng đại đa số câu lạc bộ cũng chỉ hát vọng cổ nhịp 32, rất hiếm câu lạc bộ có nghệ nhân đàn và hát được 20 bài tổ.
Trường Trung cấp Nghệ thuật Cần Thơ mỗi năm cho ra trường một ban đờn, nhưng không ban nào đờn được nghệ thuật ĐCTT đúng nghĩa. NSƯT Trúc Linh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ĐCTT Tây Đô, và nhiều nghệ sĩ, nhà hoạt động nghệ thuật rất lo âu trước nguy cơ sẽ thất truyền nghệ thuật ĐCTT: Toàn khu vực thiếu trầm trọng nghệ nhân đờn, do các bậc trưởng bối trong lĩnh vực ĐCTT dần dần qua đời vì tuổi già sức yếu, còn rất ít danh cầm chơi được loại hình nghệ thuật này. NSƯT Trúc Linh ưu tư: “Chỉ cần khoảng 6 tháng là có thể học ca được nghệ thuật tài tử, nhưng người học đờn phải tốn ít nhất 3 năm, thậm chí lâu hơn mới có thể đờn được những bài bản tổ. Do vậy, nhiều người theo học nhạc cụ dân tộc chỉ muốn học một số bài dễ sử dụng, mang tính phổ biến, đơn giản, như đờn vọng cổ nhịp 32, các bài bản nhỏ, thông dụng, chủ yếu để biểu diễn phục vụ kiếm tiền. Họ không bỏ công tập luyện để đờn được 20 bài bản tổ, nghĩa là phải biết: 3 nam, 6 bắc, 7 bắc lễ, 4 oán, và vọng cổ nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16… Chỉ khi tham gia các cuộc thi ĐCTT thì họ mới tập luyện theo tiết mục dự thi”.
Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, theo các nghệ nhân và các nhà văn hóa, rất cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp, hỗ trợ kinh phí để đầu tư tổ chức mở rộng việc đào tạo, mở lớp truyền nghề cho những nghệ nhân đờn. Rõ ràng, nếu khan hiếm hoặc không có nghệ nhân đờn thì làm sao hình thành được ban đờn cho nghệ nhân hát tài tử đúng bài bản?
Đan Phượng
Nên có nhiều hình thức tuyên truyền
Bà Văn Thị Kim Chi, Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ cho biết, Sở GD-ĐT cần phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức thí điểm đưa âm nhạc tài tử vào trường học. Bên cạnh đó, lãnh đạo các tỉnh - thành cần tổ chức, phát động nhiều cuộc thi sáng tác về ĐCTT nhằm khích lệ, khen thưởng, tạo thêm nhiều tư liệu phong phú, bài bản, chương trình hay và nhân rộng. Có như vậy mới bảo tồn và phát huy được loại hình nghệ thuật đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.