Thứ sáu, 2/1/2015, 15h01

GDĐH định hướng nghề nghiệp ứng dụng: Động lực để các trường “lột xác”

SV Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch trong giờ học thực hành. Ảnh: A.K

Từ năm 2005, chương trình giáo dục đại học (GDĐH) định hướng nghề nghiệp (POHE) chính thức được đưa vào thí điểm tại Việt Nam dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của nhóm các trường ĐH hàng đầu Hà Lan. Đến nay đã có khoảng 50 chương trình POHE được triển khai tại 8 trường ĐH trên cả nước. Mới đây, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức diễn đàn các bên liên quan trong GDĐH định hướng nghề nghiệp ứng dụng tại Việt Nam.
Sẽ phát triển hệ thống ĐH ứng dụng
Theo ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD-ĐT, dự án POHE giai đoạn 1 đã xây dựng và triển khai thành công 10 chương trình POHE thực hiện thí điểm tại 8 trường ĐH Việt Nam, phân bố đều khắp từ miền Bắc đến miền Nam. Từ năm 2010 đến nay, đã có gần 2.000 sinh viên tốt nghiệp các chương trình đào tạo POHE và được thị trường lao động hài lòng đón nhận. Dự án đã bước đầu đảm bảo mục tiêu tạo ra cho mỗi cơ sở đào tạo một chiến lược giảng dạy có tiếp xúc với đơn vị sử dụng lao động. Tính năng động của sinh viên, giảng viên với doanh nghiệp cũng như sự hợp tác rõ ràng của các đơn vị sử dụng lao động trong quá trình quản trị nhà trường. Theo ông Bùi Anh Tuấn, trong Luật GDĐH có chủ trương phân tầng giáo dục ĐH, trong đó sẽ hình thành các cơ sở GDĐH định hướng thực hành, định hướng ứng dụng và định hướng nghiên cứu. Hiện nay, Bộ GD-ĐT cũng đã hoàn thiện dự thảo nghị định phân tầng và xếp hạng các cơ sở GDĐH và sẽ trình Chính phủ ban hành, theo đó các cơ sở GDĐH định hướng ứng dụng sẽ chiếm số lượng đáng kể trong toàn hệ thống. Như vậy, mô hình GDĐH theo định hướng nghề nghiệp sẽ trở thành xu thế phát triển chính trong đào tạo ĐH Việt Nam. Đồng quan điểm này, bà Phạm Thị Ly (Viện Đào tạo Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng GDĐH định hướng nghề nghiệp là một xu hướng đã có chỗ đứng vững chắc ở Hà Lan, Ba Lan và nhiều nước châu Âu.
Động lực để thay đổi
Cũng theo bà Ly, thách thức trong việc thực hiện chương trình POHE trước hết là động lực và sức ỳ trong nhận thức. Với các đặc điểm nêu trên, chương trình POHE có nhiều khác biệt so với nhà trường truyền thống. Chừng nào các trường vẫn còn được ngân sách bao cấp với rất ít trách nhiệm giải trình; chừng nào lối dạy chay, chủ yếu đáp ứng nhu cầu bằng cấp của người học vẫn có đất sống… thì chừng đó, các trường chưa có động lực để thay đổi. Có một thuận lợi để GDĐH “lột xác” theo bà Ly đó là hiện nay, nhu cầu bằng cấp gần như đã bão hòa, thể hiện qua mức độ xuống dốc không phanh của số sinh viên hệ tại chức. Sau một thời gian tăng trưởng quá nóng về số lượng mà chất lượng không theo kịp, GDĐH Việt Nam đã ở vào một thời điểm mà ai cũng nhận thấy là nhu cầu cải cách trở nên cấp bách. Tình hình cử nhân thất nghiệp, lạm phát bằng cấp, năng suất lao động quá thấp so với các nước trong khu vực, số người vào ĐH bắt đầu giảm từ ba năm qua cùng lúc với số lượng du học tự túc tăng nhanh là những hiện tượng cho thấy lòng tin của xã hội đối với tấm bằng ĐH đã giảm sút rất nhiều. Đòi hỏi các trường phải tự cải thiện. Đối với các trường công lập, việc mở rộng tự chủ sẽ đặt các trường vào một vị trí năng động hơn, tăng cường sự cạnh tranh có tính chất thị trường hơn, bởi lẽ khi ngân sách Nhà nước cấp cho các trường giảm đi, đồng nghĩa với việc nhà trường phụ thuộc vào nguồn thu học phí nhiều hơn và sẽ phải cạnh tranh để giành sinh viên. Trong khi đó, chính sách với trường ngoài công lập vẫn còn nhiều bất cập và chưa tạo điều kiện cho việc xây dựng tầm nhìn dài hạn. Trường ngoài công lập vốn khó khăn lại càng thêm khó khăn trong bối cảnh trường công được mở rộng tự chủ, nghĩa là có thêm lợi thế để cạnh tranh. “Trong tương lai không xa, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều trường tư thục không thể tồn tại nổi và sẽ phải đóng cửa hay sáp nhập vì không tuyển sinh được. Tình hình đó đòi hỏi các trường phải chủ động thay đổi, cả trường công lẫn trường tư”, bà Ly khẳng định.
Nghiêm Huê