Chủ nhật, 5/10/2014, 10h10

Chống lạm thu đầu năm: Thu sai phải trả lại tiền

Nhiều phụ huynh cho rằng Trường TH Kỳ Đồng (Q.3, TP.HCM) lạm thu đầu năm. Ảnh: Q.H

Đầu tháng 10-2014, qua phản ánh của báo chí và nhân dân, ở một số cơ sở giáo dục vẫn xảy ra việc thu góp trái quy định, ép buộc học sinh may (mua) quần áo đồng phục gây bức xúc trong dư luận xã hội, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc chấn chỉnh lạm thu trong các cơ sở đào tạo.
Bộ GD-ĐT yêu cầu UBND các tỉnh, TP có hình thức xử lý nghiêm, kịp thời đối với hiệu trưởng những cơ sở giáo dục để xảy ra tiêu cực trong việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS) để thu góp hoặc ép buộc HS may (mua) quần áo đồng phục trái quy định. Sau khi công văn này ra đời, trao đổi với báo chí, ông Bùi Hồng Quang, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD-ĐT cho biết: Năm 2011, Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư 55 quy định điều lệ BĐDCMHS. Trước thời điểm ban hành, bộ cũng có nhiều văn bản gửi cho UBND các tỉnh, sở GD-ĐT địa phương chấn chỉnh lạm thu trong trường học thông thường xảy ra đầu năm học mới. Tình trạng lạm thu thường xảy ra tại các TP lớn, nơi có điều kiện kinh tế, xã hội thuận lợi. Thông tư 55 đã quy định rất rõ tổ chức hoạt động của BĐDCMHS. Trong đó, quy định rất rõ nhiệm vụ, quyền hạn từ trưởng ban đại diện đến từng thành viên. Đặc biệt, trong thông tư này cũng quy định kinh phí hoạt động của BĐDCMHS. Chúng tôi cũng khẳng định kinh phí này có nguồn từ sự ủng hộ tự nguyện của phụ huynh HS. Tuy nhiên chúng tôi cũng quy định rất rõ, chặt chẽ về quản lý và sử dụng kinh phí của BĐDCMHS. Chúng tôi cũng quy định BĐDCMHS không được quyên góp những khoản của người học và gia đình người học gồm những nội dung gì? Đây là những nội dung dễ bị lợi dụng, một số người cho rằng thông qua ban đại diện dễ bề thu quyên góp. Chúng tôi quy định BĐDCMHS không được thu những khoản không theo nguyên tắc tự nguyện như tiền bảo vệ cơ sở vật chất, trông coi phương tiện, vệ sinh lớp học, thu khen thưởng cán bộ quản lý giáo viên nhà trường, các khoản mua sắm máy móc, trang thiết bị dạy học, sửa chữa nâng cấp xây dựng mới các công trình trong trường... cái này đã được quy định từ năm 2011. Nếu đã quy định nhưng cứ thu thì là vi phạm. Tuy nhiên vẫn xảy ra sai phạm. Vi phạm này là vi phạm pháp luật.
PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình thực hiện các văn bản của Bộ GD-ĐT về vấn đề lạm thu trong các trường học hiện nay?
Tôi thấy có mấy điều. Thứ nhất: Trách nhiệm đầu tiên là trách nhiệm của thủ trưởng cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục. Khoan hãy nói đến ban đại diện. Chính thủ trưởng phải chịu trách nhiệm đầu tiên khi để xảy ra chuyện này. Tất cả các khoản thu sai là do ông này làm sai, giáo viên làm sai, ban đại diện làm sai, chủ nhiệm làm sai thì thủ trưởng phải chịu trách nhiệm. Ông không quán triệt tinh thần này, không quán triệt tất cả các quy định của văn bản Nhà nước. Giáo viên làm sai hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Còn có những chuyện liên quan đến kinh phí, mọi người vẫn đặt câu hỏi có thiếu hụt hay không? Chúng ta đều biết, đối với tất cả các cấp học từ mầm non đến THPT, ngân sách bố trí là do trách nhiệm của địa phương. Phân bổ ngân sách theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bố trí ngân sách là địa phương. Chính phủ quy định phân bổ ngân sách dân số theo độ tuổi, không phải phân bổ theo đầu HS. Ở mỗi địa phương có xây dựng tiêu chí riêng nhưng có một nguyên tắc chung phải đảm bảo tối đa 80% chi thường xuyên để phục vụ chi trả cho lương và các khoản chi có tính chất lương, còn lại 20% chi thường xuyên cho công tác giảng dạy, học tập và quản lý nhà trường. Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục không đảm bảo được cơ cấu quy định. Đa số dành 85-90% thậm chí hơn 90% kinh phí chi thường xuyên đã trả lương và những khoản liên quan đến lương. Do đó thiếu hụt cho khoản học tập, quản lý nhà trường. Tuy nhiên, dựa vào lý do đó để bắt HS đóng góp là không được. Nguyên tắc là các địa phương phải thực hiện đủ cơ cấu 80% - 20%, đúng tiêu chuẩn của Chính phủ. Không phải cứ thế là đè đầu HS đóng góp.
Bộ đã có văn bản chỉ đạo. Nhưng có cách nào để xử lý những trường hợp sai phạm, thưa ông?
Ngoài có các văn bản chấn chỉnh, bộ thường tổ chức thành lập các đoàn thanh tra, có sự tham gia của các vụ chức năng cùng kiểm tra các địa phương thực hiện nhiệm vụ đầu năm học. Trong nội dung đi thanh tra có nội dung thu học phí đầu năm trong các cơ sở giáo dục. Sau đó, bộ có kết luận, chỉ đạo trực tiếp, khuyến nghị đối với địa phương chấn chỉnh sai phạm đối với các cơ sở giáo dục nếu có. Theo đánh giá, năm nay, một số tỉnh TP lớn có nhiều dấu hiệu tích cực trong việc chống lạm thu đầu năm như Thanh Hóa, TP.HCM, TP.Hà Nội. Ngoài văn bản chấn chỉnh, hướng dẫn kiểm tra yêu cầu đầu tiên là các địa phương phải bố trí đủ ngân sách cho giáo dục. Ngoài ra Nhà nước cũng có nhiều chương trình khác hỗ trợ như chương trình kiên cố hóa trường lớp để tăng cường cơ sở vật. Chúng tôi thống nhất, cái gì thu sai phải trả lại cho HS. Chúng tôi cũng đề nghị công tác bồi dưỡng tập huấn hè hàng năm phải đưa nội dung này vào cho giáo viên. Việc để xảy ra tình trạng lạm thu có thể thấy hiệu trưởng các trường có bao nhiêu người nắm được quy định BĐDCMHS. Rồi trách nhiệm của các bên, kể cả phụ huynh HS. Chúng ta cần sự vào cuộc của cả phụ huynh.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)