Thứ ba, 28/4/2015, 22h04

Cuộc thi Vô địch tiếng Anh THCS 2015: Sân chơi ý nghĩa, thiết thực

4 đội tranh tài trong phần đối đầu

Bài hùng biện rõ ràng, từ ngữ chính xác, mang tính học thuật cao, khả năng sử dụng tiếng Anh lưu loát, biểu cảm... là những kiến thức nổi bật của các thí sinh (TS) tại vòng chung kết cuộc thi Vô địch tiếng Anh THCS TP.HCM 2015.
Cuộc thi do Báo Giáo TP.HCM và Công ty CP Giáo dục Yola tổ chức dành cho TS khối 6, 7, 8 tham gia.
Không cứ học trường nổi tiếng là giỏi tiếng Anh
Đến vòng chung kết, 48 TS đại diện cho 12 trường THCS tham gia thi đấu. Cụ thể các cặp đội Hai Bà Trưng (Q.3) - Võ Trường Toản (Q.1); Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) - Colette (Q.3); Minh Đức (Q.1) - chuyên Trần Đại Nghĩa; Lê Lợi (Q.3) - Trần Văn Ơn (Q.1); Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình) - Lê Quý Đôn (Q.3); Ngô Quyền (Q.Tân Bình) - Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình) (4 TS/trường/đội) thi đấu với nhau ở 2 phần Hùng biện, đánh vần nhanh Đấu trí.
Đúng như chủ đề tại vòng thi này, các TS thể hiện kiến thức vô cùng sôi nổi, ấn tượng. Phần hùng biện rõ ràng, từ ngữ chính xác, mang tính học thuật cao... giúp cho Ban giám khảo dễ dàng theo dõi. Nổi bật phải kể đến đội Minh Đức - chuyên Trần Đại Nghĩa. Bốc thăm được chủ đề đồng ý và không đồng ý với việc lắp đặt camera trong trường học, đội Minh Đức đã thuyết phục Ban giám khảo, khán giả thông qua các dẫn chứng về vai trò, tác dụng của camera. Phương tiện này giúp giáo viên, giám thị có thể giám sát, xử lý mọi sự việc xảy ra ở sân trường như mất đồ đạc, bạo lực học đường... Ngược lại, đội chuyên Trần Đại Nghĩa đã phản đối quyết liệt khi cho rằng lắp camera khiến học sinh không thoải mái, gây tốn kém và học sinh sẽ giấu đi mọi khuyết điểm, giáo viên không biết được tính cách, hạn chế của từng học sinh để uốn nắn, chỉnh sửa.

Các đội tranh tài phần hùng biện và đánh vần nhanh

Phạm Sơn Hoàng (lớp 8A8, THPT chuyên Trần Đại nghĩa) cho biết: “Vấn đề nào cũng có hai mặt nhưng quan trọng khi hùng biện phải đưa ra được nội dung thiết thực, dẫn chứng chặt chẽ, rõ ràng. Bên cạnh đó, kỹ năng hùng biện cũng đòi hỏi cao. TS nên nhìn vào khán giả, không nên lệ thuộc vào nội dung trên giấy, sử dụng tiếng Anh cần biểu cảm, tự nhiên, như thế cuộc hùng biện sẽ diễn ra một cách đúng nghĩa. Trong quá trình làm việc cần phát huy tinh thần làm việc nhóm, sự hỗ trợ qua lại luôn giúp cuộc chơi thành công hơn”.
Đến phần đối đầu, còn lại 4 đội tham gia tiếp tục gây bất ngờ cho Ban giám khảo khi thể hiện tốt kiến thức khoa học, toán học, văn học, xã hội và ngôn ngữ học thông qua các gói câu hỏi từ 10-60 điểm.

Bà Lê Ý Cơ, Phó tổng biên tập Báo Giáo dục TP.HCM (trái) và ThS. Trần Đình Nguyễn Lữ, chuyên viên tiếng Anh, Sở GD-ĐT (phải) trao giải nhì cho đội Trường THCS  Nguyễn Gia Thiều

Điểm đặc biệt của cuộc thi đó là trước khi tranh tài, các đội tham gia bốc thăm thi đấu cùng nhau. Mục đích nhằm đạt sự công bằng về trình độ kiến thức trong quá trình thi đấu. Đồng thời trình độ của TS được thể hiện trực tiếp trên sân khấu để tất cả mọi người cùng tham gia đánh giá.
ThS. Lương Lệ Khoa, Trưởng chương trình tiếng Anh thiếu niên (Yola English Junior) cho biết: “Một số phụ huynh than thở sẽ không công bằng khi TS trường có danh tiếng thi đấu với trường bình thường. Thực tế không phải cứ học tập trong ngôi trường danh tiếng là sẽ giúp các em chiến thắng. Bởi ngoài kiến thức căn bản, đòi hỏi TS phải có kiến thức sâu rộng về cuộc sống xung quanh cũng như kỹ năng mềm. Vì thế chúng tôi yêu cầu các đội phải bốc thăm, thi đấu trực tiếp trên sân khấu để tạo sự công bằng cho các em”.
Trải nghiệm để hình thành các kỹ năng
Năm 2014, cuộc thi được tổ chức lần đầu, thu hút hàng ngàn TS trên khắp các trường THCS tham gia. Cuộc thi năm nay tiếp nối với sự tham gia của hơn 1.800 TS. Theo đó, cấu trúc đề thi không khác nhiều so với năm trước. Nội dung 3 vòng thi bao gồm câu hỏi trắc nghiệm về khoa học, tự nhiên, xã hội, văn hóa, lịch sử bằng tiếng Anh, gần gũi với cuộc sống của TS để TS tư duy thể hiện vốn sống.

ThS. Nguyễn Thanh Tú, Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM (thứ tư từ trái sang) và ông Phạm Anh Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Giáo dục Yola (phải) trao giải nhất cho đội Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa

ThS. Lương Lệ Khoa chia sẻ, phần viết luận, phỏng vấn, hùng biện, đánh vần nhanh, đấu trí nhằm tạo cơ hội cho TS kiểm tra toàn diện 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Đơn cử kỹ năng giao tiếp được nâng cao qua phần phỏng vấn trực tiếp cùng Ban giám khảo. Hay hùng biện sẽ trang bị cho TS kỹ năng học thuật, khả năng sáng tạo độc lập cần thiết cho môi trường học tập phổ thông trong nước và quốc tế sau này. Những kiến thức này được TS tái hiện trong đầu bằng tiếng Anh, thúc đẩy sự tò mò, tìm hiểu, ôn luyện và cập nhật kiến thức mới. Từ đó các TS tiếp tục luyện tập khả năng tư duy, cân nhắc những vấn đề đạo đức vào phần thi của mình, giúp TS định hình được nhân cách của bản thân. Đây cũng chính là tiêu chí trong chương trình tiếng Anh thiếu niên tại Yola.
Bà Lê Ý Cơ, Phó tổng biên tập Báo Giáo dục TP.HCM cũng nhận định: “Thông qua cuộc thi, TS có cơ hội kiểm tra các kỹ năng tiếng Anh, kiến thức chung về khoa học, xã hội và sử dụng các kỹ năng tư duy, làm việc theo nhóm để giải quyết vấn đề. Đồng thời TS các trường được giao tiếp, trao đổi kinh nghiệm học tập bằng tiếng Anh, kinh nghiệm tổ chức các hoạt động ngoại khóa... từ đó nâng cao ý thức học tập, rèn luyện tiếng Anh hơn nữa”.
Kết quả chung cuộc, đội Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa xuất sắc giành giải nhất. Giải nhì thuộc về đội Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, giải ba thuộc về đội Trường THCS Hoàng Hoa Thám và giải khuyến khích thuộc về đội Trường THCS Võ Trường Toản.
Trước những mục đích và ý nghĩa trên, ThS. Trần Đình Nguyễn Lữ, chuyên viên tiếng Anh, Sở GD-ĐT đã đánh giá cao về cuộc thi. Trên tinh thần đại diện cho Sở GD-ĐT, ông cảm ơn Ban tổ chức đã mở ra sân chơi hữu ích, tăng cường, nâng cao khả năng học tập tiếng Anh cho các TS. Theo ông, cuộc thi có sự chuẩn bị chu đáo, cấu trúc đề thi hợp lý, khoa học. Về khả năng của TS, ở phần hùng biện, thời gian chỉ tối đa 5 phút nên TS chưa đưa ra được những câu hỏi làm khó đối phương, một số em còn lệ thuộc vào bài soạn. Tuy nhiên xuyên suốt cuộc thi, TS thể hiện tốt các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, tư duy phản biện và cả kiến thức chung. Ban tổ chức nên phát huy, mở rộng sân chơi này đến các em hơn nữa.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
 
Tất cả đều chiến thắng: ThS. Nguyễn Thị Thiên Khoa, ĐH Birmingham (Anh) cho biết: “Ở tuổi chúng tôi, trình độ tiếng Anh chưa thể giỏi bằng các em. Các em thể hiện kiến thức, kỹ năng hết sức xuất sắc, bài hùng biện rõ ràng, từ ngữ chính xác, mang tính học thuật cao. Mặc dù có đội về nhất, về nhì nhưng vào đến vòng cuối xem như tất cả các em đều chiến thắng, hơn hết là tinh thần học hỏi của các em rất cao”.
Cần lan tỏa thêm đến gia đình, nhà trường: “Nếu có thêm sự tham gia của phụ huynh, giáo viên thì cuộc thi sẽ thú vị, ý nghĩa hơn. Được tác động về tinh thần về dạy học tiếng Anh hiện nay, phụ huynh sẽ biết cách quan tâm, hỗ trợ con cái hơn nữa trong quá trình học tập. Bản thân giáo viên cũng nâng cao chất lượng giảng dạy hơn nữa”, bà Thùy Hương, mẹ Lý Thiên Ân (lớp 6/6, THCS Hoàng Hoa Thám) cho biết.